Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được triển khai gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng và việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, góp phần đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa, làm cho nội bộ thật sự đoàn kết, thống nhất.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Nhằm đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong lĩnh vực chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức đảng hằng năm. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là luôn quan tâm đến việc xây dựng đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị… Thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa yêu nước, giáo dục đạo đức cách mạng, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Các phong trào thi đua của các cấp, các ngành đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.
Xây dựng văn hóa trong kinh tế được quan tâm, các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được chú trọng, tỉnh đã chỉ đạo huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, nhằm hỗ trợ phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân. Các tập thể, cá nhân đã thể hiện được ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, lấy uy tín, chất lượng sản phẩm làm mục tiêu hàng đầu, đấu tranh với các biểu hiện thực dụng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nghĩa vụ đóng góp xây dựng địa phương, tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo...
Cao Thương