Trải qua 85 năm hình thành, xây dựng và phát triển (24/5/1932 - 124/5/2017) và sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua bao gian lao thử thách giành được những thành tựu vô cùng to lớn rất đáng tự hào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đó là nền tảng, điểm tựa vững chắc cho Gia Lai vững bước trên con đường phát triển.
Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, tỉnh ta từ chỗ có hơn 50 vạn người đói rét, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật hầu như chưa có gì, khắp tỉnh chỉ là ngổn ngang đồn bốt, căn cứ quân sự, phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đến nay, nạn đói đã chấm dứt; tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao qua từng giai đoạn và từng năm, từ 3,5%/năm giai đoạn 1976 - 1990 lên 11%/năm giai đoạn 1991 - 2010; đến giai đoạn 2010 - 2015 bình quân tăng 12,81%. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, giai đoạn 2010 - 2015 đạt gần 35 triệu đồng/năm; đến năm 2016, đạt 38,2 triệu đồng/năm, bằng 78,6% so với bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng thì đến năm 2016 đạt 3.732 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông, lâm nghiệp - công nghiệp và dịch vụ phát triển toàn diện.
Điểm nổi bật là cơ cấu kinh tế theo vùng, ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đã hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn và dài ngày gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Hiện một số cây trồng chủ lực của tỉnh có diện tích đứng đầu trong khu vực Tây Nguyên như hồ tiêu trên 13.000 ha, cao su trên 110.000 ha, mía trên 38.000 ha. Ngoài ra diện dích cà phê của tỉnh đứng thứ ba khu vực Tây Nguyên sau Đăk Đăk và Lâm Đồng với gần 80.000 ha…. Nhiều trang trại, dự án chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã phát huy hiệu quả, dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo quy mô công nghiệp bước đầu đi vào hoạt động, tổng đàn bò của tỉnh trên 400.000 con (đứng đầu khu vực Tây Nguyên và thứ hai cả nước sau Nghệ An). Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đạt kết quả bước đầu, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn. Vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng được quan tâm đầu tư.
Các khu, cụm công nghiệp tập trung, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ tinh chế được quan tâm đầu tư và phát triển. Hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện được xây dựng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng trưởng nhanh. Các loại hình dịch vụ, du lịch ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng phục vụ. Hiện nay, Gia Lai đang trên đà phát triển bền vững, trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, không chỉ là nơi “giao lưu” của các nền văn hóa mà còn là nơi “gặp gỡ” của sự phát triển kinh tế và đang từng bước cùng với Kon Tum, Đăk Lăk trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Một góc TP.Pleiku hôm nay
Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh đã chăm lo đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, thông tin, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; trong đó, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,18%, từ 27,56% - năm 2010 giảm xuống còn 11,67% - năm 2015 (theo tiêu chí cũ). Đến cuối năm 2016, còn 16,55% (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Đặc biệt, công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, Gia Lai, cùng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là những điểm nhấn văn hóa của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Cùng với kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm lãnh đạo. An ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc. Chính trị - xã hội ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng địa bàn nước ngoài để phục hồi FULRO, lôi kéo, kích động vượt biên và lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang Campuchia trên tuyến biên giới được tăng cường.
Xác định công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, quan trọng bậc nhất của Đảng bộ, do đó, những năm qua, công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được tăng cường. Phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là việc ban hành, tổ chức quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy có nhiều đổi mới. Việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo sự chuyển biến tích cực bước đầu. Công tác phát triển đảng, thành lập tổ chức đảng ở các thôn, làng chưa có tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành mục tiêu đề ra trước 02 năm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là ở cơ sở tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp được nâng cao; nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở với nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả hơn.
Nhìn lại chặng đường 85 năm qua, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để vượt qua trong thời gian đến. Để làm được điều đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hơn bao giờ hết phải tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy thuận lợi, tranh thủ thời cơ, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém về chủ quan để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh đó là: “Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững”.
Bài, ảnh: Huy Bảo