Chiều 24/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Hồ Đức Phớc – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Châu Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt Nghị quyết 21 và đem lại nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện, theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện theo quy định của pháp luật. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục tăng qua các năm. Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo.
Tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16,188.8 triệu người, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,623.3 triệu người so với năm 2012; trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,064.3 triệu người, BHXH tự nguyện là 1,124.5 triệu người, vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Số người tham gia BHTN là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động.

Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu Nghị quyết 21 đề ra. Tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số. Đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, từ năm 2012-2020 tăng gần 29 triệu người, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012-2020 theo Nghị quyết 21.
Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nghiên cứu, sửa đổi các chính sách, pháp luật về BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, chính sách pháp luật BHXH theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, phù hợp với cân đối quỹ BHXH; tiếp tục có giải pháp chính sách hỗ trợ phù hợp để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia BHYT nhằm thực hiện BHYT toàn dân, nhất là ở các tỉnh miền núi; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT; tăng cường quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT.
Phấn đấu đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Nhật Hiền