LTS: Nhân dịp tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ II - Năm 2014, đồng chí Hà Sơn Nhin - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII đã có bài phát biểu quan trọng chào mừng Đại hội. Ban Biên tập Trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội,
Kính thưa đồng chí Ksor Phước - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội,
Kính thưa đồng chí Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Thưa Đại hội,
Hôm nay, trong không khí thắm tình đoàn kết, đầm ấm và phấn khởi, tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II; là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc ở địa phương; đồng thời, biểu dương thành tích của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu xây dựng tỉnh Gia Lai từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu lần thứ nhất đến nay.
Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý và 250 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 600 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh về dự Đại hội. Xin trân trọng gửi tới các vị khách quý, các vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Nguyễn Đông-VPTU
Thưa quý vị đại biểu,
Thưa Đại hội,
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Trong tiến trình phát triển lịch sử hàng ngàn năm, 53 dân tộc thiểu số trong đại gia đình 54 dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam đã đoàn kết gắn bó, chung sức, đồng lòng, sát cánh bên nhau dựng nước và giữ nước, làm nên lịch sử vẻ vang và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã xác định vấn đề dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Quán triệt những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nguyên tắc và định hướng chiến lược về chính sách dân tộc của cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Để tập hợp đoàn kết dân tộc, Đảng và Bác Hồ đã tổ chức 02 Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Nam - Bắc để biểu dương truyền thống đoàn kết và động viên tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam cách đây 68 năm, được tổ chức tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) vào ngày 19 tháng 4 năm 1946; Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng Đại hội. Bức thư thể hiện tất cả tâm huyết, tình cảm thiết tha của Đảng, của Bác đối với các dân tộc thiểu số.
Bức thư như lời hiệu triệu, khích lệ hàng triệu con tim đồng bào dân tộc thiểu số miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đoàn kết đi theo Đảng, Bác Hồ, làm nên biết bao kỳ tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tôi xin nhắc lại trong Thư Bác có đoạn viết:
“Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.
Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phái kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong chính sách dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Cương lĩnh, Hiến pháp và nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc và khẳng định thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện
để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số để hướng tới mục tiêu cuối cùng là làm cho các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên
đất nước ta.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 84 năm qua, kể từ khi có Đảng đến nay đã chứng minh tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Từ thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đánh thắng hai đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới hôm nay là do Đảng ta đã thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh để phát huy sức mạnh
đại đoàn kết dân tộc.
Thưa quý vị đại biểu,
Thưa Đại hội,
Gia Lai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai giàu lòng yêu quê hương, đất nước, luôn tin, nghe theo Đảng và Bác Hồ đoàn kết, anh dũng, sát cánh cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng đất nước. Những đơn vị và cá nhân anh hùng tiêu biểu cho các dân tộc và những địa danh lịch sử trên mảnh đất Gia Lai, quê hương anh hùng Núp đã đi vào huyền thoại, cùng với nhân dân cả nước lập nên một kỳ tích vĩ đại - giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong gần 40 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ
và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, quyết tâm xóa bỏ cái cũ, lạc hậu, xây dựng cái mới, tiến bộ, văn minh, xây dựng quê hương Gia Lai đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai hôm nay tuy còn nhiều khó khăn, song không còn cảnh muối ớt, măng rừng, mà nhiều gia đình, nhiều người đã ăn ngon, mặc đẹp, vươn lên làm giàu, có máy cày, máy gặt, nhà cửa khang trang; nhiều gia đình có những vườn cà phê, cao su, hồ tiêu. Con cháu đã được đến trường học hành trưởng thành, nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, cán bộ, công chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) và Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020, kinh tế của Gia Lai đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây công nghiệp ngắn và dài ngày gắn với công nghiệp chế biến, thị trường hàng hóa. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, phúc lợi... được quan tâm đầu tư. Bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước khởi sắc.
Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực và công sức để xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng đến tận buôn, làng. Tỉnh đã chăm lo đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, thông tin, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đặc biệt, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được tỉnh tập trung công sức cao nhất nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2 đến 3% (đến cuối năm 2013, giảm xuống còn 17,23%; dự kiến đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn 12,4%). Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được chăm lo cải thiện.

Đồng chí Hà Sơn Nhin - Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: Nguyễn Đông-VPTU
Các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số về số lượng và chất lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, đủ sức giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đã có nhiều đơn vị và cá nhân điển hình tiên tiến người dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng là tấm gương đoàn kết của các dân tộc, gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con phát triển sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Có được những thành tựu nêu trên, đồng bào các dân tộc thiểu số Gia Lai nhớ ơn Bác Hồ, biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Gia Lai đã và đang cùng cả nước, vì cả nước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dù các thế lực thù địch có những âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhưng đồng bào các dân tộc vẫn vững vàng, không nghe theo kẻ xấu, mà tin, nghe theo Đảng để bảo vệ sự thống nhất đất nước, xây dựng quê hương Gia Lai hôm nay và trong tương lai ngày càng tươi đẹp.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, ý chí quyết tâm vươn lên và chia sẻ niềm vui về những kết quả, thành tựu mà cấp ủy, chính quyền, cùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Tôi nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Mong các vị tiếp tục nêu gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng thôn, buôn, làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thưa Đại hội,
Qua 05 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ và Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận do nhiều nguyên nhân nên kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chậm, thiếu đồng bộ, chưa vững chắc. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng giáo dục và đào tạo còn hạn chế. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập. Tình trạng thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết kịp thời. Các tệ nạn xã hội và tội phạm như tự tử, mê tín dị đoan, “ma lai”, “thuốc thư”... có nơi chưa được ngăn chặn triệt để. Tình hình an ninh nông thôn, trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn.
Vấn đề mà Đảng bộ và các cấp chính quyền trăn trở nhất là phương thức sản xuất, nếp nghĩ, cách làm của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lạc hậu, chậm đổi mới, năng suất lao động thấp nên tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao (hiện nay chiếm gần 83% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh), đời sống đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Chênh lệch mức sống, thu nhập giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, giữa đồng bào người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số rất lớn và hết sức bức xúc. Bản sắc văn hóa các dân tộc chưa được bảo tồn, phát huy hiệu quả, còn bị mai một (như không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận, song có nơi bà con ta bán cồng chiêng, không giữ gìn nền văn hoá dân tộc). Đây là những vấn đề mà đồng bào các dân tộc thiểu số phải suy ngẫm và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thưa Đại hội,
Quán triệt đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trong tình hình mới, tôi xin trao đổi, gợi mở và đề nghị các đại biểu dự Đại hội thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu như sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp như hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng các đặc điểm trong quan hệ dân tộc, nhất là lợi dụng trình độ, tính nhạy cảm của tâm lý dân tộc, tâm lý tôn giáo, tín ngưỡng, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số chúng ta phải tỉnh táo, vững vàng niềm tin tuyệt đối vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; một lòng một dạ theo Đảng và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền vận động người thân, gia đình thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, kích động làm trái với truyền thống cách mạng của dân tộc ta.
Thứ hai, mỗi thành phần dân tộc, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục mọi khó khăn để chăm lo con em mình học hành đến nơi đến chốn nhằm nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hội nhập cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và đất nước. Nhà nước đã đầu tư xây dựng các trường, lớp học, các trung tâm học tập cộng đồng từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, đã ban hành các chính sách, chế độ tạo điều kiện hỗ trợ cho con em các dân tộc thiểu số được học tập và tạo việc làm. Chúng ta muốn sớm thoát khỏi nghèo và lạc hậu thì cần phải học hành để làm giàu kiến thức và nắm bắt, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; đó là con đường duy nhất để sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển giữa miền núi với miền xuôi, giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thường xuyên chú trọng bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số và kiên quyết xoá bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở mỗi thôn, buôn, làng. Mỗi gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là bảo tồn và phát huy không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, đó chính là nét văn hoá đặc trưng, đặc sắc của đồng bào Jrai, Bahnar hàng ngàn đời nay.
Thứ tư, hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nền sản xuất tự cấp, tự túc, dựa vào tự nhiên, chưa có cơ sở chắc chắn để phát triển kinh tế hàng hóa. Tôi đề nghị đồng bào khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại hoặc tự ti, hãy phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chịu khó học hỏi trau dồi kiến thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm làm giàu, nâng cao hiệu quả kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại Đại hội hôm nay, tôi đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, các ngành có sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm triển khai thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc và công tác dân tộc ở địa phương; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, có chính sách ưu tiên đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hợp lý; cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường... hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, xây dựng đời sống tốt hơn, no đủ hơn, thực hiện công bằng xã hội.
Tôi đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hãy dành những tình cảm, chia sẻ trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương, hỗ trợ các nguồn lực, làm tốt vai trò “bà đỡ” chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, thu nhận lao động, xây dựng hạ tầng và công tác an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thưa quý vị đại biểu,
Thưa Đại hội,
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II là đại biểu của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tin tưởng trong thời gian tới, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, một lòng son sắt theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, thực hiện tốt lời căn dặn của Người:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Từ diễn đàn Đại hội, thay mặt đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và kính đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư về mọi mặt để Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ đầy đủ các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, để nhân dân các dân tộc thiểu số “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một lần nữa, xin kính chúc các vị khách quý, các vị đại biểu và toàn thể đồng bào các dân tộc trong tỉnh sức khỏe, hạnh phúc, đoàn kết và thắng lợi. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
* Tiêu đề do Ban Biên tập Trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh đặt