Ngày 31/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Dân vận nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tổng kết công tác dân vận năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 bằng hình thức trực tuyến.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương, có các đồng chí: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị; cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

Những kết quả tích cực trong công tác dân vận của Đảng
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận. Từ đó, góp phần tạo đồng thuận, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng bộ, hiệu quả hơn trong công tác dân vận. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trên tất cả các lĩnh vực. Các địa phương đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đã cử 95.000 lượt cán bộ xuống giúp các xã, phường, thôn, bản ở các vùng dân tộc, đồng bào tôn giáo, biên giới, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cơ quan nhà nước và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2020, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và phát động hệ thống chính trị “Năm dân vận khéo”, hệ thống chính trị đã phát hiện, giới thiệu hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong cả nước...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đối với công tác dân vận theo hướng đổi mới thiết thực, lấy cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của bộ máy nhà nước, cán bộ, đảng viên. Cần chú trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền bởi đây là nơi quyết định cũng là nơi tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Phát huy vai trò nêu gương trong cuộc sống, nhất là cán bộ quản lý, tạo chuyển biến thực sự, nắm được tâm tư, nguyện vọng và dư luận xã hội trong nhân dân một cách khoa học, thực chất để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân sát thực tiễn, có tính thuyết phục cao, phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo, nhân rộng các mô hình điển hình về công tác dân vận trong hệ thống chính trị.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận từ tình hình thực tiễn của Gia Lai
Tại điểm cầu Gia Lai, đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trình bày tham luận “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn của địa phương”. Xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 49-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 01-TT/TU về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai trong toàn Đảng bộ tỉnh. Căn cứ vào tình hình thực tế và những đặc thù của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng xã nông thôn mới; ban hành Nhị quyết về phát triển cây dược liệu, nghị quyết về rau củ, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm Ocop từ nhân dân. Các nội dung nêu trên là yếu tố, là nền tảng quan trọng tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tích cực đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh với những cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu: Hoạt động kết nghĩa giữa hộ người Kinh và hộ người đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình “Gắn kết hộ”, chủ trương “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”; chương trình “Vì em hiếu học”... góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa đồng bào các dân tộc. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn làng, xã nắm đến hộ dân”; phân công các sở, ban, ngành kết nghĩa với các xã đặc biệt khó khăn, xã có khả năng xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị; các phòng, ban cấp huyện kết nghĩa với các thôn, làng để hỗ trợ xây dựng làng nông thôn mới; đảng viên phụ trách việc giúp đỡ từng hộ nghèo… Với những chủ trương được đề ra kịp thời và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Kết qủa lớn nhất là niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: Trong thời gian đến, Tỉnh ủy sẽ cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện công tác dân vận nói chung, công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, phát huy phương pháp, cách làm hay, tích cực tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức cách làm mới, phù hợp để vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, cụ thể là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong chính sách phát triển dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí cũng kiến nghị Trung ương cần có chính sách để động viên, thu hút con em dân tộc thiểu số vào biên chế các cơ quan, hệ thống chính trị các cấp.
Lam Giang