Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Theo đó, đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị toàn tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 03 tháng 3 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số và tôn giáo trong tình hình mới. Duy trì nghiêm túc chế độ giao ban định kỳ của thường trực cấp ủy với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để kịp thời chỉ đạo hoạt động công tác hội. Hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân dần trở thành hoạt động thường xuyên, đi vào nền nếp và ngày càng thực hiện có hiệu quả. Đến nay, có 17/17 huyện ủy, thị ủy, thành ủy tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ; năm 2018, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức đối thoại với 200 cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo để hội liên hiệp phụ nữ triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo các cấp hội thực hiện nghiêm túc quy trình giám sát theo quy định, sau giám sát có báo cáo, kiến nghị đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng các nội dung tồn tại, hạn chế được nêu tại các cuộc giám sát. Qua đó, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị được cơ quan chức năng tiếp thu và trả lời kịp thời.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “hằng tuần có 4 ngày làm việc tại cơ quan, 01 ngày làm việc tại cơ sở”, các cấp hội phụ nữ cụ thể hóa thành khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ hội về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và hoạt động của tổ chức hội. Rà soát các trường hợp đủ tiêu chuẩn chức danh theo quy định tham mưu với cấp ủy cử đi đào tạo theo diện ưu tiên. Đến nay, 15/15 cán bộ chuyên trách tỉnh hội đạt chuẩn chức danh (đạt 100%); 70/73 cán bộ hội chuyên trách cấp huyện đạt chuẩn chức danh (đạt 95,8%), 188/221 chủ tịch hội phụ nữ cơ sở đạt chuẩn chức danh (đạt 85%). Chỉ đạo các cấp hội nắm bắt tư tưởng của chi hội trưởng không còn giữ chức danh sau khi kiện toàn để có hướng giải quyết kịp thời .

Ảnh: N.Đ
Vai trò của tổ chức hội, của hội viên phụ nữ trong việc tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng được cấp ủy, chính quyền coi trọng, phát huy, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, với việc phân công, đảm nhiệm các công trình, phần việc cụ thể, như: Về môi trường (xây dựng các mô hình xử lý rác thải, nhà tiêu hợp vệ sinh, con đường hoa, hàng rào xanh), về gia đình văn hóa (xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao của phụ nữ...), về hình thức tổ chức sản xuất (thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ)... Các mô hình hoạt động theo từng đối tượng, chú trọng đến phụ nữ dân tộc, phụ nữ theo các tôn giáo; đổi mới hình thức sinh hoạt hội viên, lồng ghép giữa tuyên truyền nội dung có tính chính trị với các chuyên đề về kiến thức, kỹ năng sống cho phụ nữ.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở, hội liên hiệp phụ nữ đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động hội. Nhiều hoạt động hướng về gia đình, phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng biên giới, trẻ em nghèo; chủ động can thiệp, giải quyết các vụ việc, vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; phối hợp hỗ trợ phương tiện sinh kế, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; tạo cơ hội cho phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, qua đó tạo sự đồng thuận của hội viên phụ nữ với các phong trào của hội.
Cùng với đó, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác cán bộ nữ ngày càng được chú trọng. Chỉ đạo các cấp ủy rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy quản lý, trong đó quan tâm công tác quy hoạch cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí được quy hoạch, số cán bộ nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị ngày một tăng. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ nữ để rèn luyện, đào tạo được chú trọng. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ chủ chốt được thực hiện nghiêm túc ở cả 3 cấp; tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng cao. Hiện nay, đảng viên nữ trong toàn tỉnh 19.456/ tổng số 57.852 đảng viên (chiếm tỷ lệ 33,6%). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác cán bộ trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng.
Trường Xuân