Tính đến tháng 8-2018, tổng số đảng viên ở xã, thị trấn của huyện là 2.609 đảng viên (tỷ lệ 78,70%). Tổng số chi bộ thôn, làng, tổ dân phố là 166 chi bộ. Trong đó, có 97/166 chi bộ có chi ủy, chiếm 58,43%. Tổng số trưởng thôn, làng, tổ dân phố không phải đảng viên là 43 người, chiếm 25,9%. Tổng số bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, làng, tổ dân phố 23 đồng chí, chiếm 13,8%.
Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó, có việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ở thôn, làng, tổ dân phố mà cụ thể là vai trò của trưởng thôn, làng, tổ dân phố đã tạo được những chuyển biến tích cực.
Đội ngũ trưởng thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm được giao theo đúng tinh thần Thông tư số 09/2017TT-BNV, ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ. Những vấn đề thuộc phạm vi của thôn, làng, tổ dân phố theo quy định của pháp luật cần ý kiến đóng góp của nhân dân thì trưởng thôn, làng, tổ dân phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, tổ dân phố tổ chức cuộc họp dân để bàn bạc, lấy ý kiến và quyết định, đảm bảo các nội dung hoạt động theo quy định. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp thôn, làng, tổ dân phố để truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân tạo sự đồng thuận của người dân trong tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương. Các đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố thường xuyên tập hợp các ý kiến phản ánh của nhân dân, đề nghị Ủy ban nhân dân xã, thị trấn xem xét, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lập biên bản về những vấn đề đã được nhân dân của thôn, làng, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định. Tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khi dân cư", phong trào "Dân vận khéo", phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"…, giúp cơ quan chức năng phát hiện đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch..., góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, trình độ học vấn, năng lực công tác của một số trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại cơ sở; một số trưởng thôn, làng, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhân khẩu đi, đến, đăng ký tạm trú, tạm vắng chưa chặt chẽ, kịp thời; việc tố giác tội phạm vi phạm pháp luật, khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy… còn thụ động, né tránh. Quy chế dân chủ ở cơ sở ở nhiều thôn, làng chưa được thực hiện tốt; có trường hợp chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa trưởng thôn với Bí thư Chi bộ, ảnh hưởng tới công tác xây dựng Đảng ở thôn, làng, tổ dân phố; một số trưởng thôn, làng, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa hiệu quả; về chế độ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và những vấn đề phát sinh cho UBND xã của một số trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa thực hiện nghiêm túc, chưa đầy đủ và kịp thời, gây khó khăn cho quá trình tổ chức, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn.

Trưởng, thôn làng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị mở cơ sở
Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn 43 đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa phải là đảng viên, vì vậy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ công tác của thôn, làng, tổ dân phố còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế, như: Việc nắm bắt thông tin, tình hình thời sự, nhất là các nội dung về công tác xây dựng Đảng hàng tháng còn hạn chế. Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ thôn, làng, tổ dân phố không được tham gia dự họp, bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến, nhất là việc tham gia ý kiến vào các nghị quyết của chi bộ. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của chi bộ đến nhân dân trên địa bàn quản lý còn nhiều lúng túng, chưa sát với thực tế. Một số ít trưởng thôn, làng, tổ dân phố không là đảng viên thì khó có sự đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò cấp ủy Đảng chưa được phát huy cao nhất; cấp uỷ cấp trên khó nắm được tình hình cụ thể cơ sở, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một số trưởng thôn, làng, tổ dân phố không phải là đảng viên do khó khăn trong việc tiếp thu Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp nên triển khai thực hiện Nghị quyết đến nhân dân còn hạn chế.
Nhằm nâng cao vai trò của trưởng thôn, làng, tổ dân phố, Ban Thường vụ huyện ủy tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giúp cho các trưởng thôn, làng, tổ dân phố hiểu rõ tầm quan trọng cũng như xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện vai trò người đứng đầu thôn, làng, tổ dân phố. Chỉ đạo các cấp ủy và chính quyền cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò và đặc điểm của trưởng thôn; quan tâm chỉ đạo công tác định kỳ hằng năm mở lớp bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn cho đội ngũ trưởng thôn, làng, tổ dân phố. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, xây dựng các phong trào với các tiêu chuẩn thi đua cụ thể làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp của các trưởng thôn, làng, tổ dân phố. Tranh thủ phát huy vai trò của già làng, người có uy tín ở khu dân cư để hỗ trợ cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của trưởng thôn, làng, tổ dân phố.
Cùng với đó, để khắc phục tình trạng trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa phải là đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ chỉ đạo thực hiện chủ trương Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn, làng, tổ dân phố, phải lấy sự đồng thuận của người dân để giới thiệu bí thư chi bộ tham gia ứng cử giữ chức trưởng thôn, làng, tổ dân phố. Quan tâm hơn nữa công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là nguồn quần chúng ưu tú có đủ uy tín, năng lực để sau này có thể là nguồn bố trí làm trưởng thôn, làng, tổ dân phố đồng thời là bí thư chi bộ...
Huy Bảo