Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, Đảng ta đã phát động và lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám- 1945, hoàn thành mục tiêu giành độc lập dân tộc, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa dân tộc Việt Nam vào hàng ngũ tiên phong những dân tộc trên thế giới đấu tranh thắng lợi trước chủ nghĩa thực dân.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đề lại những thành tựu to lớn về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt thành tựu thực tiễn được nhân dân mỗi tỉnh trong cả nước tiếp thu chủ trương chung của Đảng nhưng bên cạnh đó có những nét rất riêng trong đó có tỉnh Gia Lai.

Ngay khi nhận được tin Nhật Bản chấp nhận đầu hàng Đồng minh, ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15-8, Hội nghị Đảng toàn quốc họp, quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14-8 đến 28-8-1945), trong đó có thắng lợi ở Gia Lai khi bộ máy cai trị của địch hoang mang cực độ. Lực lượng quân đội Nhật, bọn hiến binh đóng ở Pleiku, An Khê, Cheo Reo và các đồn binh lần lượt rút về Quy Nhơn chờ giải giáp. Lính bảo an không còn ủng hộ chính quyền thân Nhật, đã dần dần ngả về phía cách mạng, đồng tình và ủng hộ các hoạt động của quần chúng và thanh niên yêu nước. Nhân cơ hội này Đoàn thanh niên An Khê chớp thời cơ đó kêu gọi quần chúng trong huyện khởi nghĩa.
Vào sáng 20-8-1945, lực lượng khởi nghĩa huyện An Khê chiếm đồn bảo an thị trấn và huyện đường. Tri huyện Phan Sĩ Sàng cùng bộ máy thừa hành chấp nhận bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng. Lực lượng bảo an binh giao nộp vũ khí cho quân khởi nghĩa. Đoàn thanh niên An Khê cùng lực lượng khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng; tổ chức lực lượng về các làng, xã vùng người Kinh giáp thị trấn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát động quần chúng mít tinh, biểu tình, tịch thu triện đồng của bọn tổng lý, nắm chính quyền thôn, xã. Huyện An Khê khởi nghĩa thắng lợi nhanh gọn.
Sáng 22-8, đoàn quân khởi nghĩa của An Khê có lực lượng vũ trang thanh niên tự vệ, do các ông Trần Sanh, Trần Thông dẫn đầu tiến lên thị xã Pleiku phối hợp với Đoàn thanh niên Gia Lai để khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Ở thị xã, Đoàn thanh niên Gia Lai đã sẵn sàng. Trí thức, công chức trong bộ máy chính quyền bù nhìn đã đồng tình ủng hộ khởi nghĩa. Chiều ngày 22-8-1945, Ban lãnh đạo Đoàn thanh niên Gia Lai nhận được điện của Việt Minh Bình Định, do Tỉnh trưởng Bửu Phu chuyển tới với nội dung: "Bảo Đại chấp nhận thoái vị, Việt Minh giành chính quyền, yêu cầu thanh niên Gia Lai tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Minh"[1]. Với tinh thần nhận mệnh lệnh khởi nghĩa, Đoàn thanh niên Gia Lai hành động tức khắc, buộc Tỉnh trưởng Bửu Phu ký lệnh trưng dụng xe ô tô đưa cán bộ thanh niên đến các công sở trong tỉnh và các đồn điền, những vùng nông thôn phụ cận để tuyên truyền huy động quần chúng vũ trang biểu tình giành chính quyền. Tại các công sở trong thị xã, công nhân viên chức khẩn trương may cờ, băng khẩu hiệu, biểu ngữ để treo tại công sở và mang đi dự mít tinh, biểu tình. Một số binh lính, sĩ quan ở đồn bảo an binh đã nhận lệnh của đoàn thanh niên sẽ tham gia cùng thanh niên tự vệ giữ trật tự, an ninh cho đoàn biểu tình và cuộc mít tinh.
Suốt đêm 22-8-1945, công nhân đồn điền, nông dân các vùng phụ cận nhộn nhịp chuẩn bị cờ, băng khẩu hiệu, cơm đùm, cơm vắt, gậy gộc, giáo mác tập hợp thành đội ngũ để đi biểu tình vào sáng sớm hôm sau. Sáng ngày 23-8, nhiều đoàn biểu tình các nơi kéo về, cùng những đoàn quần chúng thị xã, đội ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về trung tâm thị xã. Một cuộc biểu dương lực lượng trên một vạn quần chúng chưa từng có ở Pleiku gồm công nhân đồn điền, nông dân người Kinh và đồng bào các dân tộc, cùng các tầng lớp nhân dân thị xã tập trung mít tinh tại Tòa công sứ. Sau đó lực lượng quần chúng chia thành hai cánh tuần hành qua các phố chính trong thị xã.

Đúng 10 giờ sáng ngày 23-8-1945, gần một vạn người gồm đủ các tầng lớp nhân dân thị xã, các vùng lân cận; đại diện lực lượng khởi nghĩa của huyện An Khê và lực lượng binh lính bảo an giác ngộ dự cuộc mít tinh lớn tại sân vận động trung tâm thị xã dưới rừng cờ đỏ sao vàng Tổ quốc tung bay trong gió lộng của thị xã Cao Nguyên, trong niềm kiêu hãnh, hân hoan vui mừng của mọi người. Cuộc mít tinh bắt đầu, ông Trần Ngọc Vỹ, đại diện lực lượng quần chúng khởi nghĩa lên diễn đàn tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh triệt để thi hành các chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Ủy ban dân tộc giải phóng do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Buổi lễ kết thúc, cuộc mít tinh tiếp tục biến thành cuộc tuần hành, quần chúng đi qua những đường phố chính, rồi tỏa về các vùng nông thôn ven thị xã và các đồn điền. Đoàn biểu tình nơi nào về nơi đó tiếp tục mít tinh để xóa bỏ chính quyền cũ, lập chính quyền cách mạng tại địa phương. Các làng đồng bào dân tộc, mỗi làng chỉ cử một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch làng. Chỉ trong một ngày, toàn bộ các cơ quan quân sự, hành chính, đồn điền, công sở trong tỉnh đã thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cách mạng, nhân dân làm chủ[2].
Khi khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện An Khê và thị xã Pleiku thắng lợi, khởi nghĩa ở huyện Cheo Reo cũng thành công...Ngày 25-8-1945, lực lượng thanh niên Cheo Reo có sự giúp sức của một số lính bảo an người dân tộc thiểu số, đã vận động quần chúng nhân dân nổi dậy chiếm đồn bảo an binh ở huyện lỵ, bắt tên đồn trưởng Mô, tịch thu vũ khí, làm chủ tình hình thị trấn. Đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện được huy động làm cuộc mít tinh, biểu tình ở huyện lỵ, sau đó đi về các làng ven thị trấn biểu dương lực lượng, hạ uy thế của bọn chánh tổng, chủ làng làm tay sai cho phát xít Nhật. Lực lượng thanh niên Cheo Reo đến các làng, xã vận động tập trung vũ khí cất giữ trong những gia đình có người đã làm việc cho Pháp, cho Nhật; tuyên truyền giải thích chính sách đại đoàn kết của Việt Minh; hướng dẫn và trực tiếp cùng nhân dân giải quyết các vụ xích mích, giữ gìn an ninh, trật tự cho nhân dân ở các làng, xã.
Ban lãnh đạo thanh niên cùng với các nhân sĩ yêu nước đã dự kiến danh sách nhân sự Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo và chờ đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh đến công nhận sẽ chính thức tổ chức ra mắt nhân dân.
Ngày 2-9-1945, trong không khí nước nhà độc lập, phái đoàn đại diện chính quyền tỉnh Gia Lai do Chủ tịch Trần Ngọc Vỹ dẫn đầu đến huyện lỵ Cheo Reo dự cuộc mít tinh của nhân dân trong huyện chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa và công bố danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Đến giữa tháng 9-1945, hệ thống chính quyền cách mạng các cấp ở Cheo Reo đã quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa.
Ở các huyện Chư Ti và Pleikli, đến tháng 8-1945 nhiều làng, xã, thôn trong huyện các huyện này, quần chúng tự động nổi dậy nắm quyền tự chủ, lấn át chính quyền địch. Đầu tháng 9-1945, đại diện chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai được cử đến hai huyện Chư Ti và Pleikli thực hiện việc xóa bỏ chính quyền tay sai thực dân và phong kiến, thành lập các Ủy ban cách mạng lâm thời ở cả hai huyện. Chính quyền cách mạng thôn, xã, buôn làng được thanh niên yêu nước và quần chúng thành lập theo sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cách mạng huyện trong thời gian ngay sau đó.
Trong thời gian rất ngắn, từ thị trấn An Khê, thị xã Pleiku, các thị trấn Cheo Reo, Chư Ti, Pleikli, đến các làng, xã trên địa bàn toàn tỉnh, quần chúng nhân dân đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hệ thống chính quyền tay sai thực dân, phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng bước đầu được thiết lập trong toàn tỉnh.
Chính quyền cách mạng trong tỉnh bước đầu đã thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh để xây dựng chế độ mới, xã hội mới - chế độ xã hội cộng hòa dân chủ nhân dân trên quê hương Gia Lai.
Như vậy có thể nói nét độc đáo tạo ra lên sự đặc thù trong Cách mạng Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh Gia Lai đó là khi Gia Lai chưa có Đảng bộ tỉnh và đoàn thể Việt Minh lãnh đạo, nhưng với chủ trương, đường lối chung của Đảng nhân dân trong tỉnh Gia Lai đặc biệt quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên yêu nước trên địa bàn tỉnh đã làm lên thắng lợi vỹ đại trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945- Sự thắng lợi đó là sự thể hiện sinh động về tính đúng đắn của đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc, cứu nước của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp với lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, tính chủ động, năng động của thanh niên và tinh thần cách mạng triệt để của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân của tỉnh nhà. Mối quan hệ đặc biệt ấy đã được hun đúc tinh thần cách mạng của các chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng, những đảng viên cộng sản đến sinh sống, hoạt động gắn bó với nhân dân địa phương, dần dần không ngừng phát triển trong cuộc đấu tranh chống ách nô dịch của đế quốc thực dân, phong kiến, dẫn đến cuộc toàn dân nổi dậy trong những ngày tháng Tám 1945 lịch sử.[3] Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Gia Lai đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, yêu chuộng độc lập, tự do và tinh thần quật khởi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thắng lợi đó mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phong trào cách mạng Gia Lai- Là tiền đề trực tiếp cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai vào 10-12-1945.
ThS. Vũ Thị Thảo- GVC. Phan Thị Lệ Thủy
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
___________
[1]. Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ: Báo cáo về Tây Nguyên, tháng 3-1949, lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai.
[2]. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, 1945-2005, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội- 2009.
[3] . Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, 1945-2005, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội- 2009.