Giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, có thể khẳng định đây là công cụ hữu hiệu để tổ chức Công đoàn thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả quan trọng.
Hằng năm, căn cứ vào tình hình cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với ngành chức năng cùng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động tổ chức giám sát tại 56 đơn vị, doanh nghiệp; tham gia phối hợp với các ngành có liên quan ở tỉnh và Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở... tại 1.001 lượt cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Qua đó đã kịp thời phát hiện, kiến nghị và hướng dẫn chấn chỉnh những sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động ở cơ sở.
Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đã chủ trì thành lập đoàn giám sát tại 221 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và phối hợp với chính quyền, cơ quan, ban ngành đồng cấp tiến hành kiểm tra, giám sát 231 đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến người lao động.
.JPG)
Thời gian qua, MTTQ và đoàn thể đã làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó có Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: N.Đ
Qua hoạt động kiểm tra giám sát của các cấp công đoàn, đã phát hiện và kiến nghị các đơn vị, doanh nghiệp giải quyết khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong việc ký hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, các chế độ bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động…; đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; việc tuyển dụng, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức; việc giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức...
Ngoài ra, hoạt động giám sát của tổ chức Công đoàn tỉnh còn được thể hiện thông qua việc giải quyết đơn thư, tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là giám sát thông qua việc hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP và Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thông qua việc hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân trong khối hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 1.463/1.463 ban thanh tra nhân dân (ở 1.450 cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập và 13 doanh nghiệp nhà nước); qua đánh giá phân loại của các cấp công đoàn, có 1.077/1.463 ban thanh tra nhân dân hoạt động tốt (chiếm tỷ lệ 73,36%), 327/1.463 ban thanh tra nhân dân hoạt động khá (chiếm 22,35%) và 59/1.463 ban thanh tra nhân dân hoạt động trung bình (chiếm 4%).
Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực tham gia phản biện trong xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động như: Các dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật trưng cầu ý dân, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục (sửa đổi)... Nổi bật là trong năm 2019, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong công nhân, viên chức, lao động và chủ trì hội nghị phản biện lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động với 80 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và 124 ý kiến tham gia. Ngoài ra, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tham gia ý kiến phản biện xã hội vào các văn bản dự thảo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, thi đua khen thưởng ở địa phương… Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện của các cấp công đoàn luôn sát với thực tiễn đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và chỉ đạo thực hiện, đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian đến, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhằm tiếp tục phát huy cao nhất quyền làm chủ, tính dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nói chung và công nhân, viên chức, lao động nói riêng, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Văn