Ngày 6-1-1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời tổ chức Tổng tuyển cử (TTC) bầu Quốc hội (QH) đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (VNDCCH). Lần đầu tiên mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở thủ đô Hà Nội, 118 đại biểu ngoại thành gửi thư đề nghị: “Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử, xin suy tôn cụ là Chủ tịch vĩnh viễn của nước VNDCCH”. Người viết thư gửi đồng bào bày tỏ sự cảm động đối với lòng tin yêu của đồng bào. Người xác định rằng Người là công dân của nước VNDCCH nên không thể vượt qua thể lệ của TTC. Người yêu cầu nhân dân ngoại thành Hà Nội làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc TTC sắp đến và kêu gọi “Ngày mai là một ngày đầu tiên...”.

Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ảnh nguồn Internet
Cuộc bầu cử được tiến hành sôi nổi trong cả nước, hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu. Ngày 6-1-1946, Người đi bầu cử tại hòm phiếu đặt tại số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó Người đi thăm một số phòng bỏ phiếu tại thành phố Hà Nội. Kết quả là nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào QH đầu tiên của nước VNDCCH. Người ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Sau khi thực hiện thắng lợi cuộc TTC trong cả nước, Người chủ trương nhanh chóng triệu tập cuộc họp QH để đối phó kịp thời với tình hình mới.
Sáng ngày 2-3-1946, QH khóa I họp kỳ họp thứ nhất tại Nhà Hát thành phố Hà Nội, gần 300 đại biểu QH của cả nước đã về họp (các đại biểu Nam bộ vì bận công việc kháng chiến chưa ra kịp). Tại kỳ họp này, trước khi vào phần chính của chương trình nghị sự, Người đề nghị QH mở rộng số đại biểu, đưa thêm 70 người Quốc dân Đảng theo Tưởng Giới Thạch vào QH không qua bầu cử. Các đại biểu QH đã thông qua đề nghị của Người. Đây là sách lược tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là thực dân Pháp và hạn chế những hành động phá hoại từ phía Tưởng Giới Thạch. Người đọc lời khai mạc và báo cáo công tác của Chính phủ liên hiệp lâm thời trước QH. Người nêu ra ý nghĩa của cuộc TTC đầu tiên của nước Việt Nam, đề ra những nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam và khẳng định “Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi tin chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công”. Tại kỳ họp này, Người được QH bầu làm Chủ tịch nước. Người giới thiệu trước QH bản danh sách Chính phủ mới, Đoàn cố vấn tối cao, kháng chiến ủy viên hội và được các đại biểu QH tán thành.
Từ cuối năm 1946, toàn dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc chống lại thực dân Pháp tái xâm lược, từ ngày 20 đến 26-3-1955, kỳ họp thứ tư QH họp tại Hà Nội, 203 đại biểu QH trong cả nước đã về dự. Người thay mặt Chính phủ đọc lời chào mừng QH trong ngày khai mạc, Người nhấn mạnh “Quốc hội là tiêu biểu cho ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắc đá không gì lay chuyển nổi”. Người cũng biểu dương sự đóng góp của QH vào cuộc kháng chiến chống Pháp, mang lại hòa bình cho đất nước. Trong bài phát biểu tại buổi bế mạc Người cảm ơn QH và nhấn mạnh “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người làm chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Người cũng nêu rõ chính sách đối nội và đối ngoại của Chính phủ. Chính sách đối nội là “đoàn kết toàn dân, thi đua sản xuất, làm cho nhân dân ta ấm no, nước ta giàu mạnh, đồng thời đấu tranh vì hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ” và chính sách đối ngoại là “đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn, nhân dân hai nước Cao Miên, Lào, nhân dân châu Á, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”. Phát biểu ý kiến trong ngày khai mạc và bế mạc kỳ họp thứ 6 QH khóa I, Người nêu rõ mục đích của khóa này là nhằm phát triển nền dân chủ kiểu mới, dân chủ với nhân dân và chuyên chín với kẻ thù. Người kêu gọi toàn thể nhân dân không phân biệt đảng phái, dân tộc và tôn giáo, cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước.
Ngày 18-4-1958, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa I, Người chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Trong kỳ họp lần thứ 11 (18 - 31-12-1959, Người thay mặt QH khen đồng bào miền Bắc hăng hái đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đồng bào miền nam đoàn kết chặt chẽ đấu tranh chống độc tài phát xít. Trong kỳ họp này, Người đọc bản báo cáo về Hiến pháp sữa đổi. QH đã thông qua Hiến pháp mới. Với tư cách là một đại biểu của QH và là Chủ tịch của nước VNDCCH, Người đã cùng QH đầu tiên của nước VNDCCH đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi và bắt đầu xây dựng CNXH tại Việt Nam.
Tháng 4-1962, Người viết thư gửi đồng bào thủ đô: “Tôi rất cảm ơn toàn thể đồng bào Thủ đô Hà Nội đã đề nghị tôi ra ứng cử ở thủ đô trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa II. Tôi xin báo để đồng bào biết rằng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đồng ý để tôi ứng cử tại Hà Nội (khu Ba Đình)”. Về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, Người viết: “Cuộc TTC QH là một sự kiện chính trị rất quan trọng của chế độ dân chủ ta. Mong toàn thể đồng bào hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc TTC này đại thắng lợi”. Người thực hiện quyền lợi của người công dân nước Việt Nam độc lập, đi bỏ phiếu bầu cử QH khóa II tại phòng bỏ phiếu phố Cửa Bắc, khu Ba Đình, Hà Nội ngày 8-5-1960. Ngày 7-7-1960 Người thay mặt Trung ương Đảng và CP đọc lời chào mừng QH khóa II. Ngày 15-7-1960, Người phát biểu ý kiến sau khi QH bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước: “Việc QH nhất trí bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chứng tỏ nhân dân miền Nam nhất trí với nhân dân miền Bắc, nước ta nhất định sẽ thống nhất”.
Khi được cử làm đại biểu QH khóa III, ngày 14-4-1964, tại Hà Nội, Người nói lên những suy nghĩ và mục tiêu phấn đấu của mình: “...Tôi cứ phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh... phấn đấu cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam”. Người chứng minh tính dân chủ của Việt Nam hơn hẳn các nước tư bản trong việc bầu cử và nêu rõ giá trị to lớn của mỗi lá phiếu, biết bao gian khổ và xương máu trong các cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó, vì vậy: “Đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quí báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”. Với tư cách là đại biểu QH, Người luôn tham gia dự đầy đủ các kỳ họp và phát biểu ý kiến về những vấn đề trọng đại của đất nước Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ nhất (từ 15-6 đến 3-7-1964), trong phiên họp bầu Thủ Tướng Chính phủ, Người giới thiệu và đề nghị QH bầu đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng. Phát biểu bế mạc, người nói: “Thay mặt các đồng chí đã được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm. Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi: “Bẩy mươi tư tuổi vẫn không già; Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta; Bao giờ Nam Bắc một nhà; Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng.”.
Ngày 10-4-1965, Người phát biểu tại kỳ họp thứ 2, QH khóa III: “Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”. Về lập trường của Chính phủ VNDCCH, Người tuyên bố: “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng Hiệp nghị Giơnevơ, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công vào miền Bắc. Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam”.
Ngày 22-4-1966, tại phiên họp bế mạc kỳ họp QH khóa III, Người biểu dương thành tích của quân và dân miền Nam anh hùng liên tiếp tấn công tiêu diệt sinh lực địch; biểu dương thành tích của quân và dân miền Bắc vừa sản xuất tốt vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 973 máy bay Mỹ. Người nêu nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc là “phải ra sức bảo vệ và xây dựng miền Bắc vững mạnh, hết lòng hết sức ủng hộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”.
Hương Lan