Trong 10 năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm, đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Thông tri số 09-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; trong 10 năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm, đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng; từ xây dựng, phát triển tổ chức hội, xây dựng các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đến điều kiện hoạt động của các hội khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng. Nhờ đó, công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong những năm qua, quy mô giáo dục, hệ thống trường, lớp của tỉnh phát triển khá nhanh, phù hợp với từng địa bàn dân cư và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; các loại hình giáo dục và đào tạo được mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 827 trường ở bậc học mầm non và phổ thông với 378.751 học sinh (tăng 138 trường, 32.736 học sinh so với năm học 2007-2008); 2 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh; 17 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện; 23 trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; 3 trường trung cấp chuyên nghiệp; 2 phân hiệu đại học; 2 trường cao đẳng; 2 trường trung học chuyên nghiệp; 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và 16 trung tâm cấp huyện, 8 trung tâm ngoại ngữ và tin học. Hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng phát triển cả về quy mô và chất lượng, năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 28 trường mầm non ngoài công lập; 1 trường tiểu học dân lập; 1 trường phổ thông cơ sở tư thục; 1 Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (gồm 3 cấp học).
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm huy động người mù chữ ra lớp, đặc biệt là tại các xã, thôn, làng. Trong 10 năm (từ 2007 - 2016) Gia Lai luôn duy trì và giữ vững kết quả phổ cập trung học cơ sở. Công tác thu hẹp số người mù chữ và chống tái mù chữ được duy trì thường xuyên. Năm 2016, tỉnh Gia Lai được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh đều có kế hoạch tổ chức các lớp ngoại ngữ, tin học tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, kiến thức, cập nhật thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác.
Công tác xã hội hóa giáo dục luôn được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, hội khuyến học quan tâm; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tạo nguồn quỹ khuyến học để biểu dương những tấm gương vượt khó và có thành tích cao trong học tập. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động khuyến học trong trường học gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong 10 năm, hội khuyến học các cấp đã huy động được hơn 28,8 tỷ đồng; cấp 57.987 suất học bổng (bằng tiền, bằng hiện vật, như: Xe đạp, áo, quần, sách vở…) trị giá hơn 21,8 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện giúp đỡ học sinh nghèo, con em gia đình chính sách; động viên học sinh nghèo vượt khó học giỏi đến trường, sinh viên nghèo đang học ở các trường đại học, cao đẳng tích cực học tập.
Bên cạnh việc thành lập hội khuyến học, phong trào “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập” phát triển tốt cả về số lượng và chất lượng. Đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có 64.780 gia đình, 175 dòng họ, 296 cộng đồng học tập cấp thôn, làng và 16 cộng đồng học tập cấp xã đăng ký xây dựng các mô hình học tập. Cùng với phong trào khuyến học, khuyến tài tại các cộng đồng, cơ quan, dòng họ, gia đình, các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 222/222 xã, phường, thị trấn đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 100 %. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho lao động. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để hội khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng hoạt động. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đa số nhân dân đều tự giác tích cực học tập để nâng cao dân trí, nghề nghiệp chuyên môn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống…
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí... Với những kết quả, bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới để thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Phạm Hòa