The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 - Thắng lợi của nền ngoại giao vì hoà bình, hoà hiếu Việt Nam
21/07/2014 - Lượt xem: 3310
Cách đây 60 năm, cùng với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thắng lợi trên lĩnh vực ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (20/7/1954 -20/7/2014) với việc ký kết Hiệp định đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương đã khẳng định vị thế của nền ngoại giao vì hoà bình, hoà hiếu của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa nước Việt Nam trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc củng cố hoà bình và phát triển của thế giới hiện đại.
 

 Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương
(Ảnh do BNG VN cung cấp)
.


Nhân dân ta và bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới vừa hân hoan kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với niềm tự hào sâu sắc và hướng đến một tương lai hoà bình ổn định vì hoà bình và phát triển không chỉ cho đất nước ta mà còn cho cả khu vực và trên toàn thế giới. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn gắn liền với một chiến thắng khác – chiến thắng trên lĩnh vực ngoại giao - chiến thắng của nền ngoại giao hoà bình, hoà hiếu Việt Nam cũng diễn ra cách đây đúng 60 năm. Đó là Hội nghị Giơ-ne-vơ đưa đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ những ngày tháng với các sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ ấy. Với độ lùi của thời gian, Việt Nam và thế giới đã có nhiều đổi thay. Nhìn về quá khứ từ hiện tại để hướng tới tương lai trong xu thế hoà bình và phát triển đã giúp cho những ai liên quan và quan tâm có được thông tin đầy đủ hơn, đánh giá và nhận xét xác thực hơn. Phần lớn những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đều nhận thấy, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam và Hiệp định Giơ-ne-vơ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam nói chung, của nền ngoại giao hoà bình hoà hiếu Việt Nam nói riêng.

Thiện chí, tư tưởng yêu chuộng hòa bình, phương châm hoà hiếu trong xử lý các mối quan hệ quốc tế vốn đã trở thành truyền thống và bản sắc của dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh biến thành nền tảng cơ sở, tạo thành con đường đưa đến Hội nghị và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. "Hòa bình và hữu nghị, chống chiến tranh xâm lược và áp bức bóc lột” là  thông điệp đối ngoại đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới sau Cách mạng Tháng Tám gửi tới cộng đồng quốc tế. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể làm được để vãn hồi hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Khi không thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh, với phương châm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, với thế và lực khiêm tốn của đất nước ta thời bấy giờ, nhân dân ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 26/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thiện chí hoà bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".(1)

Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Chính nền tảng chính nghĩa đó đã đưa nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng trường kỳ đó. Trong cuộc đấu tranh không cân sức với thế lực bạo tàn, nhân dân ta đã chịu nhiều mất mát hy sinh, nhưng chính nghĩa của Việt Nam ngày càng ngời sáng, thế và lực của Việt Nam ngày càng hùng hậu; sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, của lực lượng yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đối với chúng ta ngày càng mạnh mẽ. Tuy vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên trì thiện chí hòa bình, mong muốn đàm phán với Chính phủ Pháp để sớm kết thúc cuộc chiến tranh.
 
Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expreson của (Thuỵ Điển) về thái độ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước thông tin “ở Quốc hội Pháp đã chứng tỏ rằng, một số lớn chính trị gia Pháp muốn dàn xếp một cách hòa bình vấn đề xung đột ở Việt Nam bằng cách thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam. Ý nguyện ấy càng rộng khắp trong nhân dân Pháp. Thế thì Cụ và Quý Chính phủ hoan nghênh ý nguyện ấy hay không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra, nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình... Nếu Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó (...). Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam". (2)

Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Ngày 15/3/1954, báo cáo trước Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: "Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi... Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”. (3)

Như vậy, chính thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Những chuyển biến trong tình hình thế giới đầu những năm 50, đặc biệt là trong quan hệ giữa các nước lớn, cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và ý đồ của Mỹ lợi dụng sự suy yếu của Pháp để tăng cường dính líu và can thiệp vào Đông Dương đã tác động mạnh mẽ đến chiều hướng diễn biến của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Năm 1953, Liên Xô đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị 5 nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp) để tìm giải pháp giảm căng thẳng ở Đông Dương. Tháng 2/1954, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ họp tại Béc-lin đã quyết định triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ với sự tham gia của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào tháng 4/1954 để giải quyết hòa bình ở Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ý tưởng triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được Liên Xô đưa ra còn trước cả thời điểm thực dân Pháp tiến hành xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ lại là nhân tố quyết định đối với diễn biến và kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, làm tăng vị thế cho đoàn Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ và buộc Pháp cùng một số nước khác phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chính cuộc kháng chiến ấy, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở đường cho ngoại giao Việt Nam có được bước trưởng thành quan trọng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Với Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, lần đầu tiên Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế cùng với tất cả các nước lớn, chủ động bảo vệ và thực hiện lợi ích của mình. Tại Hội nghị này, ngoại giao Việt Nam với điểm tựa là thắng lợi quân sự trên chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, để tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh một cách có lợi nhất và vào thời điểm thuận lợi nhất cho đất nước, đồng thời phát huy tác động và ý nghĩa quốc tế của thắng lợi trên chiến trường. Hội nghị Giơ-ne-vơ là một cuộc đấu tranh ngoại giao gay go và phức tạp, cuộc đấu trí ngoại giao đầu tiên của chúng ta với đồng thời nhiều nền ngoại giao lớn trên thế giới. Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị đã tỏ rõ bản lĩnh của những người có chính nghĩa, đã luôn kiên trì và tỉnh táo, tự chủ và linh hoạt, chủ động tấn công và đề cao thiện chí, chính nghĩa để bảo vệ lợi ích của đất nước. Với Hội nghị Giơ-ne-vơ, ngoại giao Việt Nam đã chính thức bước ra với thế giới ngoại giao đa phương và ngoại giao Việt Nam như được chắp thêm cánh, tiếp thêm lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao phó. Hội nghị Giơ-ne-vơ đã làm cho vai trò của Việt Nam nổi bật trên diễn đàn quốc tế và xác lập vị thế quốc tế của Việt Nam.

Kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh ngoại giao ấy là Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia ký ngày 21/7/1954 và Tuyên bố của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, đồng thời cũng là những văn kiện pháp lý quốc tế đa phương đầu tiên của nước ta. Những văn kiện pháp lý tạo thành Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự công nhận của các nước, trong đó có các nước lớn, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; trở thành cơ sở chính trị - pháp lý quốc tế rất quan trọng đối với nhân dân Việt Nam trong việc tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa và độc lập dân tộc, tranh thủ sự đồng tình và hậu thuẫn của nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới cho cuộc đấu tranh chống sự can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ suốt hơn hai mươi năm sau./.

Chú thích:
(1) : Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t 4, tr 480;
(2) : Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 168
(3): http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/news/2014/7/57949614A6E7730A/ (hoặc xem Tài liệu Tuyên truyền Kỷ niệm 60 năm Hiệp định Gieneva do Bộ Ngoại giao phát hành)

(Theo ĐCSVN)

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG