Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị tiếp tục được tăng cường và đổi mới thường xuyên. Nhờ đó, hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị đã đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh ủy đã định hướng kịp thời, cụ thể cho cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị xuất bản trên địa bàn tỉnh như sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về công tác xuất bản, phát hành báo chí; củng cố, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực in ấn, xuất bản các đơn vị có chức năng xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị… Từ năm 2003 đến nay đã cho ý kiến về việc thành lập Xí nghiệp in Quân đoàn 3; thành lập, giải thể Nhà Xuất bản Hồng Bàng; chuyển đổi mô hình Xí nghiệp in trở thành Công ty cổ phần In và Dịch vụ Văn hóa Gia Lai… Chỉ đạo các địa phương, đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và trên các phương tiện thông tin đại chúng để đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc xuất bản, phát hành và sử dụng sách lý luận, chính trị. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tạp chí, bản tin, trang thông tin điện tử, các sở, ngành liên quan, Thư viện tỉnh đã có nhiều tin, bài tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các ấn phẩm sách lý luận chính trị mới, tuyên truyền Ngày sách Việt Nam, ngày Hội sách của tỉnh, tuyên truyền, cổ vũ, tạo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ thói quen đọc, vận dụng các kiến thức đã đọc từ sách, trong đó có sách lý luận chính trị vào thực tiễn học tập, cuộc sống. Nhờ vậy, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị có chuyển biến hơn so với giai đoạn trước.
Hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị có bước phát triển về chất lượng, tính từ năm 2004 đến năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 186 đầu sách lý luận chính trị được phép xuất bản. Sở Thông tin và Truyền thông cấp 178 giấy phép xuất bản tài liệu chính trị, gồm: 52 tài liệu tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; 112 tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Nhà nước; 14 tài liệu giáo dục truyền thống cách mạng. Nhà Xuất bản Hồng Bàng xuất bản được 08 đầu sách lý luận chính trị, trong đó chủ yếu là sách giáo dục truyền thống cách mạng phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên. Nhìn chung, trong giai đoạn này, các tài liệu lý luận chính trị được phép xuất bản có nội dung phong phú, có ý nghĩa về lý luận cũng như tổng kết thực tiễn, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới.

Từ năm 2015, trên địa bàn tỉnh không còn nhà xuất bản, do vậy các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh có nhu cầu xuất bản sách để làm tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành, địa phương, đã xin phép và được Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép đứng tên hoạt động xuất bản tài liệu không kinh doanh theo đúng các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trung bình mỗi năm, Sở Thông tin và Truyền thông cấp trên 140 giấy phép xuất bản tài liệu. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, thực tiễn đã và đang nảy sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh, xuất bản một số tài liệu lý luận chính trị có chất lượng, như: Văn kiện, tài liệu hỏi đáp các nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, đại hội đảng toàn quốc; hỏi đáp một số nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tài liệu học tập các chuyên đề về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lịch sử, biên niên sử một số ngành, địa phương; tài liệu tuyên truyền, giáo dục về một số gương anh hùng, trận đánh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; tài liệu phổ biến chính sách, pháp luật về biên giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia; tài liệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” vạch trần bản chất, âm mưu của tổ chức phản động FULRO, cái gọi là “Nhà nước Đê Ga”, “Tin lành Đê Ga”; Tài liệu vạch trần bản chất của “Tà đạo Hà mòn - Y Gyin” “Đoàn kết vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; các tài liệu tuyên truyền chống lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ đoàn kết dân tộc; tài liệu tuyên truyền kết quả thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh... Một số đầu sách, tài liệu được biên soạn theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, một số tài liệu quan trọng được giới thiệu dưới dạng hỏi, đáp, được biên dịch ra tiếng Jrai, Bahnar đã cung cấp những nội dung cơ bản trên các lĩnh vực…, phù hợp với nhu cầu, trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Ngoài việc in ấn, phát hành các sách, tài liệu lý luận chính trị, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 29-KL/TW ngày 25 tháng 8 năm 2012 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng và Chỉ thị 22-CT/TU, ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng và Báo Gia Lai; xem báo, tạp chí của Đảng là nguồn tư liệu quý, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã biên tập, in ấn, phát hành định kỳ các bản tin, thông tin, tập san, tài liệu tuyên truyền, giáo dục trên các lĩnh vực… đáp ứng nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền của địa phương.
Nguyễn Hoàng