Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt quan điểm chỉ đạo về công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của Chính phủ về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai các hoạt động về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh đảm bảo sát với tình hình của các đơn vị, địa phương.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn trò chuyện với Bà Mynaphon Xaysomphu-Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Attapeu. Ảnh: Đăng Vũ
Công tác triển khai thực hiện đã có sự gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; công tác biên giới trên đất liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí của tỉnh và một số cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh duy trì các chuyên mục tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về thông tin đối ngoại; thông tin truyên truyền những thành tựu của đất nước và tỉnh Gia Lai; những tiềm năng lợi thế của tỉnh trong khu vực tam giác phát triển Việt - Lào - Campuchia... Kịp thời thông tin phản ánh các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai nhằm thực hiện các chương trình ký kết, triển khai các chương trình hỗ trợ nhân đạo, các dự án về y tế, giáo dục, văn hóa...
Công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, nhất là quản lý các đoàn khách quốc tế, báo chí nước ngoài đến tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, tỉnh đón 27 đoàn với 87 lượt khách nước ngoài đến thăm, làm việc tại tỉnh (giảm 17 đoàn với 126 lượt khách so với năm 2020). Công tác người Việt Nam tại nước ngoài được quan tâm, nhất là trong triển khai các hoạt động hỗ trợ kiều bào ở Campuchia gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là ngoại giao kinh tế, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác theo phương châm đa dạng hóa đối tác, lĩnh vực hợp tác. Tăng cường khuyến khích, kêu gọi kiều bào về thăm quê hương, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được quan tâm thực hiện thông qua nhiều kênh. Sở Ngoại vụ đã tổ chức cung cấp thông tin về cơ hội, tiềm năng, chủ trương của tỉnh đến các doanh nghiệp tại hơn 40 hội chợ, diễn đàn, triển lãm; tăng cường kết nối với Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ quảng bá hình ảnh tỉnh Gia Lai ở nước ngoài, kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, các lực lượng chức năng có liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất, nhập cảnh người và phương tiện; chú ý thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hoạt động hải quan đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; đồng thời, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Công tác quảng bá những sản phẩm địa phương được tăng cường.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho lãnh đạo tỉnh Champasak. Ảnh: Đăng Vũ
Thông tin đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa, du lịch tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước được đẩy mạnh. Công tác thông tin đối ngoại trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị khu vực biên giới.
Nhìn chung, trong năm 2021, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng. Đặc biệt, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội.
Các địa phương vừa thực hiện việc phòng, chống dịch, vừa triển khai các giải pháp nhằm ổn định kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất, doanh nghiệp sau đại dịch. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn đòi hỏi phải tập trung giải quyết… Những yếu tố trên phần nào đó đã tác động đến tư tưởng, dư luận trong xã hội và hoạt động thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Phú