The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Suốt đời đau đáu vì nông nghiệp, nông dân
09/11/2014 - Lượt xem: 2473
Cách đây không lâu, sau chuyến đi tìm những con giống ưu việt để lai tạo với vật nuôi ở Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn bị viêm phổi. Ông đã yêu cầu bác sỹ tiêm thuốc kháng sinh để nhanh phục hồi còn đi dự Hội thảo về giống mới. Dường như ông còn nhiều dự định, nhiều trăn trở chưa thực hiện hết cho nền Nông nghiệp Việt Nam…

Khi đợt gió lạnh đầu tiên ùa về cũng là lúc bạn bè và người thân nhận tin buồn về sự ra đi vĩnh viễn của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn. Ông ra đi khi tròn 80 tuổi, cái tuổi đáng nhẽ phải an nhàn vui vầy với con cháu thì ông vẫn tất tả ngược xuôi với những cây, con, với những vấn đề của nông dân, nông nghiệp...

Nhiều bạn bè, học trò và đồng nghiệp của ông đã chia sẻ những kỷ niệm về “Bác Tạn” – tên gọi thân thương của bao thế hệ người làm nông nghiệp dành cho ông, một con người mà dù ở cương vị nào, dường như mọi suy nghĩ, việc làm đều gắn liền với nền nông nghiệp nước nhà.

 

Ông Nguyễn Công Tạn được đánh giá là người nhạy bén và quyết liệt trong việc thực hiện những chính sách mang tính quyết định để phát triển nền nông nghiệp

Người lo cái ăn cho cả nước

Thời gian đầu những năm 1980, Bác Tạn lên làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cũng là lúc sản xuất nông nghiệp nước nhà đình trệ, người dân đói nghèo.

Theo lời kể của Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), ngày đó miền Nam thì thừa gạo nhưng miền Bắc thì lại đang bị đói.

Giao thông khi đó chỉ có đường sắt xuyên Bắc-Nam nhưng vận chuyển cũng rất khó khăn và tốn kém. Lúc này Bác Tạn có ý tưởng xuất khẩu gạo từ phía Nam ra nước ngoài và nhập khẩu gạo vào miền Bắc. Ban đầu, ý tưởng này không nhận được nhiều đồng thuận vì trong lúc dân thiếu đói, ai lại xuất gạo đi...

Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Việc xuất khẩu gạo mang lại giá trị kinh tế cao đã thúc đẩy sản xuất tại miền Nam vốn đang trì trệ vì thiếu cơ chế thị trường để vận động sản xuất. Cùng với đó, miền Bắc được nhập khẩu gạo về khiến người dân không bị đói, không còn túng quẫn vì thiếu ăn nữa.

Cũng thời gian đó “khoán 100” rồi “khoán 10” lần lượt ra đời đã giúp sản xuất nông nghiệp Việt Nam tạo bứt phá kinh ngạc. Từ chỗ là nước thiếu lương thực đầu những năm 1980, Việt Nam đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 1989.

Bác Tạn là người nhạy bén và quyết liệt trong việc thực hiện những chính sách mang tính quyết định để phát triển nền nông nghiệp. Có lẽ, bởi bác có một sự tự tin đến từ việc nắm bắt tiến bộ kỹ thuật nhanh và gần dân, sát dân.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL là người đồng niên với Bác Tạn, Bác Tạn là người nắm bắt tiến bộ kỹ thuật rất nhanh, và chỉ đạo chuyển giao, ứng dụng giống-kỹ thuật vào sản xuất sắc bén.

Thời các bác, giáo trình về nông nghiệp có dạy muốn cải tạo đất phèn, phải bón vôi để trung hòa độ chua, không được bón phân chua như sulfát đạm, supe lân... Tuy nhiên, thực tế quan sát đồng lúa ở ĐBSCL lại cho thấy bón phân cho đồng lúa mới chuyển từ lúa mùa cao cây cổ truyền sang lúa cao sản bằng bất cứ loại phân nào có lân, như phosphorit, appatit, supe lân, DAP... lúa đều tốt hẳn, kể cả bón phân lân chua như supe lân.

Bác Tạn đã mạnh dạn điều chỉnh chính sách nhập khẩu phân bón theo hướng tập trung nhập DAP (18N-46 P2O5) cho ĐBSCL. Thực tế, khi áp dụng chính sách này đã giảm chi phí vận chuyển đến hàng chục tỷ đồng. Còn nếu kể cả hiệu quả sử dụng phân lân làm cho năng suất lúa tăng thì phải tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần chi phí tiết kiệm cho Nhà nước.

Với ông Nguyễn Công Tạn, làm nông nghiệp không thể chỉ lý thuyết suông.

Cả đời đau đáu vì nông nghiệp

Ông Nguyễn Công Tạn là người nhiệt huyết phụng sự ngành Nông nghiệp cả cuộc đời. Ông là người quyết tâm đưa công nghệ sản xuất hạt lúa lai bố mẹ vào sản xuất, hướng tới nâng cao năng suất và từng bước mở rộng sản xuất lúa lai với chất lượng cao hơn, rút bớt một phần diện tích đất trồng lúa sang làm cây, con khác và hướng đến một ngành Nông nghiệp xuất khẩu.

Chính ông là người tự tay ôm vài chục quả trứng gà Ai Cập vượt hàng ngàn cây số qua nhiều đường bay, qua mấy cửa hải quan sân bay để mang về, khởi đầu cho những dòng gà Ai Cập phổ biến hiện nay.

Vào năm 1995, trong một lần đi công tác ở Australia, đích thân ông đã nhờ xin hộ 2 quả trứng đà điểu về ấp thử. Nhận thấy nuôi đà điểu có thể là hướng phát triển mới của ngành Chăn nuôi, ông Tạn lấy danh nghĩa cá nhân tiếp tục xin Công ty mía đường Nghệ An Tate&Lyle 100 quả trứng đà điểu (thời điểm đó 100 quả trứng này có giá tương đương 35.000 USD) giao cho Viện Chăn nuôi để nghiên cứu ấp nở và nhân giống. Sau này, nuôi đà điểu trở thành ngành sản xuất hàng hóa mới của Việt Nam, xuất ngược sang các nước Nam Phi, Trung Quốc…

Năm 2002, sau khi nghiên cứu các tài liệu, ông Tạn nhờ một người bạn ở Australia nhập về khoảng 10.000 cây mắc ca trồng thử. Sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm, đến nay loài cây này đang được trồng với diện tích khá lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc…

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vẫn thường tâm sự với các nhà khoa học: "Làm nông nghiệp, có khi một đời người chỉ nghiên cứu thành công được một giống tốt thôi đã là quý lắm rồi. Huống chi đất nước mình còn khó khăn, năng lực trình độ còn hạn chế, cơ chế, chính sách còn thiếu để phục vụ công tác nghiên cứu nên du nhập những giống người ta đã nghiên cứu, rồi cho khảo nghiệm, nếu phù hợp thì nhân rộng cũng là cách tốt".

Không phải giống nào du nhập về cũng thành công, những lúc thất bại, ông thường động viên cán bộ và xác định quan điểm: Đưa 10 mà được 1-2 là tốt lắm rồi. Ông luôn mong muốn đối với lĩnh vực khoa học, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng là sinh vật, rủi ro rất cao, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế thì áp dụng trong thực tiễn chính là con đường nhanh mà ít tốn kém thời gian, kinh phí của Nhà nước. Làm nông nghiệp không thể chỉ lý thuyết suông.

Ngay cả khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục lặn lội đi tìm những điều mới lạ trong khoa học và cả trong chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

“Hai thế hệ trong một con người”

Nhiều người đồng sự đã nhận làm học trò của Bác Tạn bởi tư duy và lối sống của ông khích lệ người khác đi lên.

Là người có nhiều thời gian gần gũi với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn sau khi hai người đã nghỉ hưu, ông Lê Huy Côn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công nghiệp, nhận xét ở ông Tạn luôn toát lên tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, nhìn nhận mọi việc một cách khoa học, biện chứng.

Còn TS Đặng Kim Sơn thì nhìn nhận: “Cụ Tạn không bị bó buộc tư duy. Thực tế từ lúc làm nông trường rồi làm kinh tế thị trường và xuất khẩu… là suy nghĩ hoàn toàn trái ngược nhau. Hai cách nghĩ của 2 thế hệ trong cùng 1 con người!”

Chính vì vậy, ngay cả khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục lặn lội đi tìm những điều mới lạ trong khoa học và cả trong chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Bùi Xuân Trình, người nhiều năm làm thư ký cho Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, kể: “Sau khi đã nghỉ hưu, bác Tạn cũng tự tuyển chọn thành công giống lúa RVT chất lượng cao, được gieo trồng ở nhiều địa phương và đã được Bộ NN&PTNT công nhận và một công ty giống cây trồng mua bản quyền. Chỉ mới đầu năm nay (2014), bác còn nhờ tôi cung cấp số liệu của ngành tài nguyên về khí tượng, thủy văn, về diện tích đất trống đồi trọc từng vùng trong cả nước để có thể lựa chọn một số loại cây đưa vào phát triển phù hợp ở từng vùng và để viết sách...”

GS.TS Nguyễn Văn Luật kể: “Sau khi về hưu, chúng tôi vẫn gặp nhau khi có dịp và thời lượng mà chúng tôi trao đổi về khoa học công nghệ nông nghiệp vẫn chiếm gần hết buổi gặp gỡ này. Điều này thể hiện sự hết lòng vì nông nghiệp, nông dân và nông thôn của anh Tạn”.

TS. Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông-Khuyến lâm (Bộ NN&PTNT), nhận xét, ông Nguyễn Công Tạn thuộc tầng lớp “Elite” (tinh hoa) cầm lái, luôn suy nghĩ và nắm bắt nhanh nhạy thông tin khoa học công nghệ và thị trường để định hướng, chỉ đạo, tư vấn. Ông Quốc kể: “Tôi còn nhớ những ngày đầu ở Cục Khuyến nông-Khuyến lâm, anh chỉ đạo chúng tôi tập trung làm 5 ưu thế lai gồm: Lúa lai, ngô lai, bò lai (bò sữa), lợn lai, keo lai thành công. Buổi trưa anh thường không nghỉ, xuống phòng tôi thảo luận, chỉ đạo. Anh khẳng định về nông nghiệp đa mục tiêu, về dinh dưỡng và tầm vóc của con người và nông nghiệp Việt Nam nhiều năm sau. Thực tiễn đã chứng minh những suy tưởng khúc xạ, tầm nhìn vượt mọi đường biên của anh đã và đang trở thành hiện thực”.

Ông Tạn còn đang dang dở với ý tưởng viết sách về vùng đất Tây Nguyên. Theo ông, thắng lợi của ngành nông nghiệp không phải ở “vựa lúa, vựa trái” ĐBSCL, mà là cao nguyên đất đỏ đầy nắng gió từng phải vận động người dân lên khai hoang nay là vùng cây công nghiệp lớn của Đông Nam Á, nơi sản xuất ra loại cà phê Robusta hạng nhất thế giới.

“Tây Nguyên đã thực sự có sức hút của riêng nó nhờ tiềm năng kinh tế nông nghiệp nơi đây. Đó là nơi minh chứng rõ ràng cho việc chính sách đúng đắn vừa giữ được thành lũy của tổ quốc vừa mời gọi người dân đến khai hoang lập ấp”, TS Đặng Kim Sơn, người đang cùng hợp tác ông Tạn viết quyển sách này, tâm sự.

Còn rất nhiều câu chuyện về người lãnh đạo chưa ngừng nghỉ một phút giây nào trên con đường cách mạng nông nghiệp ông đã chọn. Ông ra đi nhưng biết bao bài học quý giá của ông vẫn còn đọng lại. Những chính sách do nông dân, vì nông dân của ông vẫn là chặng đường dài mà lớp lớp người làm nông nghiệp sẽ còn bước tiếp…

Theo Chính phủ

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG