The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Bộ trưởng Nội vụ: Tinh giản biên chế nhưng phải giữ cán bộ ở lại khu vực công
10/05/2023 - Lượt xem: 261
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ nhiều trăn trở về việc tinh giản biên chế cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, chất lượng trong thời gian tới.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện các khâu cuối cùng để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

VietNamNet trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: T.H

Bước đầu tinh giản những người không đáp ứng yêu cầu công việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế thời gian qua cũng còn một số bất cập như trong tờ trình dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ có đề cập đến việc “có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người “tinh” (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc”. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về thực trạng này?

Theo số liệu thẩm tra tinh giản biên chế đến ngày 15/10/2018 và số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến 31/12/2022 của Bộ Nội vụ, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản biên chế 79.178 người (bộ, ngành: 5.511 người; địa phương: 73.667 người).

Trong đó, số người tinh giản biên chế do đánh giá hằng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (tỷ lệ 52,712%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ 15,684%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (tỷ lệ 15,447%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo (tỷ lệ 3,746%).

Qua đó có thể khẳng định rằng kết quả bước đầu đạt được của chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ là đã đưa ra khỏi đội ngũ những người không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Từ đó cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và tạo môi trường làm việc lành mạnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. 

Tuy nhiên, đúng như một số ý kiến, quả thật so với mục tiêu, yêu cầu đề ra thì kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 mới đạt về chỉ tiêu số lượng mà chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể là trong tổng số người tinh giản biên chế, đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi chiểm tỉ lệ cao nhất (81,813%); chính sách thôi việc ngay (18%); chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (0,115%) và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (0,072%).

Đây cũng là một thực trạng được thể hiện trong báo cáo đánh giá của Bộ Nội vụ về chính sách tinh giản biên chế. Trên cơ sở đó, Bội Nội vụ đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ các giải pháp chính sách khi xây dựng Nghị định về chính sách tinh giản biên chế để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Như đánh giá của Bộ Nội vụ thì mục tiêu tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để xây dựng một nền công vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới?

Đúng là như vậy. Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một mục tiêu dài hạn. Để đạt được cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ và gắn với từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể. 

Tuy nhiên, có thể thấy rằng tinh thần “không thể đảo ngược” của chủ trương tinh giản biên chế đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thống nhất cao cả về nhận thức và hành động. 

Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, trong đó đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng giai đoạn.

Theo đó Quốc hội, Chính phủ đã quán triệt, tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật. Trong đó có các chính sách về tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Đến thời điểm này chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực. Tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, xây dựng lộ trình, kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, trong thời gian tới sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Quan tâm cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức

Trong tờ trình của dự thảo Nghị định cũng nhìn nhận có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện tinh giản biên chế. Vì sao lại có tình trạng ngược đời như vậy, thưa Bộ trưởng?

Quả thật đối với công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn là “khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến” như Nghị quyết số 26 Trung ương khóa XII nhìn nhận. 

Do việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thậm chí, có trường hợp còn xin “được” không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước. 

Mặc dù đây chỉ là vài trường hợp cá biệt nhưng điều này đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm đánh giá, xếp loại và phải giải quyết đúng người, đúng việc. Như vậy mới lựa chọn được chính xác đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế để đưa ra ngoài bộ máy. 

Khi đánh giá, phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm đầu ra. Nếu chúng ta đánh giá theo cảm tính hoặc những chỉ tiêu mang tính chất định tính thì việc tinh giản biên chế sẽ khó khăn hơn.

Vậy Bộ Nội vụ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, làm sao để giữ chân những người làm được việc ở lại khu vực công?

Bộ Nội vụ cũng rất trăn trở với vấn đề giữ chân người làm việc ở lại khu vực công. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc (trong đó có sự dịch chuyển công chức, viên chức trong khu vực công sang làm việc tại khu vực tư), đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, bộ cũng xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý cũng như cơ quan sử dụng, chúng ta phải rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu, trực tiếp là phải có chế độ chính sách về tiền lương, cải thiện được thu nhập. 

Vừa rồi Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023. Đấy là góp phần cải cách tiền lương cũng như tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho đội ngũ.

Cùng với đó, chúng ta phải đẩy mạnh mức độ tự chủ về tài chính để tạo cho đơn vị sự nghiệp tăng thêm nguồn thu, từ đó có phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Ngoài vấn đề thu nhập, cơ quan quản lý, sử dụng phải tạo cho cán bộ, công chức, viên chức có một môi trường làm việc rất tốt, có cơ hội cống hiến. Khi họ cống hiến rồi, chúng ta phải có trách nhiệm ghi nhận, động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời.

Ngoài ra, cũng phải có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ sớm, từ xa để tạo nguồn lãnh đạo cho đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý trong tương lai.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 27; ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức,... 

Với những chính sách này, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/bo-truong-noi-vu-tinh-gian-bien-che-nhung-phai-giu-can-bo-o-lai-khu-vuc-cong-2141305.html

 

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG