
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc, công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức của cơ quan, đơn vị được tỉnh chỉ đạo theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay tỉnh có 18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 7 cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND; 104 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 1.086 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện. Việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đúng các quy định của Trung ương, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn; các đơn vị sự nghiệp công lập này được tổ chức, phân cấp từ tỉnh đến địa phương, cung ứng đầy đủ các dịch vụ công thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập đều được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, mức độ tự chủ một phần và thường xuyên. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, toàn tỉnh đã giảm được 1.171 biên chế hành chính sự nghiệp, đạt tỷ lệ 3,56% của giai đoạn 2015-2021. Công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên, liên tục trên các mặt như: Tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và phân cấp quản lý cán bộ.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt từ tỉnh đến cấp cơ sở, từ khâu xây dựng kế hoạch, thực hiện rà soát, kiểm soát, công bố công khai thủ tục hành chính cho đến tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Trọng tâm cải cách thủ tục hành chính tập trung ở những lĩnh vực như đất đai, kinh doanh, đầu tư, xây dựng, tư pháp… nhằm tạo sự thuận lợi, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19/20 sở, ban, ngành; 17/17 UBND cấp huyện và 29/222 UBND cấp xã triển khai mô hình “Một cửa điện tử liên thông” để giải quyết các thủ tục hành chính. Việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, của cán bộ, công chức, viên chức đã được các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm, tạo được nhiều chuyển biến tích cực và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Đồng chí Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai cũng nêu những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất một số kiến nghị với Đoàn công tác về công tác bổ sung, tinh giảm biên chế; công tác đào tạo, điều động, bổ nhiệm cán bộ cấp xã, phường, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh và phát huy có hiệu quả vai trò, chức năng của Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; sớm nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Kiên quyết chỉ đạo việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định, tiêu chuẩn điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm và số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính. Đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là thực hiện các bước đột phá để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính./.