The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. 10 sự kiện nổi bật năm 2013 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn
03/01/2014 - Lượt xem: 2447
Khép lại năm 2013, điểm lại 10 sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa nổi bật của đất nước trong năm được lựa chọn.


1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng

 
Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. (Ảnh: HH) 

Hội nghị lần thứ 7 và lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã quyết định nhiều chủ trương, quyết sách lớn với việc ban hành những Nghị quyết quan trọng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo..., nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đưa đất nước phát triển bền vững.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác xây dựng Đảng: Thảo luận, cho ý kiến bước đầu về Quy chế bầu cử trong Đảng; về Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và nhiều đạo luật quan trọng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực
 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi),
được thông qua ngày 28/11/2013. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

 
Ng
ày 28/11, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Việc thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này thể hiện được những yêu cầu phát triển mới của đất nước, vừa ổn định chính trị - xã hội, vừa tạo ra những động lực cho sự phát triển đất nước trong tình hình mới.

Hiến pháp được Quốc hội thông qua là bản Hiến pháp kế thừa các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; kế thừa những giá trị căn bản trong toàn bộ lịch sử lập hiến nước ta, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992 đã được thực tiễn khẳng định.

Cũng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã xem xét, thông qua 8 Luật, trong đó có các Luật rất quan trọng như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật Tiếp công dân…, trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm. Việc ban hành các đạo luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế
.

3. Lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn
 

 

 Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm.
(Ảnh: Việt Dũng/Báo Tuổi Trẻ) 
 


Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước. Cử tri cả nước đã đồng tình và đánh giá cao sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Ngay sau khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Hội đồng nhân dân các địa phương cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại địa phương.

4. Việt Nam đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực đối ngoại

 

Các nước chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao nhất. (Ảnh: Lê Dương - Quang
Tuyến/Vietnam+).


Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới (184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu). Nước ta cũng được bầu vào Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO. Kết quả đó thể hiện uy tín quốc tế của nước ta và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Việt Nam cũng thực sự phát huy được vai trò là thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình liên kết khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương thông qua các tổ chức và diễn đàn: ASEAN, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Cộng đồng kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS)...

Công tác đối ngoại đã tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI và đạt được những kết quả quan trọng. Trong năm qua, Việt Nam đã thiết lập thêm 5 quan hệ Đối tác chiến lược và 2 quan hệ Đối tác toàn diện. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được 13 quan hệ Đối tác chiến lược và 11 quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; những đối tác quan trọng trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc; những nước nòng cốt trong ASEAN như: In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Thái Lan; quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Châu Phi, Mỹ La tinh tiếp tục được củng cố và mở rộng.

5. Đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013)
 Ảnh: TTXVN
 


Ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng đầu tiên, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 103 tuổi. Ban Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên giáp đã thông báo tang lễ của Đại tướng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày (12 - 13/10/2013), song trước đó, hàng vạn người từ mọi miền đất nước đã tìm về để tiễn biệt ông tại số nhà 30 Hoàng Diệu. Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được diễn ra trọng thể, trang nghiêm và thành kính. Hàng vạn đồng bào đã đến tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Quảng Bình trong niềm tiếc thương vô hạn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, vị tướng tài ba, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã về cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế niềm thương tiếc khôn nguôi. Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng in đậm trong lòng dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.

6. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 

 

 Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu từ năm 2011 đến năm 2013.
(Nguồn: Bộ Công Thương)


Nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nhưng xuất hiện một số dấu hiệu tích cực nhờ việc thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ, lạm phát năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 10 năm qua (6,04%); tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 22 tỷ USD ...

 

 

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi và sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch đạt 132,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2012. Đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong điều kiện còn nhiều khó khăn về thị trường.

7. 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa  

 

Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)
về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
(Ảnh: cinet.vn)
 


Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về văn hóa.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết (1998 – 2013), nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được lan tỏa rộng sâu rộng trong đời sống xã hội. Nguồn lực văn hoá, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện. Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng và phát huy sức mạnh. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

8. UNESCO vinh danh Đờn ca tài tử Nam bộ

 

Nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam trở thành Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)
 


Tại phiên họp ngày 5/12 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, diễn ra ở Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, được ra đời ở miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX, được sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ, nhạc cung đình, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận Di sản thế giới, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Đờn ca tài tử Nam bộ.

9. Dân số Việt Nam đạt mốc 90 triệu người

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm và tặng quà công dân thứ 90 triệu.
Ảnh: P.Hậu/Báo Thanh Niên
 


Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam đạt mốc 90 triệu người, trở thành quốc gia có dân số đông đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 5 ở châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á.

Với quy mô dân số này, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng, tạo ra lợi thế về nguồn nhân lực, phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, việc trở thành cường quốc về dân số cũng tạo nên áp lực rất lớn cho sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường… đòi hỏi chúng ta cần có chính sách, kế hoạch phù hợp để Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

10. Bước chuyển mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

 

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và các đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm.
(Ảnh: TTXVN)
 


Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước chuyển mạnh mẽ với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ máy các cơ quan phòng chống tham nhũng được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, như: Vinalines, Vifon, ALC II thuộc Agribank..., được đưa ra xét xử nghiêm minh.

Đặc biệt, trong vụ xét xử sơ thẩm “đại án tham nhũng” tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình - bản án nghiêm khắc nhất đối với các bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc... Bản án đã được đông đảo dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong suốt thời gian trước đó, vụ “đại án tham nhũng” tại Vinalines được quần chúng nhân dân hết sức chú ý theo dõi bởi tính thời sự, tính xã hội của nó. Việc đưa vụ án này ra trước pháp luật và xét xử nghiêm minh mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân./. 

 

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG