The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Giữ gìn bản sắc đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai
09/05/2014 - Lượt xem: 10319
Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai có những đặc thù riêng, đó là: Truyền thống, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tình yêu con người và thiên nhiên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Gia Lai.

Gia Lai là quê hương của hai dân tộc chính Jrai và Bahnar; từ thế hệ này sang thế hệ khác, hai dân tộc Jrai và Bahnar đã sáng tạo nên một nền văn hóa riêng mang bản sắc độc đáo của vùng đất đỏ bazan, vùng đất được khẳng định còn tiềm tàng nhiều dấu vết văn hóa cổ, Gia Lai ẩn chứa một kho di sản văn hóa dân tộc có sức mạnh lôi cuốn các nhà nghiên cứu. Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai có những đặc thù riêng, đó là: Truyền thống, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tình yêu con người và thiên nhiên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Tính đa dạng trong sự thể hiện của các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Tính đan xen giữa các giá trị văn hóa khác nhau tạo nên sự phong phú của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Khi vào mùa lễ hội, tiếng cồng, chiêng lại thôi thúc người ta đến các lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Ở đó con người như hòa mình vào không khí sôi động, náo nức trong tiếng cồng, chiêng thôi thúc, dồn dập của lễ hội đâm trâu… Bên ché rượu cần, những làn điệu dân ca cất lên đưa con người vào cõi mênh mông, sâu lắng… Đâu đây tiếng đàn T’rưng réo rắt như suối reo, tiếng đàn Goong thanh thót, thủ thỉ, tiếng Klông pút âm vang, mênh mông, tiếng cồng, chiêng trầm lắng, vang vọng… Khối lượng di sản văn hóa của các dân tộc ở Gia Lai mà các ngành chức năng sưu tầm và khai quật được tuy chưa phải là lớn, song cũng đã chứng minh được cư dân ở vùng bắc Tây Nguyên có một nền văn hóa phát triển rực rỡ, không thua kém các dân tộc khác.

Ảnh minh họa (internet)

Tuy nhiên, tình trạng một số bộ phận người dân, nhất là các bạn trẻ thờ ơ với bản sắc văn hóa dân tộc đang diễn ra, dẫn đến sự hủy hoại và mất mát vốn văn hóa dân gian của các dân tộc. Với đặc điểm là một tỉnh cao nguyên miền núi, cộng với sự khép kín giao lưu giữa các tộc người, văn hóa dân tộc ở Gia Lai không phải không có sự lai căng. Nhiều sinh hoạt văn hóa đang mất dần, nhường chỗ cho văn hóa ngoại lai xâm nhập. Nhiều hiện tượng bị mai một, xói mòn trước thời gian, chưa được lưu tâm. Và hiện tượng buôn bán cồng, chiêng qua biên giới đang ngày càng đặt ra cho chúng ta những câu hỏi nhức nhối. Trong nền kinh tế thị trường, cách bố trí làng, kiến trúc nhà ở dân gian, cách sắp đặt nơi sinh hoạt hàng ngày đã có sự thay đổi khá rõ rệt. Hiện nay, do chịu ảnh hưởng của lối sống người kinh, “hiện tượng kinh hóa” trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số khá rõ nét, các đồ dùng sinh hoạt, bài trí trong nhà có nhiều tiến bộ, sạch sẽ và tiện nghi hơn, song từ đó cũng nảy sinh nhiều khía cạnh văn hóa cần phải xem xét lại. Rượu cần nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc vùng Tây Nguyên, bởi ở cách chưng cất rượu, cách uống… Hiện nay đang bị thương mại hóa, dần mất đi bản sắc đặc trưng vốn có. Trang phục không chỉ mang tính dưỡng sinh và bảo vệ cơ thể mà còn mang nội dung văn hóa và là sắc thái văn hóa, bản sắc văn hóa dễ nhận biết nhất của mỗi dân tộc; trong xu thế công nghiệp hóa hiện nay, giao lưu trong nước và quốc tế, việc ăn mặc của các dân tộc thiểu số Gia Lai đang có sự thay đổi lớn, trong những thay đổi đó, một mặt khẳng định chất lượng cuộc sống đồng bào được nâng lên, nhưng mặt khác không ít những truyền thống, sắc thái riêng bị mai một, có khi đến mức báo động. Những tập tục truyền thống đã ăn sâu vào trong tâm thức của đồng bào như chế độ mẫu hệ, ngày nay một số người lại muốn thay đổi. Nghệ thuật trang trí bị giản lược đi, hoa văn bị cắt bỏ, bớt xén. Tượng nhà mồ bị săn lùng, đánh cắp, nghệ thuật nhà mồ bị suy thoái nhanh chóng trong những năm gần đây. Một số nơi các điệu nhảy, múa truyền thống bị lãng quên. Số nghệ nhân kể sử thi và nghệ nhân cồng chiêng vơi dần theo năm tháng. Người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ thanh thiếu niên có biểu hiện mặc cảm, tự ti với “cái” của dân tộc mình, không thấy được cần tôn trọng cái hay, cái thân thương gần gũi của dân tộc mình. 

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện "diễn biến hoà bình" hòng chống phá ta trên nhiều mặt, đó là sự phân hoá giàu nghèo ngày càng diễn ra nhanh chóng và khoảng chênh lệch ngày càng lớn. Tình đoàn kết gắn bó, tương trợ giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người kinh đã có biểu hiện giảm sút. Làm gì và làm như thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Giải quyết như thế nào về mối quan hệ giữa luật pháp và luật tục để xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc nhằm giải quyết tốt vấn đề an ninh nông thôn. Làm gì và làm như thế nào để phát huy truyền thống của người Tây Nguyên, chống lại tư tưởng tự ti, ỷ lại, thụ động đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo để tiếp thu nhanh những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Công tác tư tưởng phục vụ cho việc đưa đường lối, chính sách của Đảng thực sự đến được đồng bào và sớm đi vào cuộc sống...

Nhận thức được những vấn đề cấp bách ấy, Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị lần thứ 10 (khóa IX) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 122-HD/TU ngày 11 tháng 9 năm 1998 chỉ đạo các cấp ủy tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) sát với tình hình của địa phương, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân. Đồng thời, đã ban hành Chương trình số 137-CT/TU ngày 20 tháng 10 năm 1998 thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Hướng dẫn số 11-HD/TU về tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Bên cạnh đó, các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đề cập đến xây dựng, phát triển văn hóa như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển văn hóa xã hội đến năm 2015, trong đó nhấn mạnh công tác giáo dục lý tưởng, xây dựng con người mới, quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở, đảm bảo tốt phương châm chỉ đạo: Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.

Ngày càng có nhiều phương tiện, loại hình hoạt động đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân như: Truyền thanh - truyền hình, mạng internet, du lịch… Các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí như: Quảng trường Đại Đoàn Kết gắn với công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên;  Công viên Đồng Xanh, Diên Hồng, Về Nguồn; Nhà thiếu nhi tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh; khu du lịch thác Phú Cường, Biển Hồ và khu vực lòng hồ Ayun Hạ, trung tâm thi đấu thể thao các huyện, thị, thành phố… được quan tâm đầu tư. Việc xây dựng các quy ước, hương ước của các thôn, làng, tổ dân phố đã góp phần điều chỉnh hành vi công dân và thực thi pháp luật tốt hơn. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang có sức lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đấu tranh khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có những chuyển biến rõ nét, hạn chế được một số tiêu cực, hủ tục lạc hậu, thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang; thực hiện đăng ký kết hôn đúng quy định, việc thách cưới không còn quá nặng nề; một số hủ tục, mê tín dị đoan cơ bản được loại bỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Tục chôn chung, nối dây, ma lai, thuốc thư…; các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar được tổ chức từ 1 đến 2 ngày (trước kia 5 đến 7 ngày); số lễ vật hiến sinh tới hàng chục con trâu, bò như trước đây không còn; việc ăn uống tại khu vực lễ hội cũng được đảm bảo vệ sinh…Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số nói riêng được chú trọng. Gia Lai đã tổ chức sưu tầm, bảo quản, trưng bày hơn 7.000 hiện vật về khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử của địa phương. Trong số này, hàng trăm hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum phục vụ đông đảo nhân dân trong tỉnh và khách tham quan.

Ảnh minh họa (internet)

Ðặc biệt, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 nãm 2005 và tỉnh đã phối hợp với các bộ, ban, ngành của Trung ương tổ chức thành công Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai năm 2009 gắn với các hoạt động quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, tiềm năng và thế mạnh của Gia Lai với bạn bè trong khu vực, trong nước và quốc tế. Làm cho đời sống văn học nghệ thuật của tỉnh thêm sôi động. Toàn tỉnh hiện còn hơn 5.000 bộ cồng chiêng, phần lớn là những bộ cồng chiêng có giá trị cao. Toàn tỉnh có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.

Công tác bảo tồn phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm, là cơ sở khoa học cho việc biên soạn và giảng dạy song ngữ (Việt - Bahnar và Việt - Jrai) trong vùng đồng bào các dân tộc người thiểu số, giảng dạy ở bậc trung học phổ thông, trường Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai. Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục chỉ đạo biên soạn giáo trình và tổ chức giảng dạy tiếng Jrai, Bahnar cho công chức, viên chức trong tỉnh, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của hai dân tộc Jrai, Bahnar cũng như việc học tiếng Jrai, Bahnar của công chức, viên chức công tác tại tỉnh.

Một việc làm ý nghĩa lớn, hợp với nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là việc xây dựng nhà rông văn hóa - thông tin - thể thao ở các xã, cụm dân cư. Phương thức tổ chức là phát động nhân dân tự làm nhà rông, nhà nước trang bị các điều kiện sinh hoạt như loa, nhạc cụ, sách báo, các dụng cụ thể thao bóng chuyền, bóng đá… nhà rông văn hóa là nơi hội tụ các hoạt động văn hóa của địa phương; nó phù hợp với kiểu sinh hoạt cộng đồng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nó còn ý nghĩa phục hồi lại một kiểu kiến trúc độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên đang bị mất dần. Song điều có ý nghĩa lớn lao hơn là toàn bộ nội dung sinh hoạt của nó được hướng vào quỹ đạo của việc bảo tồn những yếu tố nhân văn của văn hóa truyền thống, trên cơ sở các phương tiện sinh hoạt hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh có 576 nhà rông để tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 633 nhà văn hóa thôn, làng, 74 nhà sinh hoạt cộng đồng, gần 1.400 sân thể thao nông thôn.

Những thành tựu trong thực hiện các chính sách trên lĩnh vực văn hóa đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hiện 35% thôn, làng ở các xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 17/185 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn, có 18/185 xã có 100% số thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn.

Sự nghiệp xây dựng đời sống văn hoá là một sự nghiệp lâu dài, cần phải tiến hành một cách bền bỉ, vững trắc, thường xuyên trên cơ sở phát huy sáng kiến và kinh nghiệm của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đây không chỉ là công việc ở cấp cơ sở phường, xã, thôn bản, đơn vị cơ sở gắn liền với cộng đồng dân cư mà còn là công việc của ngay chính các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, của cả hệ thống chính trị. Đây không phải là công việc làm hộ, làm thay mà làm vì chính sự phát triển của từng cá nhân, từng cộng đồng để tạo nên môi trường văn hoá lành mạnh của đất nước. Vì vậy, xây dựng đời sống văn hoá là yêu cầu khách quan và điều kiện cơ bản để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đức Bình

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG