The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Trù phú Linh Nham
01/05/2018 - Lượt xem: 6496
Linh Nham là tên một cây cầu bắc qua suối Cụt. Những năm 80 của thế kỷ trước, người dân từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung lên Tây Nguyên lập nghiệp đã tìm đến với vùng đất Đak Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai) theo dòng nước ngọt lành của dòng suối Cụt, chọn điểm dừng chân và lấy luôn tên cây cầu đặt cho vùng đất mới. Gần 40 năm sau, một Linh Nham trù phú, ấm no và đoàn kết đã hình thành…

Thôn “kiểu mẫu”

Cách trung tâm huyện Mang Yang chỉ vài km, thôn Linh Nham hiện có 186 hộ với 754 nhân khẩu. Thôn nằm sát quốc lộ 19 nên ngoài làm nông, nhiều hộ còn tận dụng vị trí giao thông thuận lợi mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ, làm dịch vụ. Nhờ đó, đời sống người dân trong thôn rất khá. “Trong thôn có đến 70% là hộ khá, khoảng 10% hộ trung bình và chỉ còn 4,5% hộ nghèo.

 

Một góc thôn Linh Nham (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) hôm nay.                                                             Ảnh: L.H
Một góc thôn Linh Nham (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) hôm nay. Ảnh: L.H

Đặc biệt, thôn có 2 hộ giàu với mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như hộ ông Nguyễn Thành Châu, hộ ông Võ Ngọc An. Hộ ông Châu có đến 18 ha hồ tiêu và cửa hàng kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp. Hộ ông An có 16 ha cà phê, hồ tiêu, cao su và 2 trang trại nuôi heo thịt với quy mô hàng ngàn con… Số hộ thu nhập mỗi năm 500-600 triệu đồng thì nhiều lắm”-bà Lê Thị Thu-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Linh Nham tự hào kể.

Với 179 ha cà phê, gần 92 ha hồ tiêu, 11 ha cao su và hơn 20 ha rau màu khác, nhờ có nguồn nước tưới dồi dào, người dân Linh Nham may mắn được đón những mùa vụ bội thu. “Hộ nào cũng có vườn rẫy nên kinh tế ổn định, có điều kiện chăm lo cho con em mình. Trong thôn, số cháu học đại học, cao đẳng hơn 30 cháu, đặc biệt không có trường hợp con em bỏ học giữa chừng hay vi phạm pháp luật”-bà Thu nói.

Suốt 9 năm liền, Linh Nham luôn được công nhận là thôn văn hóa. Thôn xây dựng và duy trì nền nếp là bởi có những nội quy, quy định chặt chẽ mà mỗi người dân đều tự giác tuân thủ. “Thôn chia thành 4 cụm “Hội xóm đoàn kết”, mỗi cụm có khoảng 30 hộ, ký hương ước rõ ràng. Trong đó có điều khoản: Hộ nào có con em, vợ chồng vi phạm pháp luật sẽ bị phạt và đưa ra giáo dục trước Hội xóm. Bên cạnh đó, mỗi cụm “Hội xóm đoàn kết” còn duy trì một tổ quỹ, đóng góp 1 triệu đồng/hộ/năm để làm nguồn hỗ trợ khi trong thôn có chuyện hiếu hỉ. Ngoài ra, quỹ này còn dành cho hộ khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế”-bà Thu chia sẻ thêm. Nhờ sáng kiến này, quan hệ giữa người dân trong thôn ngày càng bền chặt nhờ sự tương trợ thường xuyên. Được vay vốn từ nguồn quỹ tiết kiệm của cụm “Hội xóm đoàn kết”, chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Chồng tôi không may qua đời sau một tai nạn giao thông, để lại 2 đứa con thơ. Thấy cuộc sống 3 mẹ con vất vả nên năm 2015, quỹ của “Hội xóm đoàn kết” đã tạo điều kiện cho tôi vay 6 triệu đồng. Từ số tiền này tôi mua bò, đầu tư chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu… nên cuộc sống mới dần cải thiện”.

Góp tiền tỷ xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Linh Nham đã góp hàng tỷ đồng chung tay cùng địa phương làm nhiều công trình ý nghĩa, góp phần đem lại diện mạo mới cho thôn.

Ông Trịnh Kế Lập có 10 ha rẫy nằm trên đồi khu 774, cách xa dòng suối Cụt. Bao năm trước, mỗi mùa khô hạn, ông và nhiều người rất vất vả, tốn kém khi phải bơm tưới cây trồng bằng máy dầu. “Riêng chuyện bơm tưới mỗi mùa cũng ngót mấy chục triệu đồng. Thấy vậy, tôi bàn với các hộ cùng nhau đóng góp, chia theo diện tích để xây dựng trạm biến áp điện 3 pha và kéo đường dây đưa điện từ trục chính quốc lộ 19 về khu đồi 774”-ông Lập kể. Chiều dài đường dây điện gần 1 km với tổng trị giá lên đến 1,1 tỷ đồng.

Người dân Linh Nham còn sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để mở rộng và nâng cấp các tuyến đường. Chỉ riêng trong năm 2017, thôn đã làm được 3,3 km đường bê tông ở cụm Long Khánh, khu đường tuyến 2 và đường ra nghĩa địa thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó dân đóng góp 50%. Trước mùa mưa năm ngoái, các hộ dân trong thôn còn đóng góp 350 triệu đồng để trải cấp phối đoạn đường vào khóm Thủy Điện, khu Dốc Đất với chiều dài 3,4 km. Làm được con đường này, cả trăm hộ dân được hưởng lợi. “Trước đây, mùa mưa các cháu nhỏ đến trường có khi phải đem theo quần áo để phòng khi té ngã lấm bẩn còn có đồ thay, nay thì có đường bê tông thuận lợi rồi”-Trưởng thôn phấn khởi cho biết. Anh Nguyễn Thanh Phú-hộ đã đóng góp trên 20 triệu đồng chung tay hoàn thiện tuyến đường bê tông nông thôn mới, chia sẻ: “Một mình thì không ai tự làm con đường dài hàng km, nhưng mỗi người một ít thì làm được và ai cũng đều được hưởng lợi. Không chỉ đi lại thuận tiện mà con đường mới còn làm cho bộ mặt nông thôn quê mình trở nên sạch đẹp hơn”-anh Phú phấn khởi nói.

“Mới đây, người dân thôn Linh Nham còn đóng góp trên 20 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp hội trường thôn làm nơi sinh hoạt. So với nhiều nơi khác, có thể người dân Linh Nham chưa giàu có bằng nhưng với tình yêu và ý thức chung tay xây dựng quê hương, họ đã và đang làm cho quê mình ngày một thay da đổi thịt”-bà Thu tự hào nói.

 

(Theo GLO)

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG