Quang cảnh Hội nghị lần thứ tư khóa XII của Đảng.

Đòi hỏi bức bách từ thực tiễn cuộc sống

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay Trung ương Đảng đều có nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hơn 4 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, có tác động thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin trong Đảng và trong nhân dân. Thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật nghiêm túc các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm, trong đó, 8.700 đảng viên bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị xử lý bằng pháp luật…; qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm và góp phần từng bước làm trong sạch Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội XII của Đảng nhận định: “một số việc chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra” và còn có “một số hạn chế, khuyết điểm”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã và đang diễn biến phức tạp. Một số đảng viên, cán bộ phụ họa hoặc cố tình tiếp tay cho các phần tử bất mãn, các thế lực thù địch viết và đăng tải các bài viết của người khác trên các phương tiện thông tin, truyền thông và mạng xã hội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát tán tài liệu, ấn phẩm xuyên tạc cuộc đời hoạt động của lãnh tụ, đòi xóa bỏ chế độ XHCN…Đáng chú ý, một số người, trong đó có người là cán bộ cấp cao đã từng đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý ở trung ương và địa phương; nhân danh trí thức, “người của công chúng”… viết và phát tán trên phương tiện truyền thông xuyên tạc, vu cáo, gieo rắc thông tin xấu, độc hại; những quan điểm sai trái, công kích sự lãnh đạo của Đảng, khoét sâu vào những thiếu sót, lệch lạc của cấp ủy, chính quyền; soi mói đời tư, tung tin bịa đặt, vu khống lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, Công an và bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp…, tạo ra tình trạng phân tâm, hoài nghi, bi quan, chán chường trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, nhiều vụ làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Một số người có liên quan ngang nhiên chạy trốn ra nước ngoài; tình trạng bổ nhiệm, đề bạt “cây nhà, lá vườn” còn “xanh non” hoặc “chín ép” vào vị trí lãnh đạo, quản lý diễn ra ở nhiều cơ quan trung ương và địa phương; một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (trong đó có cán bộ cao cấp, đương chức hoặc đã về nghỉ hưu) thiếu gương mẫu, tạo lập mối quan hệ thân hữu với doanh nghiệp, hình thành các “nhóm lợi ích”, và giàu lên nhanh chóng nhờ nguồn tiền không chính đáng; một số vụ tham nhũng, tiêu cực tuy có thanh tra, kiểm tra hoặc truy tố trước pháp luật nhưng không làm đến cùng, có biểu hiện tránh né một số đối tượng có lỗi, có tội, mức độ xử lý còn nhẹ, không đủ sức răn đe…

Thực tế đó tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí phấn đấu. Điều rất đáng lo ngại là nhiều đảng viên thụ động, vô cảm trước những biểu hiện tiêu cực, trong sinh hoạt đảng hiện nay ở nhiều tổ chức đảng (chi bộ, đảng bộ, cấp ủy, ban cán sự) chỉ là độc thoại của người chủ trì, nhiều đảng viên không bày tỏ chính kiến đối với những vấn đề đưa ra thảo luận, thiếu vắng những ý kiến phản biện hoặc phê bình, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên bị lu mờ. Do đó, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền giảm sút. Không phải tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý đều suy thoái, tham nhũng, tiêu cực nhưng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” như những “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong tâm tư, tình cảm của người dân hiện nay, hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp không được trân trọng và “tâm phục, khẩu phục” như đối với các thế hệ trước. Đây là điều làm buồn lòng những đảng viên chân chính, nhất là thế hệ đảng viên đã từng “vào sinh, ra tử” từ trước Cách mạng tháng Tám và trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Đại hội XII của Đảng khẳng định tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn là một trong 4 nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là bài học cụ thể, cảnh báo về  buông lỏng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vừa đáp ứng đòi hỏi bức bách của cuộc sống và mong muốn của nhân dân, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt trong toàn Đảng và xã hội, nhen nhóm thêm niềm tin mới và kỳ vọng mới.

Giải pháp quan trọng hàng đầu

 Từ kinh nghiệm các đợt chỉnh đốn Đảng, nhất là kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trước hết cần khơi dậy lương tâm và nhân cách người đảng viên Cộng sản. Trong lễ kết nạp Đảng, mỗi đảng viên đứng trước đảng kỳ đều giơ tay thề suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân…Đó là lời thề thiêng liêng theo suốt cuộc đời mỗi con người. Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, mỗi đảng viên cần thắp sáng lên lời thề thiêng liêng ấy, làm thức dậy tính chiến đấu và trách nhiệm nêu gương trong mỗi trái tim người đảng viên. Mỗi đảng viên cần nhận thấy vinh dự, tự hào là người Cộng sản, tiên phong, gương mẫu trước quần chúng, luôn tự ghép mình trong tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực…để giữ uy tín và thanh danh của Đảng, thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến dấu của tổ chức đảng.

Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chưa đạt được như yêu cầu đề ra và mong muốn của nhân dân, làm cho quần chúng băn khoăn, lo lắng, trước hết là do năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên giảm sút nghiêm trọng, có nơi bị tê liệt, vai trò của chi bộ bị vô hiệu hóa do sự chi phối của quyền lực chức vụ. Người có chức vụ càng cao, nhất là người đứng đầu một địa phương, một đơn vị thì quyền lực càng lớn, sinh hoạt chi bộ hoặc cấp ủy, nếu người có chức vụ không tự giác bộc lộ khuyết điểm, thiếu sót thì đảng viên, cấp ủy viên thường e ngại, không dám thẳng thắn phê bình, khi góp ý thì vòng vo, ca tụng, vô tình dung dưỡng những thiếu sót, khuyết điểm của người có chức vụ. Tình trạng đó, tất yếu dẫn đến hệ lụy nguy hiểm là sức chiến đấu của tổ chức Đảng (chi bộ, đảng bộ, cấp ủy, ban cán sựư Đảng) và đảng viên giảm sút, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng bị lu mờ.

Những biểu hiện suy thoái như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra không phải chỉ có ở bộ phận cán bộ có chức, có quyền mà tiềm ẩn, manh nha, thấp thoáng hé lộ một cách tinh vi trong mỗi đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên, dù là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng như đảng viên không đảm đương chức vụ ở cơ sở, cả người đương chức cũng như người đã nghỉ hưu cần nêu cao tính chiến đấu của đảng viên, tự giác liên hệ soi xét những biểu hiện suy thoái của bản thân, có kế hoạch, biện pháp sửa chữa, đồng thời chân thành, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái trong tổ chức Đảng mà mình đang sinh hoạt. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Cùng với phát huy vai trò của mỗi đảng viên, một giải pháp hết sức quan trọng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu sống mẫu mực, thì đảng viên, cán bộ trong đơn vị không dám và không có điều kiện tham nhũng, tiêu cực. Người đứng đầu gương mẫu, tự giác kiểm điểm ưu điểm, khuyết điểm trước tổ chức Đảng, thật thà tiếp thu phê bình, có biện pháp kiên quyết sửa chữa, không thành kiến, trù dập người phê bình thì sẽ tiếp nhận được những lời góp ý chân thành, giúp bản thân nhận ra những khiếm khuyết, sai trái để khắc phục, uy tín của người đứng đầu càng được nâng cao. Sự gương mẫu của người đứng đầu là động lực lan tỏa, động viên thúc đẩy đảng viên, cấp ủy viên trong đơn vị thành thật tự phê bình và mạnh dạn phê bình.

Cấp ủy các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của từng cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp. Hiện nay, cấp ủy đảng từ cấp huyện trở lên đều có đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan tham mưu (tổ chức, kiểm tra, nội chính, dân vận, văn phòng…) giúp cấp ủy theo dõi hoạt động của cấp ủy cấp dưới. Đây vừa là hình thức theo dõi nắm tình tình trực tiếp, vừa là hình thức giám sát quyền lực thường xuyên của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới. Cấp ủy cần  lựa chọn những cán bộ có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan theo dõi, giám sát diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của từng cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp; xây dựng quy chế, chế độ phản ảnh, báo cáo định kỳ, kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc của tập thể cấp ủy và của từng cấp ủy viên, đề xuất với cấp ủy chỉ đạo kiểm điểm, góp ý cảnh báo, ngăn ngừa, khi có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cấp ủy đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu cần có quyết tâm cao, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, động viên đảng viên, cán bộ và cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đã đề ra, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân./.

Hồng Minh

(Theo ĐCSVN)