Hiện mực nước tại thủy điện Đắk Kar đã giảm, hạn chế nguy cơ vỡ đập (Nguồn: laodong.vn)

Cụ thể, theo báo cáo của các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, thiệt hại do mưa, lũ tính đến 17h00 ngày 10/8, như sau: 10 người bị chết trong đó Gia Lai 1 người, Đắk Lăk 1 người, Đắk Nông 5 người, Kom Tum 2 người, Lâm Đồng 1 người; 1 người bị mất tích (Đồng Nai); 5 người bị thương (Đăk Lắc 1 người, Lâm Đồng 4 người).

Về nhà ở: 3.883 nhà bị ngập nước, trong đó Đắk Lắk 1.079 nhà, Đắk Nông 60 nhà, Bình Phước 4 nhà, Đồng Nai 32 nhà, Bình Thuận 252 nhà, Gia Lai 26 nhà, Lâm Đồng 2.430 nhà; 1.437 nhà phải di dời: Đồng Nai 869 nhà, Lâm Đồng 548 nhà, Đắk Lắc 20 nhà.

Về nông nghiệp: 20.976ha lúa, hoa màu bị ngập, 1.069ha cây trồng lâu năm, 2.582ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 142ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè bị thiệt hại; 53,13km kênh bị sạt, 4 đập bị hư hỏng; 23,9km đường giao thông bị sạt lở, 5 cống và 21 cầu bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng 1.002 tỷ đồng.

Về tình hình thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3 tại tỉnh Thanh Hóa: 10 người chết (tăng 1 người do đã tìm thấy thi thể), 6 người mất tích.

Tại tỉnh Hà Giang, theo báo cáo nhanh ngày 10/8/2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, chiều ngày 9/8 trên địa bàn thôn Quán Xí, xã Lũng Pù, huyện Mèo vạc đã xảy ra mưa to cục bộ kèm sấm sét làm 3 người chết, tăng 2 người (Cháu Giàng Minh Và, sinh năm 2016; cháu Lý Thị Hà, sinh năm 2005; chị Lý Thị Quây, sinh năm 1995) và 2 người bị thương.

Về tình hình sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar, nguyên nhân mưa lớn, hồ đang thi công, cửa van tràn xả lũ bị kẹt, đường ống áp lực bị vỡ. Địa phương đã tổ chức di dân (Bình Phước: 5.000 dân). Sau khi nước rút, các hộ dân đã về nhà. Hiện, mực nước hồ đang giảm, đến 6h30 ngày 11/08 mực nước hồ ở +473,73m (thấp hơn cao trình đỉnh đập 6,77m, dưới cao trình mực nước dâng bình thường 1,27m), giảm 4,27m so với thời điểm mực nước cao nhất và 2,22m so với sáng ngày 10/8. Cửa tràn bên trái đã nâng được 0,8m/8,5m, cửa tràn bên phải đã nâng được 0,6m/8,5m. Để khắc phục hậu quả, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar; tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ vượt +479,0m để đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Để khắc phục hậu quả do thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có Công văn số 104/TWPCTT ngày 9/8/2019 gửi UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Công Thương triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du hồ thủy điện Đắk Kar; Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có Công văn số 371/TWPCTT-VP ngày 9/8/2019 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước đề nghị báo cáo về sự cố thủy điện Đắk Kar; Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đôn đốc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang thực hiện Công điện số 12/CĐ-TW ngày 09/8/2019 triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho dân và du khách, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.

Văn phòng Bộ Công an cũng đã có Công điện số 14/CĐ-V01 ngày 10/8/2019 về việc ứng phó nhanh với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất khu vực Tây Nguyên, Đồng Nai và Kiên Giang.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục phối hợp cùng  các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập Đắk Kar và tài sản, tính mạng của nhân dân khu vực hạ du. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ sau bão số 3.

Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do diễn biến mưa lũ còn phức tạp, nên đề nghị các địa phương tập trung triển khai các công việc sau: Các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xả lũ đảm bảo an toàn hạ du.

Tỉnh Đắk Nông khẩn trương phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đập và các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư phía hạ du, trong mọi trường hợp không để xảy ra vỡ đập, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai theo yêu cầu.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả ngập lụt do mưa lũ gây ra đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo, huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi còn ngập lụt, tổ chức người dân dọn dẹp nhà cửa vệ sinh môi trường, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi đang bị sự cố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về thiên tai, công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả.