The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Thảo luận những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
09/07/2019 - Lượt xem: 2231
Ngày 8-7, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) bước vào ngày làm việc đầu tiên. Các đại biểu nghe đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ban HĐND báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019; đồng thời thảo luận về 28 tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp.
Chủ trì kỳ họp gồm các ông, bà: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun HBút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan cùng 75/79 đại biểu HĐND tỉnh. 
 
 
 Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang (thứ 2 phải sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang (thứ 2 phải sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Đ.T
 
Ngành Nông nghiệp gặp khó
 
Báo cáo tại kỳ họp, bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nhìn chung, kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm phát triển đúng hướng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
 
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 7,22%, trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,37%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 8,08%; thuế sản phẩm tăng 8,56%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước thực hiện 11.070 tỷ đồng, đạt 42,58% kế hoạch, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 255 triệu USD, bằng 51% kế hoạch, tăng 1,41% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 2.455 tỷ đồng, bằng 54,51% dự toán Trung ương giao, bằng 50,05% dự toán HĐND tỉnh giao (bằng 49,1% kế hoạch phấn đấu), tăng 7,64% so với cùng kỳ năm 2018.
 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ảnh: Đức Thụy
 
Trong 6 tháng đầu năm, có 15 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.998 tỷ đồng. Có 77 dự án được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện với tổng vốn đăng ký khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho 27 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 4.090,5 MWp và 17 nhà đầu tư triển khai khảo sát, đo gió để nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án, với tổng công suất dự kiến khoảng 3.571 MW. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, thông tin-truyền thông có bước phát triển; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, quốc phòng-an ninh được giữ vững...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Gia Lai vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể: việc kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án khởi công mới còn chậm, giải ngân đạt thấp; vẫn còn xảy ra cháy rừng, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương; tình hình trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy gia tăng, tình trạng vay “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn xảy ra ở một số địa phương.
 
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp những khó khăn nhất định. Diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, một số cây trồng chính không đạt kế hoạch do tình hình hạn hán và sâu bệnh. Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước và tại địa phương đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 14-5 đến 20-6-2019, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 15 xã, thị trấn của 4 huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ và Phú Thiện. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp là 1.290 con với tổng trọng lượng 32.686 kg.
 
Tìm hướng khắc phục tồn tại, hạn chế
 
Chiều 8-7, các đại biểu chia làm 6 tổ tiến hành thảo luận. Trong không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, hầu hết các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; việc hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án khởi công mới năm 2019 còn chậm; một số dự án kêu gọi đầu tư chậm tháo gỡ vướng mắc từ các sở, ngành, địa phương; phạm pháp hình sự, nhất là tội phạm giết người gia tăng, một số vụ có tính chất manh động; công tác cải cách hành chính chưa được cải thiện...
 
Quang cảnh kỳ họp.   Ảnh: ĐỨC THỤY
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đ.T
 
 


Trước khi khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021), các đại biểu đã đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ là việc một số dự án trên địa bàn tỉnh triển khai chậm. Theo đó, trong số 41 dự án khởi công mới, đến nay có 38 dự án đang triển khai thi công, 3 dự án chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, gồm: dự án thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời cho các tuyến đường TP. Pleiku; dự án xây dựng hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ); dự án Hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh). Đặc biệt, có 6 dự án chuyển tiếp chậm tiến độ, gồm: dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú; đường nội thị Pleiku; kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa; hệ thống kênh dẫn thuộc dự án Thủy lợi Plei Keo; đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; di dân tự do huyện Chư Prông.
 
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính bày tỏ sự băn khoăn bởi đa số các dự án triển khai chậm đều vướng vào rất nhiều thủ tục rườm rà khiến chủ đầu tư e ngại, dè dặt. Đại biểu Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án triển khai chậm. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong các quy định của pháp luật nên lúc triển khai còn lúng túng. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn rất chậm; phương án đền bù cũng như việc tổ chức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại”. Theo đại biểu Phạm Duy Du, giải pháp cụ thể để không còn dự án chậm tiến độ, quan trọng nhất vẫn là khâu kiểm soát việc cấp phép dự án, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực vì chính năng lực nhà đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng để dự án triển khai nhanh hay chậm, khả thi hay không khả thi. Ngoài ra, các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; mặt khác các đơn vị cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Có như vậy mới giải quyết căn bản bài toán chậm tiến độ.
 
Lý giải về những vướng mắc trong việc các dự án triển khai chậm, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, mọi nguyên nhân đều nằm ở công tác quản lý, điều hành nhà nước. Năng lực và trách nhiệm của các sở, ngành trong công tác này chưa thực sự được phát huy. Mỗi dự án đều có thuận lợi và khó khăn, vướng mắc. Vậy tại sao không tập trung tháo gỡ nhanh chóng để triển khai thực hiện”.
 
Cũng trong buổi thảo luận tổ, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Mặc dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng làm rẫy vẫn diễn biến phức tạp. Đại biểu Huỳnh Thế Mạnh-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Yang-lý giải: “Nguyên nhân để mất rừng thì có rất nhiều, có cả khách quan và chủ quan. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là do khâu tổ chức thực hiện và cơ chế còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu cực trong các lực lượng tham gia thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng là nguyên nhân dẫn đến công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa đạt cao”.
 
Nói về vấn đề điều tra, xử lý sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra tỉnh để tiếp tục điều tra xử lý 7 Ban Quản lý Rừng phòng hộ trên địa bàn, trong đó, đơn vị đã cơ bản kết thúc quá trình điều tra và đã ra quyết định khởi tố vụ án, các ban còn lại hiện đang trong quá trình điều tra. “Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý sai phạm tại các Ban Quản lý hiện gặp rất nhiều khó khăn. Do việc mất rừng diễn ra trong thời gian dài và nhiều năm trước, rất khó để giám định được giá trị thiệt hại để tiến hành xử lý. Đơn cử như vụ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ, Thanh tra tỉnh kết luận là Ban để mất hơn 9.000 ha nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra thì mới chỉ xác định được 321 ha. Việc mất rừng ở đây là mất rừng dồn từ nhiều năm, nhiều thời kỳ khác nhau, rồi quá trình bàn giao, kiểm đếm không cụ thể và không có văn bản nên không xác định được trách nhiệm. Ngoài ra, thời gian xảy ra dài, không giám định được thiệt hại nên một số vụ việc không thể xử lý về mặt hình sự được...”-Đại tá Phan Thanh Tám phát biểu.
 
Hôm nay (9-7), kỳ họp tiếp tục với phiên thảo luận tổ vào buổi sáng; buổi chiều các đại biểu thảo luận chung tại hội trường và nghe Thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ.
(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG