The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tây Nguyên quyết liệt chống hạn
12/03/2016 - Lượt xem: 12292
Mặc dù chưa phải là thời cao điểm của mùa khô năm nay, song tại nhiều địa bàn thuộc Tây Nguyên nắng nóng kéo dài và gay gắt đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân nơi đây. Tình hình trên đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân Tây Nguyên cần có nhiều giải pháp chống hạn đồng bộ và quyết liệt hơn.

 

Suối Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Lâm Đồng) khô cạn chỉ còn trơ trốc đá và rễ cây

Khô hạn nghiêm trọng

Thông tin từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nguyên, do hiện tượng El Nino xảy ra và đạt cường độ mạnh nên khu vực Tây Nguyên đang chịu sự tác động lớn của khí hậu, thời tiết bất thường. Số liệu quan trắc khí tượng thủy văn của cơ quan chức năng tại khu vực Tây Nguyên được BCĐ Tây Nguyên cập nhật cho thấy, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm, lượng mưa thiếu hụt khoảng 20% so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, từ tháng 12/2015 đến tháng 02/2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ nên mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 15-35% (trong đó, một số khu vực xuống thấp hơn từ 40-60%); trên 35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước.

Do tình hình trên nên đến nay, mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng hạn hán đã xảy ra khá nghiêm trọng trên địa bàn các huyện: Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Kon Chro, Ia Pa, Đăk Pơ, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Buôn Đôn, Čư M’gar, Krông Buk, Krông Năng, Ea Kar, M'Drăk (tỉnh Đăk Lăk), Đăk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum); Čư Jút, Đăk Mil, Krông Nô (tỉnh Đăk Nông) và một số huyện của tỉnh Lâm Đồng.

Nắng nóng đã làm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương kể trên ngày càng khan hiếm, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ của BCĐ Tây Nguyên, đến cuối tháng 02/2016, toàn vùng đã có khoảng 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất (trong đó tỉnh Gia Lai 2.650 ha, Đăk Nông 215 ha); 1.100 ha lúa có nguy cơ mất trắng (trong đó, tỉnh Gia Lai thiệt hại khoảng 700 ha, Kon Tum gần 100 ha, Đăk Lăk 300 ha) và trên 40.000 ha cây trồng thiếu nước tưới (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu).

Tuy nhiên, dự báo trong 2 tháng tới, nền nhiệt ở Tây Nguyên sẽ còn cao hơn trung bình nhiều năm, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn. BCĐ Tây Nguyên nhân định, tình hình này khả năng sẽ có nhiều hồ chứa thủy điện lớn ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk mực nước giảm xuống rất thấp và không đủ nước chạy máy; khoảng 150.000 ha cây trồng thiếu nước tưới (tỉnh Đăk Lăk 80.000 ha, Lâm Đồng 32.000 ha, Đăk Nông 22.000 ha, Gia Lai 11.000 ha, Kon Tum 4.300 ha). Nhiều hộ gia đình ở các vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt (hiện đã có khoảng 8.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, nếu hạn hán kéo dài dự báo sẽ có 34.000 hộ thiếu nước sinh hoạt)  và gia súc không đủ nước uống. Hạn hán kéo dài cũng sẽ làm cho tình hình thiếu đói giáp hạt ở các địa bàn nông thôn tăng lên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do ở các huyện phía Đông Trường Sơn.

Về nguy cơ cháy rừng, theo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Tây Nguyên, hiện tại nhiều nơi đang ở mức báo động cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) và sẽ duy trì trong thời gian dài. Trong đó, nguy cơ cao tập trung tại một số khu vực trọng điểm như: Vườn quốc gia Yok Đôn; các huyện M’Drăk,  Ea H’leo (tỉnh Đăk Lăk), Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), Chư Prông, Chư Păh, Chư Pưh, Chư Sê, Ia Grai, Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và phần lớn các huyện, thị, thành phố của hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng.

Trước tình hình trên, hiện tại các bộ, ngành, địa phương đang tích cực chỉ đạo phòng, chống hạn với nhiều giải pháp. Trước hết là tập trung chỉ đạo gieo trồng sớm so với lịch thời vụ thông thường. Thống kê của BCĐ Tây Nguyên cho biết, đến cuối tháng 02/2016, toàn vùng đã gieo trồng 104.000 ha cây hàng năm vụ đông xuân, tăng 18% so với cùng kỳ 2015.

Các tỉnh cũng đã tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng khó khăn về nguồn nước (xa sông suối, khai thác nước ngầm hạn chế); tăng công suất các trạm biến áp phục vụ bơm nước từ hệ thống sông chính vào ao, hồ chứa nước; nạo vét tu sửa kênh mương, gia cố chống rò rỉ các hồ chứa.

Ngành Nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chỉ đạo cho nhiều nơi tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện giải pháp phân phối nước tiết kiệm, giảm số lần tưới để đảm bảo nước luân phiên cho nhiều diện tích cây trồng như thực hiện giải pháp tưới vừa đủ, nhất là cây cà phê tưới 450 lít/cây và tưới từ 22-24 ngày/lần. Các nhà máy thủy điện đang ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.

Tuy vậy, tình hình hạn hán ở Tây Nguyên dự báo sẽ hết sức trầm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải sớm hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển thủy lợi; đề xuất các giải pháp hiệu quả về phát triển nguồn nước, lưu giữ nước vào mùa khô. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng nhằm hoàn thiện cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các vùng sinh thái đặc thù, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích không đảm bảo nước tưới; chuyển đất nương rẫy kém bền vững sang sản xuất nông lâm kết hợp trên cơ sở phát triển kỹ thuật canh tác tổng hợp, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất và tài nguyên nước.

Những giải pháp chống hạn cần quyết liệt trong thời gian đến

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và khốc liệt ở Tây Nguyên, đầu tháng 3, BCĐ Tây Nguyên đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn và đưa ra các giải pháp chống hạn hết sức quyết liệt. Trong đó, lãnh đạo BCĐ Tây Nguyên đã đề nghị các Bộ ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn. Trước mắt, đề nghị cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các tỉnh quan tâm chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để chống hạn.

Theo đó, các địa phương tại Tây Nguyên sẽ tập trung ưu tiên bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, với những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho dân; kiên quyết không để người dân thiếu nước dùng hàng ngày và không để trâu, bò chết vì thiếu nước như đã từng xảy ra trong mùa khô 2005.

Nhiệm vụ tiếp theo là cố gắng đến mức cao nhất duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống ở những nơi tập trung đông dân cư. BCĐ Tây Nguyên lưu ý, đối với các nhà máy thủy điện tuy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát điện nhưng vẫn phải ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng quy định, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.

Cùng với đó, yêu cầu hết sức quan trọng với các tỉnh Tây Nguyên là phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nhất là phân phối, điều tiết nước hợp lý ở các công trình thủy lợi; nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm để bảo đảm nhiều diện tích cây trồng được tưới. Khẩn trương tu bổ, nạo vét kênh mương; sửa chữa các hạng mục công trình thuỷ lợi bị hư hỏng; hỗ trợ nông dân mua máy bơm và nhiên liệu tưới bổ sung cho những diện tích không thể điều tiết qua các công trình thuỷ lợi. Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng khó khăn về nguồn nước; kịp thời chuyển diện tích lúa nước không chủ động được nước tưới sang trồng các loại cây khác.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tập trung huy động tối đa các nguồn lực để chống đói, chống rét cho người nghèo, khắc phục thiếu đói giáp hạt ở các địa bàn nông thôn. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số địa bàn dân di cư tự do, cần nắm chắc tình hình, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực để cứu đói, không để gia đình nào thiếu đói đứt bữa.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng nhấn mạnh các tỉnh trong vùng phải đẩy mạnh thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ, chặt phá rừng, săn bắn trái phép ở các khu vực còn nhiều rừng tự nhiên gần biên giới, các khu bảo tồn, rừng đặc dụng. Đồng thời tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là ở các địa bàn đã được dự báo cấp 4, cấp 5. Quan tâm chỉ đạo chuẩn bị cho công tác trồng rừng năm 2016 và thực hiện nghiêm chủ trương trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích khác.

Về lâu dài, theo BCĐ Tây Nguyên thì các tỉnh cần phải sớm hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển thủy lợi; đề xuất các giải pháp hiệu quả về phát triển nguồn nước, lưu giữ nước vào mùa khô; xây dựng các dự án tưới tiên tiến phục vụ lâu dài cho tưới cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Nghiên cứu, xây dựng nhằm hoàn thiện cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các vùng sinh thái đặc thù, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích không đảm bảo nước tưới; chuyển đất nương rẫy kém bền vững sang sản xuất nông - lâm kết hợp trên cơ sở phát triển kỹ thuật canh tác tổng hợp, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất và tài nguyên nước./.

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG