The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tập trung triển khai hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2015
22/02/2015 - Lượt xem: 2431
”Những yêu cầu về hoàn thiện thể chế và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra cho Bộ, Ngành Tư pháp rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức”.

Nhân dịp đầu xuân Ất Mùi 2015, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những trăn trở, mong muốn và kỳ vọng trong năm mới đối với Ngành Tư pháp.

 

 

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. (Ảnh: TH).


Phóng viên (PV): Trong năm 2014, toàn Ngành Tư pháp đã đóng góp tích cực vào công tác hoàn thiện thể chế nói chung, thể chế trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Ngành nói riêng. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả này đóng góp như thế nào trong việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung, nền tư pháp vì dân nói riêng?

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Năm 2014 được khởi đầu bằng việc Hiến pháp mới bắt đầu có hiệu lực. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, ngành Tư pháp đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là công tác hoàn thiện thể chế và đã chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách quyết liệt. Đến nay, nhìn lại có thể thấy rằng nhiệm vụ này cơ bản đã được hoàn thành. Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ thực hiện một số giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, qua đó góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014, bảo đảm cụ thể hóa nhất quán, đồng bộ, chính xác tinh thần và nội dung của Hiến pháp, nhất là những dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh…

Mặt khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ngành, trong năm 2014, Bộ Tư pháp được Quốc hội, Chính phủ giao chủ trì soạn thảo những dự án luật quan trọng liên quan đến mọi người dân, mọi gia đình, phục vụ trực tiếp cho việc thi hành Hiến pháp năm 2013 gắn với thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Hộ tịch, Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự...

Có thể nói rằng tinh thần pháp quyền, nhân văn, vì con người, những nội dung đổi mới, cải cách, tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng nhằm công nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong lĩnh vực tư pháp được quán triệt và thể hiện nhất quán, sâu sắc trong các dự án luật nói trên.

Bên cạnh đó, nhằm hoàn thiện thể chế phù hợp với Hiến pháp, Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát pháp luật liên quan đến quyền con người để đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các quy định, văn bản pháp luật trái hoặc chưa phù hợp với tinh thần và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Suy cho cùng, những việc Bộ Tư pháp đã làm, đang làm và sẽ làm trong công tác hoàn thiện thể chế đều vì mục tiêu phát huy quyền làm chủ cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phầnxây dựng, hoàn thiện nền tư pháp bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

PV: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhận xét: “Nợ đọng văn bản còn nguy hiểm hơn so với các thứ nợ khác”. Với tư cách là cơ quan tham mưu trong công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã và sẽ đề xuất những giải pháp đột phá nào để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nợ đọng văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thi hành pháp luật, dẫn đến tình trạng luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng một số quy định còn chậm đi vào cuộc sống do phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đã được quy định trong luật, pháp lệnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 67/2013/QH13 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp như: ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản; định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm báo cáo Chính phủ và công khai tình hình thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Qua đó, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014 đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất trong 10 năm qua, được Quốc hội ghi nhận tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh dù có giảm nhưng chưa bền vững và nếu không tập trung quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm 2015 thì tình trạng nợ đọng lại quay trở lại do có rất nhiều luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 và sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới đây.

Để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, ban hành văn bản, sớm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã và sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khả thi và triển khai thực hiện quyết liệt; tuân thủ thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm tăng cường công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản; tăng cường công tác phối hợp giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị chuyên môn, giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác kiểm tra trước ban hành (góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính) với công tác kiểm tra sau ban hành (kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật) nhằm nâng cao chất lượng của văn bản; thường xuyên kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với tình trạng văn bản không bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Mặt khác, tiếp tục tạo điều kiện, có cơ chế thu hút sự tham gia của người dân, huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và tăng cường cơ chế phản biện từ các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật; bổ sung hợp lý số lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế...

Cuối cùng, giải pháp có tính căn cơ là Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (mới) để trình Quốc hội thông qua theo hướng giảm thiểu hình thức văn bản, hạn chế phải ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; làm cho quy trình xây dựng pháp luật dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp hơn; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị trình dự án, dự thảo văn bản; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật kết hợp với công tác soạn thảo, thẩm định, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng phản ứng chính sách, kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

PV: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Đây là đạo luật lớn, quan trọng, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân. Là cơ quan chủ trì lấy ý kiến, xin Bộ trưởng cho biết việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm công khai minh bạch, phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân, góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một trong những cách thức nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng văn bản, đồng thời cũng tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt từ một phía của cơ quan quản lý nhà nước. Đối với Bộ luật Dân sự, trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức và người dân thông qua việc gửi lấy ý kiến trực tiếp bằng văn bản và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, xác định đây là một dự án Bộ luật lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân nên khi trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật này, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội xin chủ trương về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật.

Để việc lấy ý kiến được thực hiện một cách hiệu quả, chất lượng, kế hoạch của Chính phủ đã xác định tập trung lấy ý kiến đối với 10 vấn đề trọng tâm có liên quan mật thiết nhất đến quyền, lợi ích của người dân, đến Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ công bố việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và từ ngày 5/1/2015, dự thảo Bộ luật và các tài liệu có liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân đã được đăng tải công khai trên Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

Việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện với mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng đối tượng lấy ý kiến, từng cộng đồng, từng địa phương hoặc từng cơ quan lấy ý kiến, bảo đảm cho người dân có cơ hội thể hiện được ý kiến của mình về dự thảo Bộ luật.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự. Trên cơ sở tập hợp, tổng hợp Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của các tổ chức, cá nhân, Bộ Tư pháp sẽ nghiêm túctiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) theo từng nội dung trọng tâm xin ý kiến cũng như mọi đóng góp khác. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2014). Kết quả lấy ý kiến nhân dân, việc tiếp thu, giải trình và dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sau khi chỉnh lý cũng sẽ được công khai để nhân dân biết, theo dõi và tiếp tục đóng góp.

PV: Năm 2015, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề cho Bộ và Ngành Tư pháp, đặc biệt là triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự... Ngành Tư pháp đã có chương trình thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được giao?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2016. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề cho Bộ và Ngành Tư pháp.

Để triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2015 với sự tham gia của hầu hết lãnh đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngành Tư pháp đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2015, đồng thời ban hành Chương trình hành động của Ngành với rất nhiều nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện.

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, việc triển khai có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2015 được coi là một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu, trong đó có Luật Hộ tịch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đây là 2 luật rất quan trọng, có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp. Do đó, ngày 15/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-TTg và Quyết định số 55/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai 2 Luật này.

Trên cơ sở kế hoạch đã được Thủ tướng ban hành, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, ban hành kế hoạch của Bộ và tích cực triển khai thực hiện. Hiện nay, các dự thảo nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này đang được tiến hành soạn thảo; các chương trình, tài liệu phổ biến, tập huấn cho cán bộ, công chức trực tiếp thi hành các luật cũng đã và đang được khẩn trương hoàn thiện. Đặc biệt, trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự trên cả nước.

Tôi tin tưởng rằng, việc triển khai thực hiện tốt các kế hoạch nêu trên của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, những quy định mới, mang tính đột phá của Luật Hộ tịch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ sớm đi vào cuộc sống, qua đó một mặt tạo điều kiện quan trọng để các lĩnh vực hộ tịch, thi hành án dân sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mặt khác tạo điều kiện để Ngành Tư pháp có cơ hội đóng góp tích cực hơn trong việc tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần tạo nền tảng quan trọng đảm bảo công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội được tăng cường theo hướng khoa học, phục vụ thiết thực việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Một mùa Xuân mới đã đến, Bộ trưởng mong muốn điều gì cho Ngành Tư pháp nói chung và công tác xây dựng pháp luật nói riêng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật; theo dõi chung về thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính; quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và pháp luật, tôi cho rằng những yêu cầu về hoàn thiện thể chế và phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra cho Bộ, Ngành Tư pháp rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Điều tôi luôn mong muốn, đó là Ngành Tư pháp tiếp tục khẳng định và phát huy hơn nữa vị thế của mình trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đóng góp xứng đáng trong tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế của đất nước. Vấn đề luôn khiến tôi trăn trở đối với Ngành, đó là chính sách, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác tư pháp, pháp chế vẫn rất bất cập so với yêu cầu thực tiễn và còn hạn chế so với đồng nghiệp trong các cơ quan khác trong khối Nội chính. Điều đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác mà còn là nguyên nhân cản trở khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn trong Ngành.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành, kiên trì, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nước và cũng là 70 năm ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam vào năm 2015./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG