(Ảnh minh họa - Nguồn: laodong.vn)

Không thể lột tả hết được tội ác của những kẻ tìm kiếm những đồng tiền trên xương máu của người bệnh. Những người không may mắc phải bệnh hiểm nghèo như ung thư đã phải chịu đựng những cơn đau đớn về thể xác hay tâm lý nặng nề, lại phải chịu thêm nỗi đau khôn tả vì đã đặt niềm tin vào những kẻ mất nhân tính đã dùng những sản phẩm bẩn để gạt lừa tiền của.

Người ta không từ thủ đoạn nào để trục lợi, nào là dấm gạo được pha trực tiếp từ axit axetic với nước lã; sử dụng dầu nhớt thải để tưới cho rau muống… đến khủng khiếp hơn là dùng bột pin (than chì) để nhuộm cà phê rồi đem bán.

 Những hành vi này chính là tội ác, gây ra sự  phẫn nộ lớn trong cộng đồng.

Tại sao những “sản phẩm bẩn” ấy lại có thể dễ dàng lưu thông? Trong khi “một quả trứng 3 bộ quản lý” như vậy, những sản phẩm khác có thể cũng được quản lý tương tự, tức là nó phải được quản lý khá chặt chẽ chứ không phải là vô quản?

Vấn đề an toàn thực phẩm không phải là chuyện mới. Người tiêu dùng thì luôn được khuyến cáo cần sáng suốt để không mua phải “sản phẩm bẩn”. Khuyến cáo đó rất đúng, nhưng người tiêu dùng làm sao có đủ phương tiện để đánh giá được những sản phẩm tiêu dùng chỉ bằng những cách thông thường như nhìn thấy, sờ thấy…(?!).

Hơn nữa, những kẻ dã tâm lại đánh đúng vào tâm lý  “có bệnh thì vái tứ phương”, đặc biệt đó lại là bệnh hiểm nghèo. Kề cận với cái chết, tranh đấu giữa sự sống và cái chết, chỉ cần có người bán thuốc điều trị là mua, không còn thời gian để kiểm chứng tốt hay xấu, thật hay giả…, quan trọng là cứu người với tâm lý “còn nước còn tát”.

Mọi thứ đều có thể không an toàn, đều có thể bị nhiễm độc, từ mớ rau, con gà, cân thịt đến các loại thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh…đều có nguy cơ là những “sản phẩm bẩn” và không an toàn cho người tiêu dùng. Tại sao họ lại có thể sản xuất và buôn bán những “sản phẩm bẩn”, gây độc hại nguy hiểm đến sức khỏe đời sống cho người tiêu dùng?

Phải chăng khi sản xuất, buôn bán những thứ gọi là “sản phẩm bẩn” kia, họ đã không còn chút lương tâm và đạo đức?