Khẳng định vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, công tác cán bộ nữ, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Phụ nữ Việt Nam đã có những bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá- xã hội, khoa học – công nghệ, xây dựng Đảng, Chính quyền và hợp tác quốc tế. Phụ nữ các dân tộc, các tôn giáo, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, trên cương vị của người lãnh đạo, quản lý hay người lao động... đã đoàn kết, thi đua phát huy sức mạnh nội lực, tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước.

Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện về nhiều mặt, sức khoẻ phụ nữ, trẻ em được nâng cao. Trong bối cảnh xã hội có nhiều cơ hội tốt đẹp cho lao động và học tập, không ít phụ nữ Việt Nam đã phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt, tạo cho mình những hành trang mới để sánh bước cùng cộng đồng khu vực và thế giới. Phụ nữ ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, sáng tạo trong kinh tế thị trường. 

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cấp ngày càng cao. (Ảnh: NH)

Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Hội LHPN các cấp đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ. Việt Nam thuộc nhóm các nước có thành tựu về bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam á. Tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm đạt 46,5% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở thành thị từ 6,98% năm 2001 xuống còn 6,14% năm 2005.

Để chăm lo công tác cán bộ nữ, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để chỉ đạo thực hiện như: Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mớ”; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”…

Những quan điểm đó đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, quán triệt và lấy làm kim chỉ nam trong việc thực hiện công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Đó là những cơ sở pháp lý và lý luận vững chắc, tạo nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị và đạt được những kết quả trong thực tiễn. Một số tỉnh, thành ủy đã có nữ Bí thư Tỉnh ủy; nữ Bí thư quận, huyện ủy – điều mà trước kia "hiếm" có. Nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay, chúng ta cũng có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành về công tác cán bộ nữ.

Cần phấn đấu đạt mục tiêu đề ra

Dù đạt được nhiều thành công trong việc chăm lo đến phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng, nhưng theo số liệu báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, trong nhiệm kỳ 2015-2020, các Đảng bộ khối ở Trung ương có 12/112 cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành đảng bộ (chiếm 10,7%); 7/36 cán bộ nữ tham gia ban thường vụ đảng ủy (chiếm 19,4%).

Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV có tổng số nữ đại biểu Quốc hội có 132/494 người (26,7%), tăng 10 người so với Quốc hội khóa XIII. Trong đó, 24 tỉnh đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao từ 30% trở lên, có ba tỉnh đạt trên 50% là Bắc Cạn, Bắc Giang, Quảng Ngãi; 25 tỉnh có tỷ lệ dưới 20%, trong đó có 3 tỉnh không có nữ đại biểu Quốc hội.

Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020, chỉ có 3 cán bộ nữ được bầu vào Ban Chấp hành, chiếm 5,8% số tỉnh ủy viên, trong khi yêu cầu ít nhất 15%. So với nhiệm kỳ trước, giảm 3 nữ tỉnh ủy viên; không có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh là nữ có 14 người, chiếm tỷ lệ 21,2%, trong khi đó yêu cầu là 30%. Số cán bộ nữ giữ chức vụ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh chỉ đạt 2,9% và cấp phó là 13,8%. Ở cấp huyện, tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý tuy cao hơn cấp tỉnh, cụ thể có 14,4% số cán bộ cấp ủy cấp huyện là nữ và ở cấp xã là 13,4%, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu chung.

Tại một số tỉnh khác cũng có tình trạng tương tự. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ tại các cấp còn thiếu so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Một số Đảng bộ trực thuộc Trung ương có tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trở lên còn thấp như: Thanh tra Chính phủ (6,9%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (8,9%); Bộ Giao thông vận tải (9,4%)…

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa đạt được mục tiêu tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cấp. Theo  đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc, chưa toàn diện về công tác cán bộ nữ; không ít nơi còn biểu hiện quan liêu với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”… Cũng chưa có kiểm điểm trách nhiệm nào đối với những nơi chưa đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong các đợt bầu cử….

Tăng cường hơn nữa tỷ lệ cán bộ nữ trong thời gian tới

Tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ nào đó trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ. Do đó, phải tiếp tục đổi mới nhận thức về phụ nữ với tư cách là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm. Phải coi công tác cán bộ nữ thực chất là một trong những nội dung của nhiệm vụ giải phóng phụ nữ; là nhiệm vụ của tất cả các thành viên của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cán bộ nữ và nên đưa chỉ tiêu về cán bộ nữ là một nội dung trong nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng và đoàn thể được tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá thi đua hàng năm. Bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ chỉ có được khi cả hai giới nam và nữ cùng đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ cho nhau.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020: Cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%; các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỉ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới như trong Nghị quyết 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành cần có phương án nhân sự hợp lý, chuẩn bị cán bộ nguồn là nữ với nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn./.

(Theo ĐCSVN)