The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Quản lý, khai thác công trình thủy lợi: Còn khó khăn, bất cập
08/07/2019 - Lượt xem: 2112
Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lượng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong quản lý, khai thác cũng đã khiến nhiều công trình bị xuống cấp và chưa phát huy hết năng lực thiết kế ban đầu.
Phát huy trên 70% năng lực thiết kế 
 
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động thủy lợi trên địa bàn tỉnh được thực hiện ngày càng nền nếp. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 38 công trình vừa và lớn (12 hồ chứa nước, 22 đập dâng, 4 trạm bơm điện); UBND cấp huyện quản lý 228 công trình; các doanh nghiệp quốc doanh (cao su, cà phê, chè…) quản lý 78 công trình do đơn vị đầu tư xây dựng.
 
Hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hồng Thi
Hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hồng Thi
 
Theo đánh giá của ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều phát huy trên 70% năng lực thiết kế; thậm chí, một số công trình còn phát huy rất tốt, đạt và vượt năng lực thiết kế ban đầu. Cụ thể, trong tổng số 344 công trình thủy lợi thì có 216 công trình phát huy hiệu quả trên 70%; 97 công trình phát huy năng lực thiết kế 50-70%. Một số công trình đã áp dụng biện pháp tưới theo công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực với khoảng 24.000 ha...
 
“Ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thì hệ thống công trình thủy lợi còn góp phần quan trọng trong cắt giảm đỉnh lũ, hạn chế thiên tai, phòng-chống cháy; cấp nước thô cho các nhà máy nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân; cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực. Một số công trình thủy lợi lớn như: hồ Ayun Hạ, hồ Chư Prông, Biển Hồ… còn khai thác tổng hợp về thủy điện, du lịch và nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”-ông Có thông tin thêm.
 
Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi cũng được các đơn vị, địa phương dành sự quan tâm đúng mức. Mỗi năm, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã bố trí khoảng 4-5 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa những công trình xuống cấp, hư hỏng. Riêng các đơn vị doanh nghiệp, địa phương tùy theo điều kiện thực tế mà trích kinh phí để duy tu công trình từ nguồn thủy lợi phí (nay gọi là giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi) hoặc vốn sự nghiệp thủy lợi.
 
Nhiều bất cập, hạn chế 
 
Qua khảo sát thực tế và từ báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, công tác đầu tư, quản lý và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Đầu tiên là việc tham mưu, ban hành và triển khai các văn bản về quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh của Sở Nông nghiệp và PTNT đôi lúc còn chậm, chưa kịp thời. Mặt khác, dù Luật Thủy lợi 2017 đã quy định rõ hình thức tổ chức quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nhưng hiện nay ở cấp huyện, xã vẫn chưa đồng bộ, thống nhất mô hình quản lý. Theo đó, toàn tỉnh còn có 10 hợp tác xã nông nghiệp có làm dịch vụ thủy lợi; 25 tổ chức hợp tác dùng nước như: tổ thủy nông, đội thủy nông, ban thủy lợi…; 1 đội công trình giao thông có làm dịch vụ thủy lợi; 40 xã trực tiếp quản lý công trình thủy lợi kiên cố và một số công trình bán kiên cố, công trình tạm. Hơn nữa, cán bộ quản lý công trình ở các tổ chức hợp tác dùng nước hầu hết còn yếu và thiếu, chưa được đào tạo đầy đủ về chuyên ngành thủy lợi. Hiện 13/17 Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố không có cán bộ có chuyên môn về thủy lợi (trừ huyện Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và Ia Pa); 184 xã cũng không có cán bộ thủy lợi nên việc triển khai các quy định công tác chuyên môn gặp nhiều bất lợi.
 
Nhiều công trình thủy lợi bị xâm thực, bồi lấp. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều công trình thủy lợi bị xâm thực, bồi lấp. Ảnh: Hồng Thi
 
Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp, hiệu quả sử dụng không cao. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 31 công trình có hiệu quả tưới dưới 50% năng lực thiết kế, trong đó có một số công trình đã không còn sử dụng. Đơn cử như: đập tràn Ia Pơ Tâu (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa); 2 trạm bơm điện Ia Dniu và Plei Amil (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện); đập Ia Blứ 4 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh); đập dâng Kliết (xã Đak Song, huyện Kông Chro); trạm bơm xã Thành An (thị xã An Khê); đập dâng Ia Tôk (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông); hồ chứa Chư Gu (xã Chư Gu, huyện Krông Pa)…
 
Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) phân tích: Ngoài do biến đổi khí hậu làm giảm lượng nước mặt thì nguyên nhân còn bởi đa số các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ lâu, thiếu đồng bộ, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh. Diện tích phục vụ tưới manh mún dẫn đến chiều dài kênh mương kéo dài. Hơn nữa, các công trình thủy lợi đều xây dựng theo tuyến, đi qua địa hình khó khăn, chia cắt, chịu tác động rất lớn khi xảy ra mưa lũ nên dễ hư hỏng. Cùng với đó, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, tăng nhanh về dân số cũng kéo theo khu tưới của một số công trình thủy lợi sẽ ngày càng bị thu hẹp.
 
Theo quy định, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa và cắm mốc phạm vi bảo vệ hành lang an toàn công trình do đơn vị quản lý công trình đảm bảo. Đối với công trình do huyện quản lý dựa vào nguồn ngân sách huyện phân bổ hàng năm. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng được việc nâng cấp, sửa chữa nhỏ, mang tính cấp bách, không đồng bộ. Việc vận động các nguồn vốn khác như doanh nghiệp, người dân cùng tham gia quản lý, khai thác và đầu tư sửa chữa đều khó thực hiện vì kinh tế-xã hội trên địa bàn còn khó khăn. Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Đình Phương-Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-cho rằng: Các địa phương cấp huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác thủy lợi nên không bố trí vốn để duy tu, sửa chữa các công trình sau đầu tư trên địa bàn mà chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí kiên cố hóa kênh mương, kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa. Đồng thời chưa thực hiện công tác điều tra thủy lợi cơ bản ở địa phương theo Điều 9 Luật Thủy lợi 2017 hay lập quy hoạch thủy lợi tích hợp vào quy hoạch kinh tế-xã hội chung của tỉnh để nắm bắt cụ thể mạng lưới thủy lợi cơ sở mà có phương án, giải pháp kịp thời đầu tư xây dựng và duy tu, sửa chữa những công trình tạm, hư hỏng.
 
Mặt khác, một số chủ đập chưa thực hiện các nội dung quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; lập và phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi. Trong khi đó, hiện nay, vẫn còn xảy ra tình trạng một số hộ dân đục phá kênh mương lấy nước, sử dụng lãng phí nguồn nước, làm thiếu nước cục bộ vùng cuối kênh mương. Tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra... Ngoài ra, hồ sơ thiết kế cũng như các thủ tục giấy tờ liên quan của nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Chư Sê, Phú Thiện, Ia Grai, Đak Pơ, Mang Yang, Krông Pa… đã bị thất lạc hoặc hư hỏng cũng gây không ít khó khăn trong quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi kiên cố, gồm: 113 hồ chứa, 189 đập dâng và 42 trạm bơm; ngoài ra còn có các công trình tạm và bán kiên cố. Tổng năng lực thiết kế tưới của các công trình trên là 54.944 ha (31.167 ha lúa, 23.777 ha rau màu và cây công nghiệp). Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, tổng giá trị xác định theo nguyên giá của các công trình khoảng 2.664 tỷ đồng.

 Theo GLO

 
(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG