Đúng 1 năm trước (tháng 1/2016), Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Nhìn lại năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nước ta đã đạt được những bước chuyển quan trọng trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn thách thức. Đồng thời với việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế xã hội và tạo niềm tin trong nhân dân.

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng. (Ảnh: HH)

 

Trong 1 năm qua, điều nhận thấy rõ nhất là quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong Đại hội XII của Đảng là “Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Với quyết tâm chính trị cao như vậy, ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05 về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 vừa qua đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là 2 văn kiện quan trọng cụ thể hóa nhiệm vụ của Đại hội XII đề ra về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Nghị Quyết Trung ương 4 khóa XII có thể nói là điểm nhấn trong  năm 2016 và của nhiệm kỳ này. Nghị quyết đã cụ thể hóa nhiệm vụ thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XII. Đây là bước phát triển, phát triển hơn so với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Nghị quyết Trung ương 4 đề ra 3 nhóm nội dung: suy thoái về tư tưởng, chính trị; suy thoái đạo đức, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa. 3 bộ phận đó có quan hệ mật thiết với nhau. Suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống gắn bó với nhau sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Điểm mới của Hội nghị Trung ương 4 chỉ ra, nhận diện rõ 27 biểu hiện trong 3 nhóm, lĩnh vực. Như vậy, việc chỉ ra như vậy không chỉ là cụ thể hóa mà thẳng thắn nhìn nhận một cách cụ thể, rõ ràng những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để cho các tổ chức Đảng dựa trên cơ sở đó mà tự phê bình, phê bình, tự nhìn nhận trong tổ chức có những biểu hiện đó không, nếu có tập trung xử lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết XII chúng ta có bước đi quan trọng như: tiếp tục xử lý 6 vụ án nghiêm trọng có liên quan đến tham nhũng, việc xử lý Trịnh Xuân Thanh, kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng trong khuyết điểm về công tác cán bộ… Chấn chỉnh bổ nhiệm cán bộ cho người thân, người nhà đã xảy ra ở một số địa phương… Việc làm đó củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị, của Trung ương. Đó chính là khởi sắc, bước đi quan trọng và là bước đột phá trong công tác cán bộ trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị

Sau Đại hội XII của Đảng, cả hệ thống chính trị vận hành tích cực gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước và đang từng bước thể chế hóa đường lối của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XII. Với Quốc hội, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã diễn ra sau Đại hội Đảng chỉ 6 tháng.

Vấn đề xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức trong hệ thống chính trị, chúng ta có bước khởi sắc sau bầu cử Quốc hội khóa XIV, Quốc hội và Chính phủ được kiện toàn. Chính phủ hiện nay thực sự bước vào hành động theo định hướng của Trung ương đã đề ra. Hoạt động của Quốc hội cũng sáng tạo, năng động và đổi mới. Chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề lớn, giám sát tối cao được Quốc hội quan tâm hơn và trách nhiệm của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội cũng được đổi mới.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV không những cụ thể hóa những tư tưởng, chủ trương của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII mà còn được cụ thể hóa thông qua một số nhiệm vụ chiến lược như: Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2017; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

 

 
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. (Ảnh: HH)
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khẳng định: Tất cả các quyết sách lớn đó đều thể hiện tinh thần đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thể hiện rõ quan hệ về kinh tế, chính trị, dân sự, khoa học kỹ thuật… “Tuy thời gian từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay chưa nhiều, nhưng cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ tư pháp Trung ương, cả hệ thống đã vào cuộc và đang từng bước thể chế Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

 

Một năm qua, ở các cấp ủy cơ sở việc triển khai chủ trương, Nghị quyết, chương trình hành động của các tỉnh, thành phố với mục đích phấn đấu cũng rất rõ theo Nghị quyết của Đại hội XII. Tuy nhiên, nhìn nhận cũng thấy rõ những mặt hạn chế đang đang tồn tại trong nội bộ, nếu không xử lý triệt để sẽ cản trở bước phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Cụ thể, hệ thống tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, những khuyết điểm, yếu kém về công tác cán bộ, chưa chọn được người tài giỏi, thật sự có phẩm chất đạo đức, có tâm với đất nước, với nhân dân. Vẫn còn những cán bộ cơ hội, lợi ích nhóm, phe cánh... Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, ảnh hưởng đến phát triển của đất nước. Tham nhũng lớn, lãng phí lớn không chỉ làm mất niềm tin của dân mà còn làm nghèo đất nước.

Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, những sự việc như Formosa, tổn thất máy bay trong lực lượng vũ trang, tai nạn giao thông liên tục xảy ra, lụt bão, vỡ đập thủy điện… là những điều trước nay hiếm xảy ra. Trước những khó khăn đó, với quyết tâm chính trị, Trung ương đã ra Nghị quyết sát sườn và sau Đại hội Đảng thấy rất rõ sự quyết liệt hành động từ cơ sở tới Trung ương.

Tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế 

Thành công đáng ghi nhận sau Đại hội XII của Đảng đó là về kinh tế. Theo Đại hội XII, chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành: Nghị quyết về “một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; Nghị quyết về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đó là những chủ trương quan trọng về kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ này.

Với những nỗ lực và quyết tâm từ đầu năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế có bước biến chuyển tích cực, các cân đối vĩ mô được giữ, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có bước tiến, xử lý những vấn đề ngân hàng, nợ công, nợ xấu và giữ được tỷ lệ lạm phát như đã đặt ra, giữ giá trị đồng tiền, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, hội nhập quốc tế cũng tiếp tục đẩy mạnh. Riêng ngành Nông nghiệp năm 2015 tăng trưởng âm thì năm 2016 đã có tín hiệu tích cực, tăng trưởng tốt hơn.

Năm 2016, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. GDP ước tính tăng 6,21% so với năm trước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát năm 2016 vẫn được “ghìm cương” để đạt chỉ tiêu dưới 5%. Việc tiếp tục kiểm soát được lạm phát đã góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, một thành tựu quan trọng trong năm 2016. Từ đó, niềm tin của nhân dân có tăng lên.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Quốc hội và Chính phủ mới đã làm được nhiều việc, nói thẳng với dân về tình hình đất nước, kinh tế, xã hội hiện nay. Cảm giác chung của mỗi người, rằng dân chủ đã được phát huy tốt hơn. Hàng loạt chính sách về trợ cấp xã hội cũng như chăm lo cho vùng lũ lụt, những quyết sách về bảo vệ tài nguyên và môi trường nhận được sự đồng tình của dư luận. “Điều đó đã tạo được niềm tin trong nhân dân, tuy rằng đất nước đang gặp khó khăn nhưng nếu Đảng thực sự tin, dựa vào dân thì nhất định Nghị quyết Đại hội XII sẽ được thực hiện tốt”, ông Nguyễn Túc nêu ý kiến.

Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, một năm chưa phải là dài nhưng với vai trò lãnh đạo của Đảng và hành động của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, nỗ lực của địa phương và nhân dân, chúng ta đã đi được những bước quan trọng, đây chính là khởi sắc hứa hẹn những thành công của nhiệm kỳ khóa XII./.

(Theo ĐCSVN)