Mở rộng lưới điện về vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: baocongthuong.com.vn)

Ngày 7/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 102 về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Qua 8 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đã “cứu cánh” cho hơn 40 triệu lượt người, góp phần cải thiện đời sống của người dân thuộc hộ nghèo và phát triển kinh tế- xã hội ở vùng khó khăn. Và không phải bỗng nhiên, báo cáo “Bước tiến mới - Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố mới đây đã kết luận rằng, đói nghèo tại Việt Nam tiếp tục giảm; người nghèo trong các dân tộc thiểu số giảm mạnh đến 13%; số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014-2016.

Do có sự thay đổi về cơ chế, chính sách và kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102 để thực hiện việc hỗ trợ theo các chính sách khác. Nói một cách hình ảnh là Nhà nước hỗ trợ cho người dân “cần câu” thay vì “con cá” để họ chủ động, nỗ lực thoát nghèo nhanh và bền vững, không còn thụ động, trông chờ tất cả vào Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, để thoát nghèo, người dân rất cần được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi... Song hành với chính sách hỗ trợ vốn vay, Nhà nước cần tạo cho họ nguồn vốn tri thức, khoa học, công nghệ phù hợp để họ biết thay đổi tập quán canh tác, sản xuất cũ, tiếp thu được những tiến bộ của khoa học và công nghệ mới.

Nhìn rộng hơn, đó là nâng cao dân trí bằng giáo dục - đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ. Khi người dân đã nhiều nguồn vốn, họ có thể tự thoát nghèo không chỉ bằng chăn nuôi, trồng trọt truyền thống mà có thể làm du lịch, dịch vụ, phát triển nghề thủ công... - những thứ vốn rất xa lạ đối với họ trước đây nhưng mang lại nguồn thu nhập cao hơn trồng lúa, chăn nuôi nhỏ...

Người dân cũng rất cần Nhà nước đầu tư đồng bộ hệ thống “điện, đường, trường, trạm” đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và những địa bàn thực sự khó khăn. Có “điện, đường, trường, trạm” là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng với chính sách hỗ trợ “cần câu”, Nhà nước cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ khẩn cấp và trực tiếp cho người dân khi xảy ra thiên tai và những sự cố bất khả kháng.

Cuối cùng, người dân cần có một môi trường pháp luật công bằng, minh bạch để người nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương yên tâm lao động, sản xuất, góp phần thay đổi cuộc sống./.