The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Lỗ hổng pháp lý trong ký gửi nông sản
09/06/2016 - Lượt xem: 3766
Trong một tháng lại đây, ở Gia Lai đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đại lý nông sản vỡ nợ với tổng số tiền lên tới hơn 43 tỷ đồng. Hai vụ vỡ nợ này cùng hàng loạt vụ đại lý nông sản vỡ nợ trước đó có nhiều đặc điểm chung về những lỗ hổng pháp lý trong hoạt động ký gửi nông sản và những biến tướng của hoạt động tín dụng đen.

 Điêu đứng vì ký gửi nông sản bằng niềm tin
Vài ngày sau khi Đại lý nông sản Nguyệt Tỉnh, ở xã Kdang, huyện Đak Đoa tuyên bố vỡ nợ với số tiền hơn 36 tỷ đồng, hàng chục nông dân trồng hồ tiêu, cà phê trong vùng lâm vào cảnh điêu đứng. Ông Hà Văn Tư (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho biết, sau mấy niên vụ liên tiếp, gia đình ông tích lũy được khoảng 2 tấn hạt tiêu và gần 9 tấn cà phê nhân, trị giá gần 700 triệu đồng. Toàn bộ số hồ tiêu và cà phê này ông đem ký gửi ở Đại lý Nguyệt Tỉnh, do bà Nguyễn Thị Nguyệt trú tại thôn Hà Lòng 2, xã Kdang làm chủ. Là chỗ quen biết, tin tưởng nhau nên khi ký gửi ông chỉ nhận những tờ giấy viết tay hoặc phiếu giao nhận hàng do bà Nguyệt ký nhận, còn số hàng sau đó bà Nguyệt sử dụng làm gì thì ông không hề hay biết. Đến nay, khi Đại lý Nguyệt Tỉnh tuyên bố phá sản, cả gia đình ông đứng ngồi không yên vì gần như toàn bộ tài sản làm ra, tích lũy được giờ có thể mất trắng.

 Bà Nguyễn Thị Nguyệt trình báo vỡ nợ tại Công an huyện Đak Đoa. Ảnh: N.N

Bà Nguyễn Thị Nguyệt trình báo vỡ nợ tại Công an huyện Đak Đoa. Ảnh: N.N

Câu chuyện lòng tin và những lỗ hổng pháp lý trong việc vay mượn, ký gửi nông sản tiếp tục được nhắc đến trong 2 vụ vỡ nợ của Đại lý nông sản Nguyệt Tỉnh ở huyện Đak Đoa và Đại lý nông sản Kỳ Niềm ở huyện Ia Grai. Những tờ giấy ghi nợ viết bằng tay hay những hóa đơn ký gửi nông sản không quy định rõ ràng việc ký gửi vẫn được lưu hành rộng rãi. Doanh nghiệp sau khi nhận nông sản của nông dân vẫn có thể tùy ý sử dụng mà không chịu bất cứ một ràng buộc pháp lý nào. Bên cạnh đó, những cơ ngơi bề thế của doanh nghiệp khiến nông dân dễ đặt hết niềm tin, giao tài sản mà không nghĩ đến rủi ro.

“Mờ mắt” vì tín dụng “đen”

Cũng giống như nhiều vụ vỡ nợ trước đây ở Tây Nguyên, nhân tố quan trọng dẫn đến vụ vỡ nợ của Đại lý nông sản Nguyệt Tỉnh, đó là tín dụng “đen”. Bị hấp dẫn bởi lãi suất rất cao, nhiều nông dân đã chấp nhận rủi ro cho vay tiền hoặc bán nông sản xong rồi đem tiền ấy cho doanh nghiệp vay để kiếm lời. Đại lý Nguyệt Tỉnh có giao ước, bán 10 tấn cà phê nhân nhưng không lấy tiền ngay mà cho vay đến vụ sau thì được quy đổi thành 13-15 tấn. Còn nếu cho vay tiền mặt thì lãi suất những năm trước là 3-5%/tháng nhưng càng về sau, lãi càng được đẩy lên cao, bình quân 6-9%/tháng. Cá biệt, để huy động được tiền, gần đây doanh nghiệp đẩy lãi suất lên tới 3%/ngày, tức 21% mỗi tuần. Điều này đã thực sự làm mờ mắt nhiều nông dân. Theo thống kê ban đầu, số tiền mặt mà Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh vay “nóng” với lãi suất cao lên tới hơn 16 tỷ đồng. Một số người dù biết Đại lý Nguyệt Tỉnh từng vỡ nợ ở Đak Lak, bỏ sang Gia Lai kinh doanh nhưng vẫn cho vay.

Ông Dương Văn Hòa (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang) cho Đại lý Nguyệt Tỉnh vay 6 tấn hồ tiêu và 15 tấn cà phê, trị gần 1,7 tỷ đồng, cho biết: “Tôi cũng biết là Nguyệt Tỉnh từng vỡ nợ ở Đak Lak, sang bên này được bà con, họ hàng giúp đỡ gây dựng lại. Mới mấy ngày trước, nó đánh xe đến tận nhà, năn nỉ mượn tiêu. Tôi cũng tin nó đàng hoàng mới cho mượn. Ngờ đâu, được mấy hôm thì nó lại vỡ nợ. Mà vỡ nợ thật hay không thì mình đâu có biết”.

Kịch bản vỡ nợ 10 vụ như 1

Kịch bản vụ vỡ nợ của hai đại lý nông sản Nguyệt Tỉnh (huyện Đak Đoa) va Kỳ Niềm (huyện Ia Grai) xảy ra không khác gì những vụ vỡ nợ gần đây tại tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Chủ doanh nghiệp chủ động tới cơ quan chức năng trình báo phá sản chứ không bỏ trốn hay rời khỏi địa phương. Cách làm này giúp chủ doanh nghiệp không những không bị khởi tố mà còn có nơi “lánh nạn” là trụ sở UBND xã hoặc Công an huyện trong khi vụ việc được điều tra, xác minh. Ở một nơi an toàn, chủ doanh nghiệp như ngồi “chiếu trên”, có thể bình tĩnh trình báo và suy nghĩ, đưa ra cách thức trả nợ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt-Giám đốc Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh, nói về nguyên nhân vỡ nợ và cách thức trả nợ: “Kinh doanh thua lỗ nên tôi phải vay nóng, nhiều người phải vay lãi đến 3%/ngày. Vay người này đắp qua người kia, rồi mượn cà phê người này trả cho người khác. Đến cuối cùng không có tiền nữa, không mượn được nữa thì tôi lên báo chính quyền làm ăn thất bại, vỡ nợ. Giờ không có lãi nữa thì tôi làm vẫn trả nợ được. Còn giờ mà tính lãi thì tôi không trả nữa”.

Chưa rõ việc trình báo phá sản của Đại lý nông sản Nguyệt Tỉnh và Kỳ Niềm là có thật không hay đó chỉ là chiêu trò để chiếm đoạt tài sản của nông dân. Và trong khi doanh nghiệp-con nợ có thể bình tĩnh khai báo và nghĩ ra cách thức trả nợ thì chủ nợ-những người nông dân lại đứng ngồi không yên. Họ không còn cách nào hơn là chầu chực thông tin từ cơ quan chức năng và chờ những lời hứa trả nợ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đã gần chục năm nay kể từ khi làn sóng vỡ nợ ở các đại lý thu mua cà phê-nông sản lan rộng ra cả Tây Nguyên, hầu như không có mấy ai đòi được số nợ của mình. Cũng chưa từng thấy phiên tòa nào được mở ra để giúp đòi nợ cho nông dân. Những lỗ hổng pháp lý trong ký gửi cà phê-nông sản vẫn còn đó, hoạt động tín dụng đen vẫn hoành hành và những vụ vỡ nợ vẫn tiếp diễn, kéo theo hàng trăm, hàng ngàn nông dân điêu đứng.

Theo GLO

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG