The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Làm gì để giữ gìn văn hóa cồng chiêng và nghề chỉnh chiêng ở Gia Lai?
14/09/2018 - Lượt xem: 2859
Các dân tộc Tây Nguyên không làm được cồng chiêng, họ mua của người Lào nhưng họ có khả năng sử dụng cồng chiêng tuyệt vời và để âm thanh cồng chiêng phù hợp với hồn cốt dân tộc mình, các dân tộc đều có sự điều chỉnh lại âm thanh cồng chiêng.

Ở Gia Lai, hai DTTS tại chỗ Bahnar, Jrai đang sở hữu di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này, họ là chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và với họ cồng chiêng là thứ âm nhạc không thể thiếu trong các nghi lễ vòng  đời. Từ khi sinh ra đến khi chết đi, tiếng cồng chiêng thấm đẫm trong tâm thức của mỗi người. Vui thì có chiêng hân hoan chào đón ngày ra đời, ngày làm lễ thổi tai, ngày thành niên, ngày cưới, ngày mừng sức khỏe, ngày kết nghĩa anh em và buồn thì có tiếng chiêng khi ngày qua đời về với làng ma (atâu), khi lễ bỏ mả. Âm thanh cồng chiêng trong các nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng đa thần của người Jrai mang ý nghĩa kết nối với các đấng thần linh (Yang), theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai nó có vai trò giống như khói nhang của người Việt, tiếng chiêng vang lên, ngân xa là phương tiện để kết nối giữa con người với thần linh, mong cầu các Yang chứng giám và che chở, hỗ trợ, giúp đỡ mọi người trong làng, plei, bon, buôn mạnh khỏe, no đủ. Cồng chiêng còn kết nối mọi người trong cộng đồng với nhau khi vui lúc buồn, cứ nghe nhà nào, làng nào có tiếng cồng chiêng là đồng bào trong làng, bà con làng gần làng xa tìm đến hoặc để chia sẻ hoặc để chung vui. Cồng chiêng là tài sản của những gia đình khá giả trong các buôn làng từ xưa đến nay. Một bộ cồng chiêng hiện tại rẻ giá cũng 40 -50 triệu đồng, đắt cũng đến 70 - 80 triệu đồng/bộ. Một bộ chiêng đánh một thời gian âm thanh sẽ bị lệch tiếng, do vậy ở Gia Lai xuất hiện những người làm nghề chỉnh chiêng, nổi tiếng có ông Nay Phai ở huyện Ayun Pa, ông Đinh Ngót ở huyện Đak Pơ, Rơ Chăm Van ở huyện Ia Grai...

Vừa rồi, trong chuyến điền dã, khảo sát các nghề truyền thống thuộc địa bàn huyện Chư Pưh - một huyện cách thành phố 60km, 1 huyện tách ra từ huyện Chư Sê năm 2009. Huyện có 9 xã 1 thị trấn, 95% dân số là người Jrai, hỏi mấy cán bộ văn hóa thông tin huyện, các anh bảo văn hóa truyền thống của huyện mai một nhiều rồi so với cách đây chục năm trước, giờ chỉ còn vài xã, thị trấn như: thị trấn Nhơn Hòa, Ia Hrú, Ia Le, Ia Hla là còn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt. Đi một vệt làng Plei Jriêk của thị trấn Nhơn Hòa – ngôi làng được đánh giá còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai nhất huyện, tôi đếm được 3 nhà sàn đã cũ, sau mỗi nhà sàn là một nhà cấp 4 khang trang. Không còn bóng dáng kiến trúc làng truyền thống Jrai như trước đây. Làng gần 200 hộ đa phần theo đạo Công giáo, thu nhập chính từ ruộng vườn, chăn nuôi. Chị Trần Thị Thanh Thủy, cán bộ văn hóa thị trấn khoe: Đội cồng chiêng của làng vừa đạt giải nhì hội thi văn hóa các DTTS huyện năm 2018. Làng hiện có gần 100 nghệ nhân các loại hình văn hóa dân gian như dệt, đan lát, tạc tượng, làm nhà sàn nhà mồ, hát dân ca, cồng chiêng, cúng tế, múa... nghệ nhân dệt ở đây đông nhất, sản phẩm dệt đẹp nhất, năm nào cũng có giải khi các chị các bà tham gia các cuộc thi dệt của huyện, tỉnh tổ chức. Đội cồng chiêng ở đây đông nhất, ai cũng đánh giỏi, đánh hay. Các cuộc thi tỉnh, khu vực Tây Nguyên đội cồng chiêng của làng toàn được chọn tham gia và có giải. Trong cuộc trò chuyện lấy tư liệu có anh Nay Tek, anh là người dạy cồng chiêng và biết chỉnh chiêng cũ. Anh yêu nghề lắm. Anh bảo rằng khi rảnh anh đi vận động người già, người trẻ trong làng tham gia đội cồng chiêng của làng, tập luyện đánh chiêng. Những ngày bận rộn công chuyện thì thôi chứ có chút rảnh rỗi là gọi nhau tập hợp lại nhà anh tập luyện các bài chiêng. Bây giờ làng anh đang có hai đội cồng chiêng, 1 đội người lớn  và 1 đội trẻ em. Đội chiêng trẻ có 35 cháu tuổi từ 20 trở xuống, các cháu đánh rất tốt, đi thi lúc nào cũng đạt giải cao, ai xem các cháu trình diễn cũng thích thú, yêu mến. Làng hiện có 3 người truyền dạy cho đội chiêng trẻ gồm anh, nghệ nhân Rơ Lan Báo và Rơ Lan Hlơi, tuổi các anh đều 50 trở lên, tâm huyết với nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình. Làng có 2 bộ chiêng từ lâu dân làng góp tiền mua và huyện cho, giờ cũ rồi, tiếng chiêng bị lạc, vừa rồi tham gia Hội thi văn hóa các dân tộc do huyện tổ chức, đội chiêng của làng chỉ được giải nhì, không phải vì bài chiêng không hay, không phải các nghệ nhân và đội soang trình diễn không đẹp mà do tiếng chiêng không chuẩn. Cả làng ai cũng không ưng kết quả đó lắm. Nay Tek bảo đội chiêng làng mình năm nào cũng đạt giải nhất, không làng nào đánh chiêng hay bằng làng mình, từ đội hình, nghệ thuật trình diễn, bài chiêng nhưng do năm nay nó cũ quá, anh cùng các nghệ nhân chỉnh mãi cũng không chuẩn âm thanh được, tiếng chiêng vì thế mà lạc thanh, nghe không vang, không ngân, không lôi cuốn được người nghe, người xem. Anh cứ nhờ tôi xin ngành văn hóa, xin huyện cho làng anh bộ chiêng mới. Nhận lời xong thấy lo lo nhưng quyết đi xin cho làng bằng được. Việc học đánh cồng chiêng và nghề chỉnh chiêng muốn làm được phải có năng khiếu, chăm chỉ và sự yêu thích. Nhiều thanh niên làng bây giờ không thích học đánh cồng chiêng, họ thích nhạc trẻ các loại và suốt ngày cắm cúi vào các trang mạng xã hội, quên công việc và mọi người xung quanh. Nay Tek là người biết chỉnh chiêng duy nhất của làng, ông bảo nghề chỉnh chiêng cũng lắm công phu, ngoài năng khiếu thẩm âm tốt của nghệ nhân chỉnh chiêng còn đòi hỏi sự chịu khó của người làm nghề. Dạy diễn tấu cồng chiêng khó 1 thì dạy chỉnh chiêng khó mười. Với một túi dụng cụ gồm những chiếc búa nhỏ có tra cán gỗ ngắn hay thanh gỗ tròn dùng để gõ, những đòn kê, những dây thép, những chiếc đục nhỏ, những chiếc dùi bọc vải… họ sẽ dò ra bệnh của những chiếc chiêng bị lạc âm và đưa từng chiếc trở về hòa âm đúng giọng với dàn cồng chiêng của đội, có hồn có vía trở lại.

Cả tỉnh Gia Lai hiện nay nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên đây là một nghề có nguy cơ mai một rất cao. Để có những bộ cồng chiêng chuẩn âm thanh được tấu lên trong các lễ hội, các sự kiện của các buôn làng, trong các hội thi, hội diễn các cấp hàng năm, cần lắm những người truyền dạy nghề cồng chiêng như ông Nay Tek, Rmah Báo, Rah Lan HLơi, Siu Jen ở Chư Pưh, ông Ksor Hnao, Nay Thưm, Rơ Chăm Tih ở thành phố Pleiku, Rơ Chăm Hmut ở Chư Păh và cần lắm những nghệ nhân biết chữa bệnh cho cồng chiêng để cồng chiêng Tây Nguyên luôn ngân vang trầm bổng giữa đất trời cao nguyên bazan, làm đẹp hơn cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Cần lắm chính sách, chế độ cho những nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa. Cần lắm những cán bộ làm văn hóa có trình độ chuyên môn vững, tâm huyết với nghề, thương yêu bà con nghệ nhân, quý trọng những di sản văn hóa đang còn trong đời sống của đồng bào ở khắp các buôn làng Gia Lai hôm nay để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp tối ưu nhằm giữ lại được và phát triển được giá trị những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào trong đó có cồng chiêng và nghề chỉnh chiêng.

Giữa tháng 11/2018 Gia Lai sẽ tổ chức sự kiện Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”. Sau 10 năm, từ 2009 đến nay Festival Cồng chiêng quốc tế mới được tổ chức lại tại tỉnh nhà. Công tác chuẩn bị cho sự kiện lớn này đã và đang được triển khai, các nghệ nhân cồng chiêng giỏi nhất của tỉnh đã sẵn sàng cho cuộc gặp mặt trình diễn lớn này, những người yêu mến văn hóa  các dân tộc Tây Nguyên sẽ có cơ hội trải nghiệm  hòa mình trong giai điệu tuyệt vời của loại nhạc cụ độc đáo nơi đại ngàn. Ông Phan Xuân Vũ  - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Đối với Gia Lai, đây không chỉ là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đây còn là dịp để quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, phát triển, nhất là trên lĩnh vực du lịch”. Cũng trong thời điểm này, du khách sẽ được tham gia ngày hội du lịch Hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya ở huyện Chư Păh với rất nhiều hoạt động như thi diễn cồng chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian cùng ẩm thực của người địa phương là cơm lam gà nướng, rượu ghè và các hoạt động trưng bày triển lãm quảng bá văn hóa, du lịch địa phương. Làm gì để cồng chiêng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Gia Lai? Làm gì để nó có sức sống mãnh liệt trong không chỉ đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên mà còn trở thành một nguồn lợi giúp đồng bào có thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất vốn dĩ luôn khó khăn của mình trong cuộc sống hiện nay tại các buôn làng?

Thanh Hương

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG