The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Hạt gạo ơn thầy
06/09/2019 - Lượt xem: 2028
“Cứ vào ngày cuối con trăng, nghe tiếng chày giã gạo trong buôn vang lên là mình lập tức tỉnh dậy. Cái việc làm quen đã hơn chục năm nay khiến con mắt cứ đến cữ đó không sao nhắm lại được nữa...” . “Cái việc quen” mà già Y Bliu ở xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) kể với tôi-cách nay cũng đã ngót 30 năm-là thế này: Đến nhà các ông trưởng thôn, tổ trưởng tổ đoàn kết kiểm tra xem bà con đã giã đủ gạo nuôi các thầy cô trong tháng này chưa.
Đó là những năm đang chế độ bao cấp. Cán bộ, công nhân viên hành chính sự nghiệp được tiêu chuẩn 13 kg gạo mỗi tháng. Tiếng là 13 kg gạo nhưng chưa bao giờ được mua nguyên gạo; có lúc phải “độn” khoai mì, bo bo lên tới 50%. Hạt gạo những năm tháng ấy quả thật là “hạt ngọc trời”. Thế nhưng tất cả các thầy-cô giáo dạy học ở Lơ Pang đều được dân nuôi.
 
 
  Học sinh vui chơi ở điểm trường  làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang).  Ảnh: Minh Triều
Học sinh vui chơi ở điểm trường làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: Minh Triều
 
Khi những bông lúa cuối cùng trên rẫy đã được suốt cất vào kho, lễ cúng cơm mới hoàn tất cũng là lúc nhà nhà thực hiện ngay việc góp gạo nuôi thầy. Quy định cứ mỗi lao động góp 15-20 kg lúa. Nếu ai không góp lúa thì có thể thay bằng tiền. Định mức chung là thế nhưng nếu gia đình nào mất mùa thì cho 2 lao động góp một. Thóc lúa góp lại được đóng vào kho của các làng và xã. Kho thóc làng giao trưởng thôn, tổ đoàn kết quản lý; còn kho thóc xã sẽ do một cán bộ được UBND xã cử ra làm nhiệm vụ này. Hàng tháng, những người quản lý kho sẽ xuất thóc, giao cho các hộ luân phiên xay giã rồi mang đến cho các thầy cô. Cứ thầy cô dạy ở làng thì làng nuôi; dạy ở trường trung tâm xã thì xã nuôi… “Không phải mới đây đâu. Xã mình có 8 làng, làng nào cũng góp gạo nuôi thầy cô từ hồi giải phóng. Dù có năm mất mùa, dù có ngày giáp hạt thì hạt gạo nuôi thầy cô cũng chưa khi nào đứt. Nhớ thời Pháp, cả vùng Đông sông Ayun này chỉ có được 2 người nhờ lên tận Kon Tum học mà biết chữ. Sang thời Mỹ-ngụy thì chẳng có trường nào. Bây giờ nhờ cách mạng mà có thầy cô. Lũ con nít đứa nào cũng vừa cứng cái chân đã được thầy cô dỗ đi học. Bụng thương thầy cô vất vả, dân làng chỉ biết bỏ hạt gạo vào thôi”-già Bliu xúc động nói.
 
Quả là những cử chỉ đáp nghĩa thầy thật cảm động mà bấy giờ tôi chưa thấy ở đâu. Anh Blứk-một cán bộ xã Lơ Pang-cho hay, người khởi xướng việc làm đạo nghĩa này chính là già Bliu. Từ một thanh niên mù chữ, tham gia cách mạng rồi trở thành Bí thư Đảng ủy xã, hơn ai hết, ông là người thấm thía giá trị của “cái chữ cách mạng cho”. Thế nên khi đề xuất phong trào góp gạo nuôi thầy cô với xã, ông bảo: “Đây chỉ là chút lòng của bà con mình thôi. Việc đóng góp vì thế phải đi vào nếp, rõ ràng, phân minh. Để thầy cô áy náy trong bụng là không có được…”. Người không có con đi học thắc mắc thì ông bảo: “Giờ không có con đi học thì sau này có cháu. Mà không có nữa thì cũng con cháu trong làng cả. Chúng nó học được chữ, sau này cũng phục vụ chung thôi. Như Nhà nước làm con đường qua đất này, người học cái chữ để làm được nó là ai? Có phải con cháu làng này đâu! Không nên nghĩ hẹp trong bụng như thế”. Vậy là ai cũng xuôi.
 
Từ “hạt gạo ơn thầy” của Lơ Pang, phong trào đã lan rộng tới các xã khác của vùng Đông sông Ayun là Kon Chiêng, Kon Thụp, Đê Ar và Đak Trôi gồm 41 làng với khoảng 40.000 dân. Bấy giờ tất cả các xã này đều thuộc vùng III, đời sống của bà con dân tộc thiểu số rất khó khăn vì chỉ biết mỗi cây lúa rẫy, thế nhưng cái nghĩa với các thầy-cô giáo thì đâu sánh được. Điều đó sau này tôi được nghe các thầy-cô giáo kể thêm, ví dụ như dù có khó khăn thì ngày khai giảng các trường cũng có con heo; ngày 20-11 cũng có quà cho các thầy cô là… mấy con gà. Có làng, khi giáo viên chuyển trường bà con còn tổ chức liên hoan chia tay. Đặc biệt, tại làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) có một câu chuyện xúc động mà tôi còn nhớ mãi: Dù cũng đã góp gạo nuôi 2 cô giáo như các làng rồi nhưng sợ gạo rẫy không ngon, bà con đã bắt thanh niên vượt ngọn Đẹ Đọ ra thị trấn đổi lấy gạo ruộng mang về cho các cô.
 
Phong trào “Hạt gạo ơn thầy” hình như kéo dài đến những năm 2004 thì chấm dứt khi mà cuộc sống đã khá hơn, hạt gạo không còn là mối bận tâm của các thầy-cô giáo và bao nhiêu người nữa… Đã rất lâu rồi tôi chưa có dịp trở lại Lơ Pang. Già Y Bliu nghe nói đã mất. Nhớ về chuyện cũ, không hiểu sao trong tôi lại hiện lên hình ảnh người mẹ xưa đầu đội gạo, tay dắt con đến nhà các ông đồ “xin chữ”. Vẻ đẹp đó đâu ngờ lại tái sinh trên một vùng đất nắng nôi, nghèo khó vào cái thời mà hàng bao nhiêu người còn “dĩ thực vi thiên”…

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG