Ngày Âm nhạc Việt Nam không chỉ là ngày hội của giới âm nhạc mà còn với cả công chúng yêu nhạc. Nguồn: hoinhacsi.vn

 

Thực trạng lệch chuẩn trong biểu diễn âm nhạc ở bộ phận ca sĩ trẻ hiện nay

 

Trong suốt chiều dài lịch sử âm nhạc, chúng ta luôn tự hào bởi có một nền âm nhạc dân tộc vô cùng độc đáo và phong phú. Những làn điệu âm nhạc dân tộc với các loại hình như: xẩm, chèo, tuồng... đã thấm đẫm vào tâm hồn mỗi người con đất Việt. Nhưng có lẽ thời kỳ rực rỡ, đáng tự hào nhất, xuất hiện nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, sau này trở thành cột trụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại chính là thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Dường như khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã truyền cảm hứng để âm nhạc phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Dòng nhạc cách mạng mang tâm thế của dân tộc hình thành và cuộn chảy từ đó. 

Hòa bình lập lại, từ năm 1975, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới, trong dòng chảy của kinh tế thị trường, âm nhạc có sự du nhập ồ ạt của nhiều loại hình, có những lúc dòng nhạc cách mạng, dòng nhạc dân tộc tưởng chừng đã bị lấn át, nhưng những nghệ sĩ chân chính vẫn tâm huyết bám trụ bảo tồn và phát triển nền âm nhạc đặc sắc cho các thế hệ kế cận. Biết bao nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đã được đào tạo từ cái nôi văn hóa dân tộc. Trong cơ chế thị trường dù vô vàn những khó khăn nhưng những nghệ sĩ ấy vẫn bám trụ, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đem âm nhạc, đem lời ca tiếng hát bồi đắp tâm hồn và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. 

Thời kỳ hội nhập, âm nhạc có điều kiện để khoe sắc. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ được đào tạo bài bản, có tài năng, có tâm huyết và niềm say mê cống hiến, sáng tác và đem đến cho khán thính giả những sản phẩm âm nhạc chất lượng, nghiêm túc. Nhiều ca sĩ trẻ tài năng hăng say tập luyện ngày đêm, “đem chuông đi đánh xứ người” và đã đạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế đáng tự hào.  

Thế nhưng bên cạnh những nghệ sĩ, ca sĩ chân chính đó lại có không ít những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ muốn nổi tiếng nhanh, sẵn sàng làm mọi cách để "đánh bóng" tên tuổi qua những chiêu trò, scandal.... Việc trở thành nhạc sĩ, ca sĩ thời nay dễ đến nỗi người người đều có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ(?!). Có những người dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng chỉ cần có một vài sáng tác, dù là chỉ để thỏa mãn tâm sự hay hoàn cảnh cá nhân được một vài ca sĩ lăng xê,  thế là có thể trở thành nhạc sĩ... Hịện tượng những thanh niên trẻ tham gia một vài cuộc thi hát trên sóng truyền hình với các chiêu trò là chủ yếu và sau các cuộc thi, họ nghiễm nhiên khoác trên mình cái mác "ca sĩ" cũng không còn là hiếm. Có lẽ cũng vì việc trở thành ca sĩ, nhạc sĩ quá dễ dàng khiến cho số lượng nhạc sĩ, ca sĩ luôn tỉ lệ nghịch với chất lượng. Đã bao năm nay, âm nhạc Việt Nam chưa có tác phẩm đỉnh cao. Những bài ca đi cùng năm tháng hầu hết đều là những tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh.

 

Âm nhạc vốn sinh ra với thiên chức cao quý là bồi đắp tâm hồn và định hướng thẩm mỹ  cho công chúng. Trong chiến tranh, âm nhạc còn có sức lan tỏa và thu hút mãnh liệt “ Tiếng hát át tiếng bom”, tiếng hát để cổ vũ nhân dân “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”...  Thế nhưng hiện nay, các ca sĩ, nhạc sĩ, tác phẩm và show diễn thì nhiều nhưng lại không thiếu những bài hát ra đời với các ca từ đại loại như: “Tình yêu đến anh không mong đợi gì, tình yêu đi anh không hề hối tiếc…”Thà rằng anh không nhìn thấy, Yêu để rồi chia tay, Giấc mơ không phải là anh"... Với các ca từ như vậy thì không biết liệu chức năng cao quý của âm nhạc có còn?Nghịch lý là những bài hát vô nghĩa như vậy nhưng vẫn được các ca sĩ trẻ truyền nhau ngân vang, tệ hại hơn lại được giới trẻ cổ vũ và ủng hộ nhiệt tình.

Nếu như nhạc sĩ là người sáng tạo nên tác phẩm âm nhạc thì ca sĩ chính là người mang đến sức sống cho tác phẩm âm nhạc ấy. Một sáng tác có được công chúng yêu mến hay không phụ thuộc phần lớn vào tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn của ca sĩ, từ giọng hát đến phong cách, sự biểu cảm. Vì thế có lẽ không ngoa khi khẳng định, ca sĩ chính là người quyết định sự sống còn mỗi đứa con tinh thần của các nhạc sĩ. Thế nhưng thực tế hiện nay, bên cạnh các nhạc sĩ, ca sĩ đến với công chúng bằng tài năng và sức lao động nghiêm túc, với các sản phẩm âm nhạc được đầu tư công phu, chất lượng thì vẫn có không ít các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ vì thiếu hiểu biết, non nớt về nghệ thuật, luôn luôn tìm cách rút ngắn thời gian để trở thành "sao" bằng cách khoe thân, sử dụng chiêu trò, dùng công nghệ lăng-xê, tạo scandal để nổi tiếng. Họ là tác nhân chính khiến cho đời sống âm nhạc trở lên "bát nháo" và hỗn loạn. Đối với họ, âm nhạc đã trở thành "cần câu cơm" giúp họ đổi đời.

Trong xã hội hiện đại, nhạc sĩ, ca sĩ luôn được coi là những nghệ sĩ đặc biệt. Họ có một lượng công chúng hâm mộ nhất định. Chính vì vậy, mỗi lời nói, hành động, cử chỉ, phong cách, lối sống, thời trang… của những người nổi tiếng đều ít nhiều tác động và ảnh hưởng đến công chúng của mình. Trong showbiz càng nhiều những nghệ sĩ đi lên bằng chiêu trò càng có tác động và ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Trong quá trình mở cửa, hội nhập, tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế, nếu như các nhạc sĩ, ca sĩ không có trình độ, bản lĩnh, sẽ rất dễ buông mình chạy theo những thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, tạo ra các sản phẩm, hay phong cách lai căng của nước ngoài. Không chỉ học theo các nghệ sĩ nước ngoài từ đầu tóc, trang phục đến phong cách biểu diễn, nguy hiểm hơn, một số nghệ sĩ còn học theo các nghệ sĩ nước ngoài cả lối sống buông thả, chuyên tạo scandal để làm nóng tên tuổi, dẫn tới những cơn sóng ngầm trong showbiz Việt, làm băng hoại những giá trị đạo đức xã hội, khiến cho đời sống âm nhạc bị nhiễm bẩn, cán cân nghệ thuật bị lệch chuẩn. Những ca sĩ, nhạc sĩ sống bằng chiêu trò thì nổi như cồn, cát xê "trên trời". còn những nghệ sĩ chân chính thì không có cơ hội được nhiều công chúng biết đến, thậm chí, cát xê thấp đến mức khó tin...

Lối đi nào cho nghệ thuật chân chính?

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên thì nhiều. Có người đổ tại cho cơ chế thị trường. Có người lại cho rằng, hành lang pháp lý của chúng ta chưa đủ mạnh, các cơ quan chức năng chưa thực sự phát huy hết vai trò của cơ quan quản lý về văn hóa nghệ thuật. Có ý kiến lại đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan truyền thông đã cổ vũ và lăng xê, đề cao những nghệ sĩ chiêu trò. Có một thực tế là, các chương trình âm nhạc trên các sóng truyền hình và các cuộc thi âm nhạc hiện nay cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra thị trường âm nhạc hỗn loạn. Hễ cứ bật ti vi lên, chúng ta thấy hầu hết là các chương trình ca nhạc dành cho tuổi teen với những ca từ dễ dãi, ngô nghê, thậm chí có cả sự vô nghĩa và dung tục. Một số sáng tác theo xu hướng bắt chước nước ngoài một cách máy móc, lố lăng, xa rời giá trị nghệ thuật của dân tộc. Các cuộc thi âm nhạc thì cũng đề cao tính chiêu trò, lăng xê là chính.

Hiện tượng hát nhép, trang phục hở hang mấy năm gần đây có phần hạn chế khi có quy chế xử phạt của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhưng còn vấn đề nhạy cảm như gây scandal với nhiều hình thức phổ biến hiện nay thì vẫn chưa có biện pháp xử phạt cho từng trường hợp cụ thể. Phải chăng, đây cũng chính là kẽ hở trong quản lý biểu diễn để các ca sĩ tha hồ "làm mưa, làm gió"?

 

Để làm "sạch" đời sống âm nhạc và nâng cao tính thẩm mỹ cho các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ hiện nay, thiết nghĩ, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cần phải xây dựng hành lang pháp lý, xử phạt thật nghiêm minh, có sức răn đe để các sai phạm trong âm nhạc và biểu diễn âm nhạc không có cơ hội tái diễn. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các anh chị em nghệ sĩ để họ ý thức rõ ràng và ngày càng sâu sắc hơn về tài năng và nhân cách của người nghệ sĩ trong thời kỳ mới;  nâng cao nhận thức, thị hiếu âm nhạc của công chúng nói chung, kiên quyết nói "không" với các nghệ sĩ, ca sĩ đi lên bằng chiêu trò và dính líu đến scandal./.