The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Gian nan đường vào Ia Lâu
27/08/2018 - Lượt xem: 3629
Có lẽ, hiếm đoạn đường liên xã nào trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khiến người dân phải khổ sở mỗi khi qua lại như đoạn đường nối từ tỉnh lộ 665 ở ngã ba Ia Ga vào các xã Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Mặt đường liên tiếp xuất hiện những bãi lầy như mặt ruộng sau cày, có những chỗ bùn đất sâu ngập bánh xe máy, nhiều xe tải bị sa lầy buộc phải dùng tời kéo.
“Chuyến xe bão táp”
 
Chúng tôi vào Ia Lâu trên chiếc xe khách Ford Transit 16 chỗ có màu sơn trắng đã ngả vàng do bị màu đất đỏ bện chặt. Trước khi lên đường, nhiều người hiểu rõ tình hình đều khuyên tôi nên lựa chọn loại phương tiện này và căn dặn: Tuyệt đối không nên mạo hiểm đi bằng xe máy!
 
1 Đoạn đường vào xã Ia Lâu có nhiều bãi lầy khiến người dân rất vất vả khi đi lại. Ảnh: L.H
Đoạn đường vào xã Ia Lâu có nhiều bãi lầy khiến người dân rất vất vả khi đi lại. Ảnh: Lê Hòa
 
Từ ngã ba Ia Ga (hay còn gọi là ngã ba “cửa rừng”), chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục quãng đường gian khó mà nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông, báo chí đã nhắc tới. Vài trăm mét đầu tiên, đường rất dốc nhưng đã được thảm nhựa. Tiếp theo là đường đất. Những rãnh sâu trên mặt đường-lằn vết bánh các xe lớn đi qua để lại-bắt đầu hiện ra trước mắt. Xe máy cũng buộc phải lăn vào lối ấy, nếu không muốn sa lầy ngay lập tức. Trời mưa không ngớt. Đất bùn trộn với nước mưa tạo thành những bãi đất sình mịn quánh như một nồi bột khổng lồ. Thứ bột nhão ấy nhìn thì bằng phẳng nhưng hễ xe lăn đến thì nhè nhẹ nhúc nhích và “nuốt” ngập bánh xe ô tô.
 
Suốt hành trình đến Ia Lâu, thi thoảng chúng tôi bắt gặp vài chiếc xe máy lầm lũi vượt đường. Lái xe đều là nam giới, đôi chân luôn rà sẵn hai bên và gương mặt căng thẳng. Có những đoạn quá xấu, người lái xe máy phải xuống lội bùn, dắt bộ vượt bãi sình lầy. Sau chừng 1 tiếng vật lộn, xe mới thoát khỏi chặng đường gian nan ấy. Lúc ấy, tiếng nói chuyện mới bắt đầu râm ran trở lại. “Con tôi có đến 2 đứa làm ăn ở trong này, thi thoảng tôi từ Pleiku vào Ia Lâu để chăm con cho chúng nó. Khiếp quá, thời nào rồi mà còn có con đường xấu thế!”-bà Vũ Thị Thê (59 tuổi, có người thân trú tại thôn Yên Hưng, xã Ia Lâu) cảm thán.
 
Đời sống người dân chịu nhiều ảnh hưởng
 
Ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-thông tin: Đoạn đường từ ngã ba Ia Ga là cửa ngõ duy nhất dẫn vào xã Ia Lâu và Ia Piơr, nơi có khoảng 25.000 người dân làm ăn, sinh sống. Chiều dài tuyến đường tới xã Ia Lâu là 13 km. Nguyên nhân đường xuống cấp là bởi nền đất yếu và có nhiều xe tải trọng lớn chở nguyên-vật liệu, nông sản lưu thông. Trong các năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, địa phương đã thực hiện bê tông hóa 5 km đường, tập trung vào những đoạn lầy lội, khó đi nhất. Còn lại khoảng 8 km là đường đất luôn trong tình trạng lầy lội vào mùa mưa khiến việc đi lại, giao thương rất vất vả, khó khăn. Năm nay, ngay từ đầu tháng 4, khi mới xuất hiện một vài trận mưa đầu mùa, huyện đã bố trí san gạt, rải đất sét non và cấp phối tại một số điểm xung yếu để bà con đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, mưa sớm và kéo dài trong hơn 2 tháng qua đã khiến số đất gia cố thêm trở nên nhão nhoét, thành ra đường còn lầy lội hơn…
 
Một chiếc xe tải chở xi măng bị sa lầy và phải nhờ tới những chiếc xe tời giải cứu. Ảnh Lê Hòa
Một chiếc xe tải chở xi măng bị sa lầy và phải nhờ tới những chiếc xe tời giải cứu. Ảnh: Lê Hòa
 
“Năm 2016, sau nhiều trận mưa lớn kéo dài thì Ia Lâu, Ia Piơr đã bị cô lập cục bộ. Với diễn biến thời tiết như năm nay, chúng tôi rất lo nguy cơ cô lập lại tái diễn. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và cơ quan quản lý cấp trên trong việc xử lý các điểm lầy nghiêm trọng để bà con đi lại thuận tiện, an toàn hơn”-ông Tuyên chia sẻ. Hiện nay, theo khảo sát, tuyến đường từ ngã ba Ia Ga vào xã Ia Lâu đã hình thành 3 điểm lầy nghiêm trọng. Ở mỗi điểm này, nếu chẳng may xe ô tô bị sa lầy, chi phí cho mỗi lần tời kéo thành công khoảng 1-1,2 triệu đồng/xe. Đó là với khách quen, còn khách lạ, giá tời kéo có thể đội lên thành 2-3 triệu đồng cho một lần “giải cứu”. Đường xấu khiến giá xe dịch vụ chở người đi cấp cứu, cưới xin… đội lên gần gấp đôi so với ngày thường, từ 1 đếnđ1,2 triệu đồng vào mùa khô lên 1,5-2 triệu đồng vào mùa mưa.
 
Ia Lâu, Ia Piơr hiện là vùng sản xuất các loại cây lương thực, cây ngắn ngày khá lớn tại huyện Chư Prông với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Giao thông không thuận lợi khiến giá nông sản ở Ia Lâu, Ia Piơr thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. “Hiện tại đang vào mùa thu hoạch bắp. Giá thu mua bắp tươi ở Ia Lâu hiện chỉ là 2,8-3 ngàn đồng/kg, trong khi ngoài khu vực ngã ba thương lái vẫn mua dao động 4,5-5 ngàn đồng/kg. Nông dân Ia Lâu còn thêm phần thiệt thòi bởi mưa liên tục khiến không thể phơi khô nông sản để trữ”-ông Nông Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu, chia sẻ.
 
Mong Trung ương sớm triển khai dự án 
 

Ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu: “Xã hiện có trên 100 cháu đang theo học tại Trường THPT Plei Me (xã Ia Ga). Các năm trước, phụ huynh có hợp đồng với một đơn vị vận tải để đưa đón các cháu nhưng năm học 2018-2019 vì đường quá xấu nên đơn vị này không ký hợp đồng đưa đón nữa. Trong điều kiện đi lại quá khó khăn như hiện nay, sắp tới, xã sẽ phải họp phụ huynh để động viên gia đình các cháu sớm sắp xếp tìm chỗ ở nhờ, ở trọ cho con trong năm học mới”.
 

Trao đổi về chủ trương nâng cấp tuyến đường này, ông Nguyễn Anh Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Tuyến đường từ ngã ba Ia Ga đi vào các xã Ia Lâu, Ia Piơr có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế-xã hội lẫn quốc phòng-an ninh. Sau nhiều lần báo cáo, đề xuất với tỉnh và Trung ương, Chính phủ đã có văn bản thống nhất về chủ trương đầu tư cho địa phương 84 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường, trong đó bao gồm cả việc làm 2 cây cầu bê tông bắc qua suối (kinh phí 27 tỷ đồng). Con đường dự kiến làm bằng bê tông, bề rộng 5,5 m. Địa phương đã chỉ đạo ngành chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ trình lên các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. 
 
“Trước mắt, nhằm khắc phục tạm thời những điểm xuống cấp nghiêm trọng để người dân lưu thông thuận tiện hơn trong mùa mưa bão, huyện đã trích 800 triệu đồng từ ngân sách dự phòng địa phương năm 2018 giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện lên phương án san gạt, đổ đất tại những điểm hư hỏng… dọc tuyến đường. Tuy nhiên, thời tiết liên tục có mưa khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, khi thời tiết thuận lợi, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu sớm tiếp tục triển khai thi công xử lý các điểm xuống cấp trên tuyến đường này. Về lâu dài, huyện mong muốn Trung ương sớm triển khai dự án để giảm bớt khó khăn trong đi lại, giao thương cho người dân Ia Lâu, Ia Piơr”-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết.
 

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG