The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Gia Lai: Phát huy vai trò của trưởng các thôn, làng, tổ dân phố ngay tại cơ sở
03/05/2019 - Lượt xem: 2237
Trong những năm qua, hệ thống thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, cố gắng phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng giúp cấp ủy cơ sở thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những kết quả đạt được trên, phải kể đến vai trò không nhỏ của trưởng các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trưởng các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động và tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; tổ chức xây dựng và thực hiện quy chế, quy ước, hương ước của thôn, làng, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, làng, tổ dân phố; tổ chức nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Dân vận khéo”, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, tiến bộ, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội tại nơi cư trú... báo cáo kịp thời với ủy ban nhân dân cấp xã những hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, giúp hệ thống chính trị cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, việc trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa là đảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động ở thôn, làng, tổ dân phố; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ công tác còn gặp một số vấn đề khó khăn nhất định. Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ thôn, làng, tổ dân phố, việc đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố (không phải là đảng viên) không được tham gia dự họp, bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến, nhất là tham gia ý kiến vào các nghị quyết của chi bộ dẫn đến việc xây dựng nghị quyết của chi bộ không sát với tình hình thực tế; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của chi bộ đến nhân dân trên địa bàn lúng túng; khó đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; đồng thời, cấp ủy cấp trên khó nắm được tình hình cơ sở, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.  

Bên cạnh đó, trình độ học vấn, năng lực công tác của một số trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 401 đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa tốt nghiệp bậc trung học cơ sở (chiếm 18,57%); 1.953 đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm 90,46%); 1.590 đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố chưa qua đào tạo trình độ lý luận chính trị (chiếm 73,65%). Ở một số nơi, trưởng thôn, làng, tổ dân phố còn thụ động, chưa làm hết trách nhiệm khi triệu tập, chuẩn bị các nội dung hội họp. Nội dung báo cáo đánh giá ở một số thôn, làng, tổ dân phố chưa thực sự sâu sát, chưa đánh giá toàn diện được tình hình các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của khu dân cư, chưa đề xuất được những giải pháp mới phù hợp với từng địa bàn quản lý.

Một lần họp dân tại xã Yun, huyện Chư Sê. Ảnh: N.Đ

Từ vấn đề nêu trên, để thấy rằng việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, làng, tổ trưởng tổ dân phố đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc quan tâm chỉ đạo. Trong số 1.069 đồng chí trưởng thôn, làng, tổ dân phố là đảng viên (chiếm 49,5%), có 190 thôn, làng, tổ dân phố thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, làng, tổ dân phố (chiếm tỷ lệ 8,8%). Việc nhất thể hóa hai chức danh góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành triển khai các nhiệm vụ ở cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ được chi bộ chỉ đạo trực tiếp, toàn diện; các nội dung đưa ra bàn ở các kỳ sinh hoạt chi bộ ngày càng cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn. Thông qua mô hình này đã phát huy được sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở khu dân cư, giảm được đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, làng, tổ dân phố.

Ưu điểm của mô hình này là giảm được các cuộc giao ban, hội họp; phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của bí thư chi bộ, quản lý, điều hành của thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố trên tất cả các lĩnh vực ở khu dân cư một cách đồng bộ, hiệu quả. Phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân… Đồng thời, việc nhất thể hóa này góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy từ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện, phát huy vai trò nòng cốt “Đảng trong dân”. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao. Đây là một nội dung quan trọng trong tiến trình tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ cấp cơ sở. Tuy nhiên, việc nhất thể hóa, một người đảm nhiệm cả hai chức danh chủ chốt nên công việc nhiều, sức ép về thời gian rất lớn, trình độ năng lực của nhiều cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và có lộ trình phù hợp để thực hiện.

Thời gian đến, để chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, làng, tổ dân phố ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự giới thiệu bầu giữ chức vụ trưởng thôn, làng, tổ dân phố. Các cấp ủy, đặc biệt là đảng ủy xã, phường, thị trấn quan tâm lãnh đạo để bảo đảm công tác bầu cử trưởng, phó các thôn, làng, tổ dân phố đúng quy định. Công tác chuẩn bị nhân sự trưởng, phó thôn, làng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, có sự kế thừa và đổi mới; bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chung và phù hợp với đặc thù địa phương. Chú trọng công tác tuyên truyền trước và trong bầu cử, thu hút sự quan tâm, theo dõi và nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bầu cử trưởng, phó các thôn, làng, tổ dân phố. Khắc phục tình trạng cục bộ, dòng họ trong bầu cử. Lựa chọn những đảng viên có trình độ, năng lực, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư để giới thiệu bầu giữ chức vụ trưởng thôn, làng, tổ dân phố. Thực hiện có hiệu quả chủ trương khuyến khích bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, làng, tổ dân phố. Chú trọng lựa chọn và giới thiệu đảng viên là người có năng lực, trình độ, uy tín với Đảng và nhân dân, tích cực trong các hoạt động phong trào ở cơ sở để bố trí giới thiệu đảng viên ứng cử trưởng thôn, làng, tổ trưởng tổ dân phố. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ trưởng thôn, làng, tổ dân phố là đảng viên đạt tỷ lệ 70%.

Nguyễn Hoàng

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG