The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Thúc đẩy vùng sâu, vùng xa xây dựng nông thôn mới
02/03/2017 - Lượt xem: 3787
Sau 2 năm triển khai tại 25 xã thuộc 5 huyện: Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Ia Pa và Mang Yang, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã giúp hàng ngàn hộ nghèo được hưởng lợi, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, dự án vẫn còn những khó khăn nhất định.

Những kết quả đáng ghi nhận

Hai vụ lúa vừa qua, gia đình chị Ksor HJơl-Trưởng nhóm tiểu dự án sản xuất lúa và hỗ trợ dinh dưỡng buôn Jứ Ama Uôk (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) cùng 19 thành viên trong nhóm được dự án hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Chị HJơl phấn khởi khoe: “Nhờ có dự án hỗ trợ mà lúa nhà mình đạt sản lượng cao, thu về 2,5 tấn. Mấy năm trước, mình vất vả chăm sóc nhưng cũng chỉ được gần 2 tấn thôi. Vụ tới, dự án không còn hỗ trợ nữa nhưng mình vẫn làm theo phương pháp như đã được hướng dẫn”.
 

  Tiểu dự án sản xuất lúa lai ở huyện Ia Pa đạt hiệu quả cao. Ảnh. Đ.Y
Tiểu dự án sản xuất lúa lai ở huyện Ia Pa đạt hiệu quả cao.

Hướng dẫn viên cộng đồng Nguyễn Thị Út Hằng-phụ trách xã Ia Broăi (Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa), cho biết: “Lâu nay, bà con trồng lúa lai nhưng vẫn làm theo cách truyền thống, sạ dày, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc. Do vậy, năng suất lúa đạt thấp, lại hay bị sâu bệnh. Từ khi dự án hỗ trợ giống, rồi tập huấn kỹ thuật theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng”, từ chỗ sạ 25-28 kg lúa giống/sào, bà con đã giảm xuống còn 15-17 kg/sào. Bà con còn biết áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc theo từng chu kỳ phát triển của cây lúa, nhờ thế mà năng suất đạt hơn 5-6 tạ/sào”.

Bên cạnh đó, các nhóm tiểu dự án sinh kế trồng bắp lai, cải tạo vườn hộ trồng rau, nuôi gà, chăn nuôi dê, heo lai đen địa phương và bò lai sinh sản... cũng mang lại nhiều kết quả. Nhìn lại 2 năm dự án hỗ trợ triển khai các nhóm tiểu dự án sinh kế, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh-cán bộ sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, nói: “Những hộ hưởng lợi từ dự án giờ đây phần nào đã biết chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho gia đình và làm chủ được cuộc sống. Ngoài ra, việc thành lập các tổ, nhóm tiểu dự án sinh kế là cơ sở để tổ chức sản xuất, hình thành nên các tổ hợp tác, góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng với đó, dự án còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên để cùng nhau phát triển kinh tế, hướng đến thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu”.

Song song với việc hỗ trợ phát triển sinh kế, dự án còn thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng hưởng lợi. Trong 2 năm (2015 và 2016), 70 công trình (thuộc hợp phần 1: Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn làng) và 10 công trình (thuộc hợp phần 3: Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện) đã được triển khai. Ông  Trương Văn Cương-cán bộ đấu thầu Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, cho biết: “Các công trình này đã góp phần làm thay đổi từng ngày bộ mặt nông thôn ở địa phương. Người dân vùng hưởng lợi đã rút ngắn được khoảng cách đi lại. Việc sinh hoạt, giao thương buôn bán đã thuận lợi hơn nhiều”.

Đi trên con đường bê tông phẳng lì liên xã vùng dự án Ia Mlah và Đất Bằng, anh Rcom Kao (buôn Ơi Khẳm, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cho biết: “Tôi và người dân trong buôn hết sức vui mừng vì từ khi dự án hỗ trợ làm con đường dài hơn 2,5 km với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng đã giúp việc chuyên chở hàng hóa, thu hoạch mùa vụ thêm thuận lợi. Hơn nữa, con đường này kết nối tới tỉnh Phú Yên, mở ra nhiều cơ hội giao thương buôn bán cho người dân trong vùng”.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các hợp phần

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án còn gặp không ít khó khăn, nhất là công tác nhân sự có sự biến động, thời tiết mưa kéo dài cuối năm 2016 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Một số tiểu dự án như chăn nuôi dê chưa đạt kết quả vì thời tiết mưa và lạnh nên nhiều dê con mới sinh bị chết; tiểu dự án trồng gừng đến thời điểm thu hoạch do nguyên nhân khách quan, giá gừng xuống thấp khiến những thành viên tham gia nhóm lo lắng. Một số tiểu dự án nuôi bò sinh sản ở huyện Mang Yang có tỷ lệ bò đẻ đạt thấp so với kế hoạch. Việc chọn một số nhà thầu năng lực còn hạn chế dẫn đến việc triển khai thi công bị ảnh hưởng. Nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực thực hiện từ Ban Quản lý tỉnh đến Ban Quản lý huyện, các Ban Phát triển xã đã đoàn kết, đồng lòng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án đến đối tượng hưởng lợi. Nhờ đó, người dân đã hiểu được ý nghĩa thiết thực của dự án, tự nguyện tham gia và góp phần thực hiện dự án có hiệu quả.

Theo kế hoạch, năm 2017, Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ 4 hợp phần của dự án, nhất là hợp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản và các hợp phần truyền thông; thực hiện 40% khối lượng công việc còn lại của dự án với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện mới 90 công trình, 141 hoạt động vận hành bảo trì, 253 tiểu dự án sinh kế và 1 liên kết đối tác với 22 nhóm LEG.

Krông Pa là huyện được hưởng lợi từ dự án thực hiện các hợp phần đạt hiệu quả cao nhất trong 5 địa phương. Ông Lê Minh Thuyết-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Krông Pa, chia sẻ: “Trong 2 năm vừa qua, ngoài các hoạt động sinh kế, các công trình cơ sở hạ tầng cũng đã phần nào giúp người dân giảm được khó khăn trong việc đi lại, gián tiếp tác động đến việc nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó, góp phần giúp chính quyền thực hiện hiệu quả hơn chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương”.

Sau 2 năm Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai các hợp phần trên địa bàn 25 xã thuộc 5 huyện nghèo của tỉnh, các tiểu dự án cơ bản hoàn thành tiến độ, mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp hàng ngàn hộ hưởng lợi có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tính riêng trong năm 2016, các hoạt động sinh kế đã triển khai thực hiện được 163 tiểu dự án sinh kế; trong phát triển cơ sở hạ tầng đã thực hiện được 42 công trình cấp xã và thôn-buôn cùng 5 công trình kết nối cấp huyện, tiến độ giải ngân đạt 82,75% kế hoạch.

 

* Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai: Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên nhằm tạo cơ hội và góp thêm nguồn lực để tỉnh tập trung triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại vùng dự án. Cụ thể, dự án hỗ trợ kinh phí để cải thiện điều kiện sinh hoạt, tăng cường cơ hội tiếp cận dịch vụ và tạo việc làm cho người dân vùng dự án; tăng tự chủ về sinh kế thông qua củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng, đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa của các loại hình sinh kế, kết nối thị trường để cải thiện thu nhập bền vững cho người dân… Đây được xem là cơ hội mở ra triển vọng trong việc triển khai một số giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Khi dự án kết thúc, các hộ nghèo thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững.

* Ông Lê Hồng Tân-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Kông Chro: 2 năm qua, huyện Kông Chro được hỗ trợ xây dựng 13 công trình hạ tầng với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng cùng 34 nhóm tiểu dự án sinh kế với 6.307 hộ được hưởng lợi. Với sự tích cực bám sát cơ sở, không ngừng tăng cường giám sát, tư vấn, hướng dẫn của cán bộ dự án, các hợp phần được thực hiện đạt kết quả tốt. Đặc biệt là đối với các nhóm tiểu dự án sinh kế, bên cạnh nâng cao nhận thức, năng lực sản xuất, các nhóm còn giúp hộ tham gia nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng được đầu tư trên địa bàn huyện đã góp phần kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và các loại nông sản. 

* Ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Kon Pne (huyện Kbang): 2 năm qua, xã Kon Pne nhận được nhiều sự hỗ trợ từ dự án với số hộ hưởng lợi lớn. Qua triển khai, năng suất các loại cây trồng của các thành viên tham gia dự án đạt cao hơn năng suất trung bình của xã, nhất là cây lúa nước. Điều đáng mừng là việc thực hiện dự án đã góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, năng lực sản xuất, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Theo đó, nhiều hộ không được dự án hỗ trợ nhưng sau khi thấy năng suất, chất lượng các loại cây trồng thực hiện theo nhóm LEG cao đã tự bỏ kinh phí làm theo. Điều này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 46,07% năm 2014 xuống còn 35,22% năm 2016.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG