Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi)
(Ảnh: quochoi.vn)

Sửa đổi 92/182 điều

Chiều 7/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Về tên gọi của dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, dự án Luật có phạm vi sửa đổi và tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS). Tuy nhiên, do phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 01 mục, 04 điều), thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (bổ sung 01 chương, 07 mục), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Do vậy, Chính phủ đề nghị và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho đổi tên gọi của dự án Luật là Luật THAHS (sửa đổi).

Dự thảo Luật có 232 điều, được quy định thành 6 chương.

So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, tập trung vào 03 nhóm nội dung: những nội dung sửa đổi để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân; những nội dung sửa đổi bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan; những nội dung sửa đổi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác về tư pháp, bảo đảm thực thi các phán quyết của Tòa án trên thực tế. Đây cũng là dự án luật có tính chất rất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ phải đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của các chủ thể mà còn phải quy định chi tiết trình tự, thủ tục thi hành từng loại hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Do đó, bên cạnh yêu cầu khẩn trương thì việc ban hành Luật rất cần bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Bà Lê Thị Nga cũng cho hay, theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 thì Quốc hội quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Tuy nhiên, phải sau hơn 1 năm, cho đến ngày 22/8/2018, Chính phủ mới đề xuất thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi từ luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang dự án luật sửa đổi toàn diện.

Theo đánh giá, việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự luật sẽ đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề. Việc Chính phủ để đến thời điểm dự thảo Luật trình UBTVQH mới đề xuất thay đổi phạm vi, tên gọi của dự thảo Luật cho thấy sự bị động trong việc chuẩn bị dự án Luật và chưa đánh giá được đầy đủ những yêu cầu của việc sửa đổi toàn diện dự án luật. Đồng thời, việc thay đổi gấp như vậy cũng dẫn đến bị động, khó khăn cho Ủy ban Tư pháp trong việc thẩm tra. “Trường hợp Quốc hội chấp nhận Tờ trình của Chính phủ về thay đổi tên gọi, phạm vi sửa đổi của dự án luật thì đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thông qua dự thảo Luật” - Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói thêm, đối với 1 dự án luật sửa đổi toàn diện và có tính chất phức tạp như đã nêu, cần có thời gian tương xứng cho việc nghiên cứu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và đủ thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận.

Ủy ban Tư pháp thấy rằng, nếu tiến hành theo quy trình tại 02 kỳ họp, trong khi dự luật chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chưa bảo đảm tính khả thi thì các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tư pháp cũng không có đủ thời gian cần thiết để thảo luận, hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, nhất là đối với những vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.

Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cho xem xét, thông qua dự án luật theo quy trình tại 03 kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân

Một trong những nội dung đáng chú ý là Dự thảo luật đã bổ sung quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

Thẩm tra dự luật, nhiều ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định nói trên vì cho rằng, cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động. Để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này thì hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam. Quy định này đã được thực hiện ổn định, hiệu quả từ trước đến nay, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn trong công tác giam giữ, cải tạo.

Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với dự luật và cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết việc làm, tiếp xúc xã hội cho phạm nhân. Qua đó, nâng cao hiệu quả lao động cũng như ý nghĩa giáo dục thiết thực đối với phạm nhân. Tuy nhiên, ý kiến này cũng cho rằng, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhất là việc trích xuất, tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đi lao động hàng ngày.

Về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp, dự thảo luật đã bổ sung Điều 27 quy định 09 nhóm quyền của phạm nhân được đảm bảo và 01 nhóm quyền mang tính nguyên tắc.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng đối với người chấp hành án tù, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường ngoài xã hội. Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu nhất (như quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể; quyền bảo đảm chế đội ăn, mặc, ở, thăm gặp gia đình….) cần phải bảo đảm thực hiện tốt thì một số quyền khác (như: quyền được kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng…) đối với người chấp hành án phạt tù còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước. Vì vậy, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.

Một số ý kiến khác tán thành với nội dung nhưng không tán thành với quy định chung chung mang tính nguyên tắc tại dự luật. Ý kiến này cho rằng, việc quy định như dự luật chưa thể hiện rõ việc hạn chế quyền phạm nhân, chưa khắc phục được những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác thi hành án phạt tù…

Dự thảo Luật THAHS (sửa đổi) sẽ được thảo luận ở tổ vào chiều ngày 12/11 và thảo luận tại hội trường vào sáng ngày 19/11./.