The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Đak Đoa: Người dân chung tay làm đường giao thông
16/11/2018 - Lượt xem: 5636
Trong xây dựng nông thôn mới, giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần thực hiện các tiêu chí khác. Tại một số xã trên địa bàn huyện Đak Đoa, dù tiêu chí này đã đạt được nhưng người dân, đặc biệt là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn tự nguyện đóng góp công sức, tiền của với quyết tâm bê tông hóa toàn bộ đường làng cho thật khang trang, sạch đẹp.
Brọch 1 là ngôi làng đi đầu của xã A Dơk trong việc huy động sức dân để bê tông hóa các đoạn đường giao thông nội thôn. Theo Trưởng thôn Hnhứ, làng Brọch 1 có 160 hộ với 660 khẩu, phần lớn là người Bahnar. Tuy đời sống của bà con nơi đây không mấy khá giả nhưng khi được tuyên truyền, vận động đóng góp để nâng cấp, sửa chữa đường làng, tất thảy đều đồng ý mà không hề thắc mắc hay có ý kiến trái chiều. “Chúng tôi tổ chức họp dân, bình xét để phân loại hộ giàu, khá, trung bình và hộ nghèo để làm cơ sở phân chia số tiền mỗi hộ phải đóng góp. Với gần 500 m đường thuộc 2 con đường nội làng, hộ nào giàu thì góp ít nhất 3 triệu đồng, hộ khá 2,5 triệu đồng, hộ trung bình 2 triệu đồng, còn hộ nghèo thì 1 triệu đồng hoặc không có tiền thì góp ngày công. Kết quả, tổng số tiền bà con góp vào để đổ bê tông đường được hơn 300 triệu đồng”-ông Hnhứ cho biết.
 
 
  Người dân làng Brọch 1 (xã A Dơk) tập kết vật liệu để chuẩn bị đổ bê tông cho con đường làng. Ảnh: H.T
Người dân làng Brọch 1 (xã A Dơk) tập kết vật liệu để chuẩn bị đổ bê tông cho con đường làng. Ảnh: H.T
 
Các con đường của làng Brọch 1 đã được người dân nơi đây thi công hơn 50% theo đúng quy chuẩn với mặt đường rộng 3 m, dày 16 cm, hai bên có rãnh thoát nước và lề đường. Hiện tại, vì đang vào vụ thu hoạch cà phê nên dân làng tạm thời tập kết vật liệu và chờ ngày hái cà phê xong sẽ tập trung hoàn thiện đoạn đường còn lại vào cuối năm nay. Ông Bim-một hộ dân của làng, phấn khởi chia sẻ: “Gia đình mình đóng góp 2 triệu đồng và 4 ngày công cùng với dân làng để làm xong 300 m đường, sắp tới sẽ là đoạn trước nhà mình. Dân làng ai cũng ủng hộ và tự nguyện đóng góp tiền và ngày công để đường làng sạch đẹp, dễ đi hơn, có mưa cũng không sợ trơn trượt khi đi lại hay vận chuyển nông sản nữa”. Học tập làng Brọch 1, người dân các làng: A Dơk Kông, Blo, Djrông (xã A Dơk) cũng quyết tâm sẽ bê tông hóa các con đường nội làng vào cuối năm 2018, đầu năm 2019.
 
Tại xã Glar, những năm gần đây, hoạt động này đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa khắp 10 ngôi làng Bahnar trên địa bàn. Ông Nguyễn Kim Anh-Chủ tịch UBND xã Glar-cho hay: Ngoài các con đường do Nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con đã chủ động đóng góp kinh phí, ngày công để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường đất cấp phối thành đường bê tông kiên cố. Tùy vào tổng số hộ và chiều dài đoạn đường mà mỗi làng có các khoản đóng góp khác nhau. Tất cả các khâu đều do người dân tự làm, chính quyền xã chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật nếu cần. Năm 2017, bà con đã tự làm được khoảng 2,2 km đường tại các làng Klă, Groi 2, Dô 1, Bối và hiện đang triển khai đổ bê tông gần 2 km tại các làng Dur, Bối, Ktu, Dô 1. Riêng làng Dơk Rơng và làng Groi 2 đã bê tông hóa 100% các tuyến đường. “Cái hay của đồng bào dân tộc thiểu số là đề cao tính cộng đồng, một khi cả làng đã đồng thuận thì việc gì cũng làm rất nhanh. Trong vấn đề làm đường, tất cả các hộ trong làng đều đóng góp tiền và bỏ ngày công để cùng thực hiện dù cho đoạn đường đó có đi qua nhà mình hay không. Số tiền đóng góp của từng hộ cũng được làng chia ra tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình”-ông Anh cho biết.
 
Một cách làm khá hay nữa của người dân nơi đây là dùng nguồn quỹ chung của làng để tạm ứng mua vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các con đường trước khi bà con đóng góp đủ kinh phí, hoặc trích một phần quỹ hỗ trợ thêm vào khoản đóng góp của các hộ dân. Nguồn quỹ này có được là nhờ vào việc canh tác cà phê trên đất chung của làng. Theo đó, các hộ trong làng sẽ chia thành từng nhóm để quản lý, chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, sau khi bán sản phẩm, toàn bộ kinh phí thu được sẽ nhập về quỹ của làng để phục vụ những việc chung. Chính cách làm sáng tạo ấy đã hạn chế được việc huy động sự đóng góp của dân trong làm đường giao thông nông thôn nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung ở địa phương.
 
Ông Nguyễn Xuân Giang-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa cho hay: “Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã làm được 37,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 6,7 km (100% bằng bê tông xi măng) do người dân các xã tự góp công, góp của với tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng. Những địa phương đi đầu gồm xã A Dơk, Glar, Kdang, Ia Pết… Thậm chí, một số thôn, làng khó khăn cũng tự nguyện bỏ tiền, ngày công để làm và tự bảo quản công trình. Điều này đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi giữa các địa phương với nhau, góp phần không nhỏ trong việc cải tạo bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện”.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG