The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Chư Pưh: Tìm cây trồng thay thế hồ tiêu
19/04/2019 - Lượt xem: 2098
Trước tình hình cây hồ tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh, giá cả lao dốc, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.
“3 nhà” cùng vào cuộc
 
Theo ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Pưh, thời gian qua, toàn huyện đã phát triển được hơn 2.840 ha hồ tiêu, vượt xa so với quy hoạch của địa phương. Do thời tiết bất lợi, kỹ thuật chăm sóc chưa phù hợp, nhiều diện tích hồ tiêu đã bị chết hàng loạt. Đến nay, toàn huyện có 982 ha hồ tiêu bị chết, trong đó, riêng từ năm 2018 đến nay là 136 ha. Nhiều người dân lâm vào tình cảnh nợ nần, phải bỏ xứ đi làm ăn xa.
 
Trước thực trạng này, từ ngày 5 đến 13-4, UBND huyện Chư Pưh đã tổ chức 8 buổi hội thảo tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với sự tham gia của ngành chức năng, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân 9 xã, thị trấn trên địa bàn. Đây được coi là sự vào cuộc kịp thời của địa phương nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay để nông dân tiếp tục bám vườn rẫy, khôi phục sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định. Ông Huỳnh Minh Thuận-Bí thư Huyện ủy Chư Pưh-cho biết: “Khủng hoảng hồ tiêu hiện nay là bài học cho chúng ta để nhìn nhận lại vấn đề định hướng, vai trò điều tiết, kết nối và sự cần thiết phải đổi mới”.
 
  Sau khi chuyển diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng chuối mốc, gia đình  anh Nay Kroaih (thôn Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đã có nguồn thu  hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: LÊ TRANG
Sau khi chuyển diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng chuối mốc, gia đình anh Nay Kroaih (thôn Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Lê Trang
 

Theo nhận định của một số chuyên gia, giá hồ tiêu chưa thể hồi phục ngay trong thời gian tới. Bên cạnh đó, diện tích hồ tiêu hiện vẫn vượt xa so với quy hoạch. Do vậy, xác định lại cơ cấu cây trồng, tái sử dụng quỹ đất trống sau khi hồ tiêu chết là việc làm cần thiết. “Khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay là thiếu vốn để tái đầu tư, thiếu kỹ thuật canh tác mới. Nếu không cải tổ cách làm thì chúng ta rất dễ lặp lại vết xe đổ và rất có thể lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác. Thiết nghĩ, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, sự đồng hành của doanh nghiệp và đặc biệt là sự nỗ lực từ người dân”-ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-nêu quan điểm.

 
Liên kết sản xuất-tiêu thụ
 
Tại các cuộc hội thảo, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân đã giới thiệu một số mô hình sản xuất nông nghiệp có triển vọng phát triển, nhất là các mô hình xen canh cây ăn quả, cây dược liệu, cây lương thực ngắn ngày... phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Chư Pưh, sản phẩm làm ra gắn với thị trường tiêu thụ. “Từ các mô hình này, huyện sẽ đánh giá, đề xuất phát triển ở quy mô phù hợp. Trong đó, phải tính toán đến yếu tố đầu ra của sản phẩm”-Bí thư Huyện ủy Chư Pưh nói.
 
Xã Ia Rong là địa phương có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới chuyển đổi bước đầu đem lại hiệu quả như: mô hình trồng cam sành, chanh dây, chuối, chanh tứ quý… Theo ông Trương Ngọc Anh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rong: Hồ tiêu chết để lại gánh nặng cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn. Nếu không can thiệp kịp thời, hậu quả sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. “Xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ nay đến năm 2025 sẽ chuyển đổi hơn 155 ha đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm… Việc chuyển đổi sẽ không phá vỡ quy hoạch sản xuất chung và đảm bảo gắn với thị trường tiêu thụ. Hướng đi này được người dân tán thành”-ông Trương Ngọc Anh cho biết.
 
Về phía người nông dân, nhiều hộ đã nhạy bén chuyển đổi cây trồng và vượt qua khó khăn sau khi hồ tiêu bị chết. Ông Đỗ Văn Quyết (thôn Teng Nong, xã Ia Rong) chia sẻ: “Tôi từng trồng 2 ha hồ tiêu nhưng bị chết sạch chỉ trong vài năm. Qua tìm hiểu tình hình, năm 2016, tôi quyết định chuyển hướng qua trồng cam, quýt đường, bưởi da xanh. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình đã cho thu hoạch. Năm 2018, trung bình mỗi cây quýt đường cho thu nhập 130 ngàn đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới khi cây đi vào chu kỳ cho năng suất cao hơn”.
 
Về đầu ra cho sản phẩm, một xu hướng mới đang được quan tâm hiện nay là việc hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới với vai trò tập hợp, liên kết sản xuất-tiêu thụ. Ông Trần Văn Công-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS, đơn vị tham gia tư vấn tại hội thảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại xã Ia Rong-thông tin: “Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS kết nối những thành viên làm nông nghiệp hữu cơ an toàn, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ các thành viên quảng bá sản phẩm nông nghiệp bằng cách tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ nông nghiệp, kết nối với các sàn thương mại điện tử. Tham gia mô hình này, nông dân buộc phải nâng cao kỹ thuật sản xuất để đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đổi lại, giá trị sản phẩm và hiệu quả thu được sẽ tốt hơn và quan trọng là đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất khi gắn với thị trường tiêu thụ”. Trên thực tế, hợp tác xã này đã xây dựng được một số chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: chanh dây, chanh không hạt, măng tây, bơ… tại địa phương. Bên cạnh đó, trên địa bàn đã có một số doanh nghiệp tham gia ký kết đầu tư như: Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đầu tư trồng chanh dây, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang đầu tư trồng dâu nuôi tằm, Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân (tỉnh Đak Lak) đầu tư phát triển vùng trồng nhãn Hương Chi…
 
Bí thư Huyện ủy Huỳnh Minh Thuận khẳng định: Trong thời buổi hiện nay, phát triển nông nghiệp theo phong trào, không có sự kết nối cung-cầu thì rất khó thành công. Khi nông dân sản xuất có liên kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư thì không chỉ bài toán thiếu vốn được giải quyết mà còn đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nhờ gắn với thị trường tiêu thụ. Nhưng để làm được điều đó, nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, trong chuỗi liên kết đó phải có sự tham gia quản lý, giám sát và điều phối từ chính quyền và cơ quan chức năng địa phương nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
 

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG