The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Cam kết xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
09/11/2014 - Lượt xem: 2580
Trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đã được Đảng ta xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm, trong đó nhà nước pháp quyền đòi hỏi tính tối thượng của pháp luật, mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 2014, đồng chí Hà Hùng Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về ý nghĩa quan trọng của Ngày này trong việc triển khai thi hành Hiến pháp và góp phần thiết thực đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống.

 

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Ngày Pháp luật 2014 có ý nghĩa rất
quan trọng trong triển khai thi hành Hiến pháp và góp phần thiết thực đưa Hiến
pháp, pháp luật vào cuộc sống. (Ảnh: TH)


PV: Đây là năm thứ hai triển khai Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước và là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam năm 2013. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc thực hiện Ngày Pháp luật năm 2014 với chủ đề “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đối với đời sống nhân dân?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Năm 2013, năm đầu tiên Luật phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ công bố. Qua theo dõi chung của Bộ Tư pháp có thể thấy rằng việc tổ chức lần đầu tiên Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội nói riêng, ý thức chấp hành Hiến pháp, pháp luật nói chung trong xã hội. Từ góc độ đối ngoại, việc tổ chức tốt Ngày Pháp luật cũng đã góp phần gửi một thông điệp đến bạn bè thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài và mỗi người dân, về cam kết xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta, góp phần củng cố và tạo lập hình ảnh của nước Việt Nam luôn thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Ngày Pháp luật năm 2014 được tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực triển khai thi hành Hiến pháp với nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề được Trung ương Đảng, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm rất lớn. Chính vì vậy, với chủ đề: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp nối những kết quả, sức lan tỏa của Ngày Pháp luật năm 2013 và kết quả 01 năm triển khai thi hành Hiến pháp mà còn góp phần thiết thực đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống. Đối với người dân, với nhận thức Hiến pháp, pháp luật thực sự là của mình, do mình làm ra, do mình tổ chức thực hiện, là công cụ bảo vệ cuộc sống an toàn, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, tôi cho rằng Ngày Pháp luật cũng là dịp để mỗi người dân thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, đề cao trách nhiệm và bổn phận công dân của mình trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, phê phán, loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm thiết lập kỷ cương văn minh của xã hội ngay từ trong nếp nghĩ, cách sống của mỗi công dân, mỗi gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình thực thi Hiến pháp và pháp luật hiện nay?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Có thể thấy rằng, sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có những tiến bộ quan trọng. Trên cơ sở Hiến pháp, nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, ý thức chấp hành pháp luật nói riêng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong cuộc sống còn nhiều trường hợp pháp luật chưa thực sự được đề cao, hiện tượng “vô luật”, “nhờn luật” còn khá phổ biến; có lúc, có nơi ngay cả những người thực thi công vụ cũng còn chưa tuân thủ pháp luật, thậm chí coi thường pháp luật; tình trạng văn bản pháp luật bị vi phạm nhiều nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và giảm niềm tin của Nhân dân vào sự tôn nghiêm, công bằng của pháp luật. Những tồn tại, hạn chế này dường như là nghịch lý so với đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, cùng với việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Ngày Pháp luật được Quốc hội đề ra cũng chính là để góp phần thực hiện mục tiêu này.

PV: Vậy cùng với việc tổ chức Ngày pháp luật, theo đồng chí cần có những giải pháp gì nữa để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật, thời gian qua Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước; kịp thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật để bảo đảm việc triển khai áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt là từ phía các cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, ngày 15/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg về việc thành lập Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp. Việc thành lập, đưa Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đi vào hoạt động được coi là bước đột phá để góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc từng bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Về lâu dài, để bảo đảm sự gắn kết giữa công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, góp phần đưa văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống xã hội, khắc phục tình trạng thực thi pháp luật không thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 này đã bổ sung một chương để quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và pháp luật? Để Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên nói chung và phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp nói riêng, cần phải tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh các nội dung gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Như chúng ta đều biết, báo chí truyền thông là hoạt động rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, báo chí là công cụ đắc lực để tuyên truyền, vận động nhân dân, từ đó đã đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với các giai tầng xã hội, cổ vũ, động viên, góp phần làm cho chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương (khóa X) tháng 7/2007 “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” đã nhấn mạnh “Đối với báo chí, cần nhấn mạnh, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân”. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi mục tiêu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đã được Đảng ta xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm, trong đó nhà nước pháp quyền đòi hỏi tính tối thượng của pháp luật, mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thì yêu cầu, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong đó có báo chí truyền thông nói riêng càng được nhấn mạnh đặc biệt.

Đối với công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nói chung và công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội ban hành đã có riêng một điều (Điều 14) quy định về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, tôi đánh giá báo chí là lực lượng quan trọng, đi đầu trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và pháp luật, nhất là trong việc xây dựng và tạo dựng lối sống tích cực, có trách nhiệm, có hành vi, ứng xử phù hợp với pháp luật, tự giác tuân thủ pháp luật, hình thành văn hóa pháp luật cho nhân dân. Đây là một công việc thường xuyên mà bất cứ xã hội nào, bất cứ giai đoạn phát triển nào trong sự phát triển của xã hội hiện đại cũng phải quan tâm thực hiện. Đồng thời, đây cũng là điểm mấu chốt, là mục tiêu cao nhất mà công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng đến.

Để Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường niên, qua đó góp phần phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp, pháp luật, giáo dục tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tôi xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, hoạt động truyền thông của báo chí nói riêng cần phải tập trung và các nội dung cụ thể như sau:

Một là, trước mắt tập trung tuyên truyền bằng các hình thức phong phú, cụ thể về mục đích, ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của Ngày Pháp luật năm 2014, trong đó có Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được phát động tối ngày 6/11 vừa qua, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng tích cực trong nhân dân; vận động, khuyến khích để các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật và tham gia Cuộc thi, để cuộc thi thực sự trở thành một diễn đàn quy tụ các giai tầng trong toàn xã hội cùng tham gia, bồi đắp thêm kiến thức, hiểu biết về Hiến pháp nói riêng, pháp luật nói chung.

Hai là, quán triệt, triển khai, phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp, tích cực đưa các quy định của Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Là diễn đàn của nhân dân, tôi cho rằng báo chí cần phát huy tốt hơn nữa vai trò “đường dẫn hai chiều” giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, nghĩa là không chỉ đưa pháp luật vào đời sống mà báo chí ngày càng cần đưa nhiều hơn, kịp thời hơn cuộc sống vào pháp luật, làm sao để nhân dân, nhất là bạn đọc của mỗi báo, tạp chí ngày càng mong muốn và có thể tin cậy gửi gắm qua báo chí những đóng góp tâm huyết, xây dựng của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả khi đó là ý kiến chưa thuận tình, mang tính phản biện xã hội, phản biện khoa học cao đối với chính sách còn trong dự thảo lẫn sau khi đã được ban hành, đang gặp những vướng mắc, bất cập khi đi vào thực tiễn. Thời gian qua, từ thực tiễn hoạt động của ngành Tư pháp, tôi rất hoan nghênh một số báo chí đã phát hiện, hỗ trợ Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác phát hiện và nhanh chóng điều chỉnh lại, khắc phục những quy định có sai sót, chưa phù hợp cuộc sống, tính khả thi thấp. Cùng với việc Hiến pháp năm 2013 quy định rõ Chính phủ là cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm đề xuất, soạn thảo trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật và chế độ định kỳ báo cáo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ về các vấn đề quan trọng thuộc quyền hạn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng thì vai trò đồng hành, giám sát và phản biện của báo chí lại càng quan trọng, giúp Chính phủ và cả hệ thống các cơ quan nhà nước phản ứng mau lẹ với các đòi hỏi của thực tiễn.

Ba là, tích cực biểu dương, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nghiêm túc, đồng thời, thẳng thắn phê phán những biểu hiện sai trái, lệch lạc, coi thường Hiến pháp, pháp luật. Qua đó, huy động sự tham gia đông đảo của toàn xã hội vào việc bảo vệ, thi hành Hiến pháp, pháp luật, trong đó chú trọng, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG