Anh bat dau tien trinh dam phan gia nhap Hiep dinh CPTPP hinh anh 1
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/6, Anh bắt đầu đàm phán để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), như một phần trong chiến lược xoay trục khỏi châu Âu hậu Brexit và hướng tới các nền kinh tế xa hơn về mặt địa lý nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Tư cách thành viên CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ."

Ông khẳng định đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng nhận định: "Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi mang lại cơ hội lớn nhất cho Anh. Chúng tôi rời Liên minh châu Âu (EU) với cam kết tăng cường liên kết với các đồng minh cũ và các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh ngoài châu Âu... Đó là một kết quả quan trọng hậu Brexit mà tôi muốn chúng tôi đạt được."

Với CPTPP, Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà London đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP.

Theo Bộ Thương mại Anh, việc nước này tham gia CPTPP sẽ củng cố sự đồng thuận quốc tế nhằm chống lại hoạt động thương mại không công bằng như chủ nghĩa bảo hộ, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài do hiệp định có quy định chặt chẽ nhằm chống lại các hành vi như vậy.

Ngoài ra, việc tham gia CPTPP cũng sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ô tô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan, cùng với đó là khả năng mở rộng thị trường mới cho một mặt hàng thực phẩm như thịt bò và thịt cừu.

Ngoài ra, nước này sẽ được mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp.

Trong ngày 22/6, Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố các tài liệu đánh giá về các lợi ích sẽ đạt được khi là thành viên của CPTPP.

Anh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ ngày 1/2/2021. Hệp định thương mại này có hiệu lực từ năm 2018, quy định xóa bỏ 95% thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.

Bên cạnh đó, CPTPP còn mở ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn với khoảng 500 triệu người./.

Huy Tiến (TTXVN/Vietnam+)