The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. An Khê: Rộn ràng trẩy hội đầu Xuân
09/02/2019 - Lượt xem: 3141
Hàng ngàn người đã tập trung về khu vực An Khê Trường (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê) để cùng nhau tham dự Lễ kỷ niệm 248 năm Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2019), 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2019) và trẩy Hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê diễn ra vào sáng ngày 8-2.
 Quang cảnh Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Hồng Thi

 

 
Về dự lễ hội có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; đoàn đại biểu lãnh đạo huyện Tây Sơn (Bình Định) và 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; lãnh đạo Sư đoàn Bộ binh 2, Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5), Công ty 145, Binh đoàn Trường Sơn.
 
Thành kính tri ân vị vua “áo vải cờ đào”
 
Sáng sớm, thị xã An Khê mờ ảo trong màn sương giăng khắp lối. Trên các tuyến đường chính dẫn về Đình An Lũy (phường Tây Sơn, thị xã An Khê)-nơi sẽ diễn ra lễ hội-băng rôn, cờ hoa rực rỡ tung bay trong gió. Từng dòng người đủ mọi lứa tuổi di chuyển về khu vực này ngày một đông, ai cũng tranh thủ tìm cho mình vị trí thuận lợi nhất để theo dõi trọn vẹn buổi lễ. 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Đức Thụy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Đức Thụy
 
Chị Đinh Thị Hà (làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) phấn khởi cho biết: “Từ khi biết lễ hội này, năm nào vợ chồng tôi cùng bạn bè trong làng đều rủ nhau đến dự. Vì ở xa nên chúng tôi phải xuất phát từ lúc 6 giờ sáng để không bỏ sót nội dung nào. Tôi cảm thấy rất vui khi được hòa mình vào không khí rộn ràng của lễ hội những ngày đầu Xuân mới. Năm sau, khi các con lớn hơn một chút, nhất định tôi sẽ cho con cùng đi”.
 
Dù đã 92 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Sáng (tổ dân phố 10, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vẫn chống gậy dắt 2 cháu nhỏ đến xem lễ hội. Với bà, việc có mặt tại khuôn viên An Khê Trường vào mùng 4 Tết để tham dự lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đã trở thành thói quen. “Năm nay. thị xã tổ chức lễ khá hoành tráng và quy mô. Không khí thì nhộn nhịp, lượng người đến cũng đông hẳn. Đưa 2 cháu đến đây, tôi muốn giáo dục cho các cháu về truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông ta cũng như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”-bà Sáng chia sẻ.
 
Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy
 
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê một lần nữa nhắc nhớ lại thời khắc oanh liệt của phong trào khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài tình của vị vua “áo vải cờ đào” Quang Trung-Nguyễn Huệ. Theo đó, cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài hơn 200 năm đã khiến nhân dân ta lầm than dưới nạn binh đao, đất nước rơi vào tình cảnh bị chia cắt làm hai nửa Đàng Trong, nửa Đàng Ngoài. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lấy vùng Tây Sơn Thượng Đạo, mà trung tâm là thị xã An Khê ngày nay, làm căn cứ khởi nghĩa, hiệu triệu nhân dân, tích trữ quân lương, khởi binh chống lại triều đình. Từ năm 1773 đến 1787, nghĩa quân Tây Sơn đã giải phóng một vùng rộng lớn ở đồng bằng; 5 lần tiến vào Gia Định đánh đổ chế độ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, lập nên chiến công Rạch Gầm-Xoài Mút vang dội núi sông. Đặc biệt, với nghệ thuật hành quân thần tốc, lối đánh bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, sáng mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ 29 vạn quân Mãn Thanh, thống nhất sơn hà, lập lên triều đại Tây Sơn phát triển rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
 
Lãnh đạo các huyện kính cẩn dâng hoa vua Quang Trung. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ ngoài vào) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Tổ đình. Ảnh: Đức Thụy
 
Dưới tượng đài uy nghi của Hoàng đế Quang Trung, lãnh đạo tỉnh, các địa phương, đơn vị vũ trang cùng nhân dân đã dâng lên những lẵng hoa tươi thắm nhất, tỏ lòng biết ơn đến vị anh hùng dân tộc đã không tiếc máu xương bảo vệ giang sơn. Nghi lễ dâng hương tại Tổ đình cũng diễn ra trong không khí đầy trang nghiêm và tuân thủ tuyệt đối các nghi thức truyền thống với chiêng, trống, nhạc lễ… Sau phần hành lễ của vị Chánh tế, mọi người lần lượt tiến vào bên trong Tổ đình, dâng lên anh linh ba anh em Nhà Tây Sơn những nén hương thành kính; đồng thời không quên tự nhủ rằng, bản thân phải sống sao cho xứng đáng với công lao to lớn của những người con đã hy sinh thân mình cho đất nước.
 
Bạn Diệp Hồng Phước (phường An Phú, thị xã An Khê) bày tỏ: “Hai năm nay, cứ mùng 4 Tết, đoàn viên, thanh niên phường An Phú cùng phường Tây Sơn lại được hóa vào vai các lính lệ tham gia tại lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Tuy chỉ là công việc nhẹ nhàng nhưng mình cảm thấy rất vinh dự, từ đó biết trân quý giá trị lịch sử, ý thức hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương”.
 
Trẩy hội Cầu Huê
 
Sau hồi trống khai hội của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Hội Cầu Huê của người Việt tại vùng An Khê nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an đã chính thức bắt đầu với nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc như: múa lân-sư-rồng, hát tuồng, hát bài chòi, biểu diễn võ thuật Tây Sơn Thượng đạo, các trò chơi dân gian... Đáng chú ý, hoạt cảnh tái hiện lễ chiêu binh tụ nghĩa và chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa được các diễn viên thể hiện khá sinh động, chân thực trên sân khấu, đưa người xem trở về với thời điểm cách đây hơn 200 năm.
 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đánh trống khai Hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đánh trống khai Hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê. Ảnh: Đức Thụy
 
Biết được thông về Hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê qua phương tiện thông tin đại chúng, anh Nguyễn Đình Nhân (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã quyết định một mình tìm đến mảnh đất Tây Sơn Thượng đạo để “mục sở thị” sự kiện này. “Tôi rất thích đi du lịch và khám phá về văn hóa, lịch sử. Đến đây, tôi cảm thấy khá thú vị với những hoạt động lễ hội diễn ra, chúng khai sáng cho tôi về gốc rễ của cuộc Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn, mở mang thêm kiến thức về người An Khê xưa”-anh Nhân nói.
 
Càng về trưa, chiều, trời An Khê càng nắng nóng. Thế nhưng, hàng ngàn người vẫn nán lại theo dõi các tiết mục hát tuồng cổ và những màn trình diễn võ cổ truyền bắt mắt của các võ sinh đến từ các câu lạc bộ võ thuật trên địa bàn thị xã An Khê. Em Nguyễn Văn Toàn-thành viên Câu lạc bộ võ cổ truyền Đề Thám, thị xã An Khê-vui vẻ cho hay: “Đây là năm đầu tiên em tham gia múa võ tại lễ hội này. Để chuẩn bị cho màn trình diễn với bài võ Hùng kê quyền, bài quyền 27 động tác và 36 động tác, tụi em đã luyện tập gần 2 tháng. Em rất vui và tự hào khi biểu diễn những bài võ cổ truyền của vùng Tây Sơn Thượng đạo tại một sự kiện lớn về văn hóa của quê nhà như thế này”.
 
Hát Cầu Huê. Ảnh: Hồng Thi
Hát Cầu Huê. Ảnh: Hồng Thi
 
Phiên chợ Kinh-Thượng có lẽ là hoạt động tạo nên điểm nhấn trong lòng nhiều du khách khi đến với Hội Cầu Huê năm nay. Phiên chợ có gần 70 gian hàng đến từ các đơn vị xã, phường, trường học trên địa bàn thị xã An Khê và 3 huyện: Kbang, Kông Chro và Đak Pơ. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu gồm: nông cụ sản xuất, rau VietGap, hạt giống, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… Ngoài ra còn có các gian hàng ẩm thực như: bánh hỏi, bánh ướt, bánh ít lá gai, bánh tro, bánh cuốn, bánh bèo, bánh xèo, khoai lang nướng, củ mì luộc, cơm lam thịt nướng cùng rượu cần Tây Nguyên.
 
“Đăng ký tham gia trưng bày và bán các nguyên liệu làm rượu, rượu nghè tại Phiên chợ Kinh-Thượng, tôi mong muốn giới thiệu tới du khách bốn phương về món rượu cần truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để tôi có cơ hội học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm làm rượu với chị em ở các nơi khác”-bà Đinh Thị H’Phiên (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) kỳ vọng.
 
Hồ hởi giới thiệu mặt hàng mỹ nghệ cho khách tại Phiên chợ Kinh-Thượng. Ảnh: Hồng Thi
Giới thiệu mặt hàng mỹ nghệ cho khách tại Phiên chợ Kinh-Thượng. Ảnh: Hồng Thi
 
Mua được chiếc chuông gió làm quà tặng bạn, anh Huỳnh Văn Dõng (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vui vẻ nhận xét: “Chiếc chuông gió này làm từ chất liệu ông nứa nhưng khá tinh xảo, âm thanh trong veo nên tôi mua về để tặng một người bạn. Ngoài ra, tôi còn mua thêm 2 chiếc gùi kỷ niệm”.
 
Du khách xin chữ đầu năm. Ảnh: Ngọc Minh
Du khách xin chữ đầu năm. Ảnh: Ngọc Minh
 
Bên cạnh thưởng thức những đặc sản của người dân vùng Tây Sơn Thượng đạo, đến với lễ hội năm nay, du khách còn được hòa mình vào một số trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, nhảy dây, bập bênh, đánh cờ, bắt lươn trong chum, đập niêu đất, giã gạo kiểu Bahnar, đu quay, đi cà kheo, mang nước về làng, kéo co, leo cột lột quà... 
 
 Đội cồng chiêng nhí huyện Kông Chro biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Ngọc Minh
Đội cồng chiêng nhí huyện Kông Chro biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Ngọc Minh
 

Cuối ngày, du khách tiếp tục mãn nhãn với màn trình diễn cồng chiêng, múa xoang đường phố của các đoàn cồng chiêng đến từ huyện Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. 6 đội cồng chiêng xuất phát từ khu vực ngã 5 đường Đỗ Trạc, sau đó rẽ làm 2 hướng qua các ngã đường rồi cùng tiến về khu vực An Khê Trường. Lần đầu tiên được tổ chức tại An Khê, Lễ hội đường phố đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân địa phương và du khách xa gần.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG