The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. 5 điểm sáng của kinh tế 2015 và triển vọng năm 2016
13/01/2016 - Lượt xem: 2153
Nhân dịp đầu năm mới 2016, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một số nội dung cơ bản về kinh tế Việt Nam 2015 và triển vọng 2016.

Đồng chí Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn của phóng viênPV: Thưa đồng chí, trong năm 2015, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế nước ta đã có những điểm sáng đáng chú ý, đồng chí cho biết cụ thể về vấn đề này?

Đ/c Vương Đình Huệ: Năm 2015 trong điều kiện khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng đáng chú ý:

Thứ nhất, về mặt tăng trưởng, năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, tăng trưởng GDP cả nước vẫn đạt trên 6,6%, cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%) và cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra đã cho thấy nền kinh tế có sự phục hồi rõ nét. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế, tăng 0,63% so với năm 2014, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Các con số cho thấy biện pháp ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả trên diện rộng.

Thành công và điểm sáng thứ hai là kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế Thế giới và Trung Quốc sụt giảm, rồi biến động mạnh về tỷ giá Nhân dân tệ và các đồng tiền trong khu vực, cuối năm thì FED tăng lãi suất, sụt giảm mạnh của Thị trường Chứng khoán Trung Quốc…

Điểm sáng thứ ba, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đạt được những kết quả tích cực, kể cả những lĩnh vực trọng tâm, như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, rồi lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp có những kết quả tích cực. Trong 2015, riêng đột phá về kết cấu hạ tầng nói chung theo đánh giá sơ kết Nghị quyết 13 Trung ương về đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ đã tổng kết rất kỹ, tất cả 11 loại hạ tầng kinh tế - xã hội kể cả năng lượng, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ v.v…, nổi bật nhất trong đó là kết cấu hạ tầng giao thông. Trong kết cấu hạ tầng giao thông, tất cả các mục tiêu đều vượt so với nghị quyết, chỉ trừ có lĩnh vực đường sắt. Hôm trước khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đồng chí Thủ tướng cũng có thông báo là bây giờ cũng được khoảng 6-7 trăm km đường cao tốc rồi, phấn đấu 5 năm tới là khoảng được 1.500 km, giao cho Bộ trưởng Giao thông phấn đấu cố gắng được 2.000 km đường cao tốc tính đến 2020.

Thứ tư, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện, rất quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa với ASEAN, đơn giản hóa được các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; rồi tiếp cận điện năng; đầu tư xây dựng, cấp phép, tài nguyên và môi trường, bước vào ASEAN 6 theo khẳng định của Chính phủ, những vấn đề này chúng ta triển khai rất quyết liệt.

Thứ năm, đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, cộng với đó là hàng loạt Hiệp định FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác và hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN; dự kiến 04/2/2016 sẽ ký cấp Bộ trưởng chính thức TPP, chưa bao giờ mục tiêu đàm phán khó như thế mà lại thành công như vậy.

Một vấn đề nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh, an sinh xã hội và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực xã hội được chú trọng; quốc phòng an ninh được tiếp tục tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ cả ba tiêu chí; đặc biệt phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

PV: Thưa đồng chí, chúng ta đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua là do những nguyên nhân nào?

Đ/c Vương Đình Huệ: Để có kết quả tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua, có 4 lý do cơ bản.

Một là, sản xuất công nghiệp phục hồi, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng đến 10,60%;

Hai là, tốc độ sản xuất và xuất khẩu của FDI có sự tăng trưởng rất cao, 12 tháng qua tăng 18,3% so với cùng kỳ;

Ba là, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014);

Bốn là, hiệu ứng của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…, hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Theo tổng kết của báo chí Nga, năm 2015, Việt Nam là nước bội thu nhất về các hiệp định song phương và đa phương trên thế giới, như: TTP; với EU với Hàn Quốc, với Liên minh Thuế quan Nga- Belarus- Kazakhstan. Chúng ta hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC), bắt đầu có hiệu ứng rất tích cực; các hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tạo ra hiệu ứng rất tốt. Nhờ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tinh thần khởi nghiệp có vẻ như đang được hâm nóng, năm nay số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng, tổng vốn đăng ký mới tăng rất mạnh.

Những yếu tố tăng trưởng này không chỉ là kết quả riêng của 2015 mà là của cả một quá trình bắt đầu từ năm 2011. Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, trước tình hình suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn dự báo và những khó khăn về kinh tế vĩ mô trong nước, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh sang tăng trưởng mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để thích ứng với điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Với một tinh thần bền bỉ, kiên nhẫn, chúng ta đã tổ chức thực hiện thành công việc chuyển hướng. Đây là một thành công kép cả trong kế hoạch cũng như hành động.

Tôi xin đưa ra so sánh, nếu chúng ta tăng trưởng 7%, lạm phát đến 17-18% thì có ý nghĩa gì, trong khi năm nay chúng ta tăng trưởng 6,6%, mà lạm phát chúng ta chưa đến 1%. Thời kỳ đó các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn nhưng rất chính xác. Dự thảo báo cáo chính trị và các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá rất thống nhất về việc điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011.

PV: Bước sang năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cũng là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, đồng chí có nhận định gì về triển vọng cũng như những vấn đề đặt ra trong năm tới của nền kinh tế Việt Nam?

Đ/c Vương Đình Huệ: Giai đoạn 2016-2020, theo tôi có hai việc cần phải hết sức chú trọng.

Thứ nhất, đó là tập trung mọi nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta đã ban hành các luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với các nội dung tiến bộ, minh bạch cao; đã ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA...) hứa hẹn sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thương mại và đầu tư thì hy vọng chúng ta sẽ tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp....

Để tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp thì chúng ta phải chú trọng phát triển cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI và hai khối doanh nghiệp này phải kết hợp tốt hơn, không bị lệch pha như hiện nay; cải thiện môi trường kinh doanh, áp đặt kỷ luật thị trường với tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta đã tham gia TPP thì phải cam kết thực hiện nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp nhà nước.

Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng phát triển đất nước. Để hiện thực hóa vấn đề này, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành đề án Chủ trương và giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo văn kiện và quá trình xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp tới. Tôi cho rằng, hiện nay đang là kỷ nguyên của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tinh thần khởi nghiệp quốc gia chỉ có được khi chúng ta thổi hồn vào doanh nghiệp Việt tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và phải hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Chúng ta phải có chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với DN trong nước và khắc phục sự lệch pha này. Mặt khác cần có chính sách thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam để tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, một lĩnh vực đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo nhưng rủi ro cũng rất cao.

Trọng điểm thứ hai, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XII tới đây là xây dựng nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các nguyên tắc và qui luật của KTTT, giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước và thị trường. Lần này phải kiên trì thúc đẩy và để làm được thì phải có một hệ thống thị trường đồng bộ, hợp lý về cơ cấu và thể chế phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta phải thấy rằng nhiều vấn đề đang vướng mắc hiện nay suy cho cùng là do các loại thị trường (hàng hóa, tài chính, lao động, bất động sản, khoa học và công nghệ) còn chưa thông suốt, chưa phát triển. Tập trung gỡ thủ tục là cần thiết nhưng bài toán thị trường không gỡ được thì không giải quyết được gì cả. Ví dụ chúng ta muốn giải quyết tốt nợ xấu thì phải có thị trường mua bán nợ và muốn thế phải phát triển các định chế tài chính trung gian.

PV: Để hoàn thành các mục tiêu kinh tế năm 2016, chúng ta cần tháo những “nút thắt” nào hiện đang còn tồn tại từ năm 2015 và những năm trước, thưa đồng chí?

Đ/c Vương Đình Huệ: Chúng ta thấy một trong những nội dung chúng ta còn băn khoăn, cần chú trọng. Đó là động lực tăng trưởng hiện nay, cũng như năm 2015 còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước. Bản thân trong khu vực FDI chủ yếu cũng còn gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỉ lệ giá trị gia tăng rất thấp; tác động của việc lan tỏa của ứng dụng công nghệ và quản trị của khu vực này với kinh tế nói chung còn rất khiêm tốn.

Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh v.v… còn gặp rất nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực này giảm khoảng 2,5-2,6% so với cùng kỳ. Nhìn chung năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta vẫn còn thấp, nhất là khu vực trong nước.

Đáng chú ý là Nông nghiệp trong năm 2015 tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại, xuất khẩu giảm cả lượng và giá trị.

Khách du lịch cuối năm nay có phục hồi, nhưng tính chung cả năm 2015, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7943,7 nghìn lượt người, giảm 0,2% so với năm trước và đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009, mặc dù chúng ta đã quyết định là miễn thị thực cho 5 nước.

Nếu như mấy khu vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch vẫn tăng trưởng như trước, tăng trưởng GDP của 2015 chắc còn cao hơn .

Ở đây chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều: tại sao trong một quốc gia mà lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế FDI và khu vực kinh tế của các Doanh nghiệp mà chúng ta gọi là các Doanh nghiệp dân tộc, tức là các Doanh nghiệp trong nước. Cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, đồng thời kết nối được với khu vực doanh nghiệp FDI.

Theo tôi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 2016 và các năm tiếp theo./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo ĐCSVN

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG