Ca khúc "Phật là ánh từ quang" được biểu diễn tại chương trình (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sự kiện được tổ chức nhằm kính mừng Đại lễ Vu Lan năm 2019 (Phật lịch 2563), kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2019) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2019), kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019),

Dự sự kiện có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Điểu Kré; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ. Cùng dự có: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Việt Nam; Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình; Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng. Đặc biệt, Chương trình còn có sự tham dự của 10 Mẹ Việt Nam anh hùng, 20 thân nhân người có công với Cách mạng cùng các tăng, ni, phật tử tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Chương trình, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết: Chương trình nghệ thuật “Tự hào Tổ quốc – Mẹ Việt Nam” được tổ chức trong mùa Vu Lan năm 2019 nhằm khơi dậy và phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngợi ca Mẹ Việt Nam anh hùng; khẳng định ý nghĩa đỉnh cao của “Chân - Thiện - Mỹ” trong triết lý Phật giáo và truyền thống dân tộc qua bốn phương diện “Tứ trọng Ân”: Ân Quốc gia xã hội - Ân cha mẹ - Ân tam bảo sư trưởng và Ân chúng sinh vạn loại.

Chương trình cũng nhằm tưởng nhớ và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ vị quốc vong thân, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, Chương trình là sự kiện mang ý nghĩa thể hiện tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa Đạo và Đời, giữa Phật giáo Việt Nam với non sông đất nước.

Tại Chương trình, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: Trải qua mấy nghìn năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, tư tưởng, triết lý, đạo đức của Phật giáo có nhiều ảnh hưởng, tác động đến đời sống tình cảm, tín ngưỡng cũng như phong tục, tập quán văn hóa, lối sống của đa số người dân đất Việt. “Lễ Vu Lan trong truyền thống của Phật giáo từ lâu đã trở thành lễ hội lớn không chỉ có ý nghĩa tôn giáo thuần túy mà đã trở thành một lễ hội văn hóa thấm đẫm tình người. Mỗi mùa Vu Lan về là dịp để mỗi người chúng ta tưởng nhớ, tri ân, báo ân tới các bậc tiền nhân, tới ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành và rộng ra là đối với quốc gia, xã hội”, ông Vũ Chiến Thắng nói.

Theo ông Vũ Chiến Thắng, Chương trình nghệ thuật “Tự hào Tổ quốc - Mẹ Việt Nam”, ngoài ý nghĩa tri ân, báo ân của những người có Phật, trong mùa Vu Lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo, thăm và tặng quà các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa và nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Đây là những việc làm có ý nghĩa, đầy tình  người, không chỉ việc chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn mà còn khơi dậy trong toàn xã hội tinh thần bác ái, từ bi của Đức Phật.

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng tin tưởng với đường hướng đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp hơn nữa trong các hoạt động ích đạo lợi đời, đem lại hạnh phúc an lành cho nhân quần và xã hội. Các thiện hữu phật tử hướng theo đức hạnh của các bậc già lam chân đế, hiện thực hóa các giá trị nhân văn nhân bản của giáo hóa Đức Phật Thích Ca thành những hành động thiện nguyện cụ thể hơn nữa, để Phật pháp được tỏa đến muôn nơi, mang lại hạnh phúc cho con người. Ông Vũ Chiến Thắng cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam hãy chung tay cùng các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng trao quà tặng 10 Mẹ Việt Nam anh hùng dự Chương trình nghệ thuật. Chương trình nghệ thuật “Tự hào Tổ quốc - Mẹ Việt Nam” gồm nhiều tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Phật giáo, thể hiện tinh thần gắn bó giữa Đạo với Đời./.