Một phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại 9 tỉnh gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương, Tây Ninh sẽ giúp giảm được 4 đơn vị hành chính cấp huyện, 60 đơn vị hành chính cấp xã.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, cũng như sự quyết tâm chính trị, nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị của 9 tỉnh trong việc quán triệt, khẩn trương thực hiện chủ trương về sắp xếp các đơn vị hành chính.

Nhấn mạnh rằng đại hội đảng bộ các cấp đang đến rất gần, nhiều ý kiến đề nghị chính quyền địa phương cùng với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn, cần quan tâm triển khai các công việc liên quan để không ảnh hưởng đến kết quả đại hội. Chính phủ, chính quyền các địa phương cần kịp thời có hướng dẫn, giải pháp cụ thể để bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, bảo đảm vị trí việc làm và số lượng cấp phó theo quy định; có biện pháp hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính.

Nhiều đại biểu lưu ý, có một số trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính ở biên giới, hải đảo, vì thế, Chính phủ, chính quyền địa phương cần chú trọng bảo đảm ổn định về chính trị, an ninh - trật tự, an toàn xã hội, tránh thế lực thù địch tranh thủ tuyên truyền chống phá về chủ trương thực hiện của Nhà nước đến những người dân chưa thực sự hiểu rõ về lợi ích của việc sắp xếp đơn vị hành chính, làm hoang mang lòng dân, gây rối an ninh - trật tự.

Cũng tại phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 9 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long. Trong số các tỉnh, thành này có Nam Định và Quảng Bình chưa thực hiện sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp xã với cùng lý do là chưa đạt tỷ lệ 50% cử tri đồng ý với phương án sắp xếp. Ủy ban Pháp luật đề nghị các địa phương phải giải trình làm rõ hơn về nguyên nhân khiến cử tri của các xã này không có sự đồng thuận với phương án sắp xếp; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sắp xếp đơn vị hành chính một cách hợp lý, hạn chế tối đa các trường hợp thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng đề nghị không thực hiện hoặc sau khi sắp xếp vẫn không bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, đến nay còn 6 địa phương thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng chưa có đề án sắp xếp gồm: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng kế hoạch.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận những vấn đề cần được Chính phủ tiếp tục giải trình liên quan đến các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng để trọn vẹn hết các yếu tố, cả về cơ sở pháp lý và đáp ứng đòi hỏi từ thực tế thì khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính, các cơ quan chức năng cần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”; chú ý củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương…/.