Tổng thống Mỹ D.Trump. (Ảnh: PressTV)

Trong bức thư đề ngày 28/1, bà Pelosi viết: “Khi tôi viết thư cho ngài vào ngày 23/1, tôi đã phát biểu rằng chúng ta cần hợp tác để ấn định một thời điểm phù hợp, đó là khi mà chính phủ được mở cửa trở lại, để đọc bản Thông điệp Liên bang năm nay… Chính vì thế, tôi mời ngài đọc bản Thông điệp Liên bang trước phiên họp Quốc hội chung ngày 5/2/2019 tại phòng Hạ viện”.

Ngay lập tức, Tổng thống D.Trump đã ra tuyên bố chính thức chấp nhận lời mời của bà Pelosi. Tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng viết: “Tôi rất vinh dự chấp nhận lời mời này. Chúng ta có một câu chuyện quan trọng để kể và những mục tiêu lớn lao để tiến tới”.

Trong thời gian gần đây, ông D.Trump và bà Pelosi đã vướng vào một cuộc tranh cãi gay gắt liên quan tới việc đóng cửa chính phủ và khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới phía Nam. Thậm chí vào ngày 17/1, Tổng thống D.Trump đã hoãn chuyến công du nước ngoài của bà Pelosi vì những lo ngại xung quanh việc chính phủ bị đóng cửa. Tuần trước, bà Pelosi cũng đã chính thức phản đối kế hoạch của ông D.Trump nhằm đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 29/1 vì cho rằng, điều này sẽ được thực hiện sau khi chính phủ mở cửa trở lại.

Theo thông lệ, các Tổng thống Mỹ sẽ phát đi Thông điệp Liên bang hàng năm từ phòng Hạ viện nhằm vạch ra những kế hoạch trong tương lai, trước thời điểm Quốc hội triệu tập phiên họp chung vào dịp đầu năm mới.

Kể từ ngày 22/12/2018, một phần chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa do cuộc tranh cãi chưa được tháo gỡ giữa các nghị sỹ phe Dân chủ với chính quyền Tổng thống D.Trump liên quan tới khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Về phía Tổng thống D.Trump đã từ chối phê chuẩn ngân sách không bao gồm khoản chi phí 5,7 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới với Mexico – vốn là một lời hứa quan trọng mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ lại bày tỏ quan điểm phản đối vì cho rằng, kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với là “tốn kém, thiếu hiệu quả và trái đạo đức”, đồng thời gây sức ép để buộc Tổng thống cho mở cửa lại chính phủ trước khi tiến hành thảo luận sâu hơn về vấn đề này.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình, vào cuối tuần trước, Tổng thống D.Trump và Quốc hội đã đạt được thỏa thuận tạm thời chấm dứt đợt ngưng hoạt động kéo dài nhất trong lịch sử chính phủ Mỹ. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời để nối lại hoạt động của các cơ quan chính phủ cho tới ngày 15/2 sau gần 5 tuần đóng cửa một phần. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump cũng cảnh báo rằng, nếu ông và các nghị sỹ Mỹ không tận dụng quãng thời gian còn lại để đưa ra một thỏa thuận công bằng, thì hoặc chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa trở lại vào ngày 15/2, hoặc ông sẽ sử dụng quyền hạn của mình theo luật pháp và Hiến pháp Mỹ để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.

Ngày 28/1, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố báo cáo cho biết, việc chính phủ bị ngừng hoạt động lâu nhất trong lịch sử đã khiến nền kinh tế số 1 thế giới này thiệt hại khoảng 11 tỷ USD. Cụ thể, số liệu của CBO cho thấy, việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần trong vòng 5 tuần qua đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý IV năm 2018 bị tụt giảm 3 tỷ USD (tương đương 0,1%). CBO cũng cảnh báo rằng, tình trạng này sẽ để lại những hậu quả kéo dài khi tiếp tục khiến GDP trong quý I năm 2019 bị tụt giảm 8 tỷ USD (tương đương 0,2%)./.