The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XI: Thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
12/07/2017 - Lượt xem: 1830
Ngày 11-7, kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XI bước sang ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu HĐND tỉnh đã chia thành 8 tổ để thảo luận các nội dung trọng tâm của kỳ họp; đóng góp ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình.

Sôi nổi phần thảo luận tổ

Trong không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, hầu hết các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn ra; phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; công tác quy hoạch phát triển du lịch chậm, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu; tình hình trật tự an toàn xã hội còn phức tạp...
 

Các đại biểu thảo luận tại tổ.   Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy

Thảo luận về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đại biểu Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: “Chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng là của ai? Tại sao Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng mà lại không làm được? Để xảy ra sai phạm thì chính ngành đó phải chịu trách nhiệm. Để mất rừng chính là do nguyên nhân chủ quan chứ không phải nguyên nhân khách quan”.

Bên cạnh đó, một vấn đề được các đại biểu quan tâm hiện nay trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nguồn vốn và cách phân bổ nguồn vốn. Đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới hiện nay không nhiều nên phải lồng ghép thêm những nguồn vốn khác. Do vậy, các địa phương phải đầu tư sao cho thật hiệu quả”. Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính, phân tích thêm: “Vốn phân bổ cho chương trình nông thôn mới tương ứng với vốn đối ứng của Trung ương giao cho Gia Lai trong cả giai đoạn 2016-2020 là 853 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ được phân bổ trên cơ sở vốn đối ứng của địa phương. Nếu địa phương không phân bổ đầu tư cho chương trình thì Trung ương cũng không đưa về. Vậy tại sao chúng ta không tập trung đầu tư, phân bổ cho các huyện xây dựng đường giao thông nông thôn và những hạng mục khác”.

Bàn về chính sách dân tộc và những hạn chế của chính sách này, đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, lý giải: “Qua quá trình giám sát cho thấy việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ đạt rất thấp. Trong số 1.338 hộ đăng ký hỗ trợ đất sản xuất nhưng tỉnh chỉ thực hiện được 413 hộ, lý do là địa phương không còn quỹ đất nên có sự điều chỉnh xuống. Ủy ban nhân dân tỉnh cần nghiên cứu tìm giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu đất sản xuất trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ nghèo”.

Năm 2016, có 1.599 thủ tục hành chính được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 1.128 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; 256 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện, thị xã, thành phố; 215 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề tai nạn giao thông gia tăng, nhiều đại biểu cho rằng, cần tích cực tuyên truyền pháp luật về giao thông tới từng nhà, từng người dân. “Việc xử lý vi phạm không nghiêm khiến người tham gia giao thông còn chủ quan. Nếu những trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm thì sẽ không có ai dám vi phạm”-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã phân tích, thảo luận các vấn đề về công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi còn nhiều bất cập; một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước chậm hoàn thành thủ tục và có dự án giải ngân chậm; việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn vay gặp khó khăn… Ngoài ra, nhiều đại biểu  yêu cầu các ngành liên quan làm rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời cũng đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình cánh đồng lớn, tái canh cây cà phê, trồng rừng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri

Các đại biểu biểu quyết nhân sự bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh.                                                           Ảnh: Minh Dung
Các đại biểu biểu quyết nhân sự bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh. Ảnh: Minh Dung

 Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2016; báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về “Công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2016”; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh qua các đợt giám sát và khảo sát 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, nghe UBND tỉnh báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại kỳ họp lần này.

Tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XI, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 72 ý kiến, kiến nghị của cử tri để xem xét, trả lời theo luật định. Nội dung kiến nghị của cử tri đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội như: đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, đất đai, môi trường, y tế, an sinh xã hội… Báo cáo tại kỳ họp, đại biểu Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết: “Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, trả lời 72/72 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 17 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố; 55 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương”.

Tuy nhiên, việc phân loại kiến nghị theo cấp giải quyết của UBND tỉnh vẫn còn bất cập, chưa rõ ràng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhắc nhở: “Theo phân loại của UBND tỉnh, có 17 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Vậy nhưng, trên thực tế vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể và báo cáo việc giải quyết 17 kiến nghị này cho Thường trực HĐND tỉnh và Tổ đại biểu HĐND tại huyện để giám sát và trả lời cử tri. Ngoài ra, một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh chưa đúng, chưa đủ và chưa kịp thời. Chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc này”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống người dân được cải thiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời kiến nghị vẫn còn chung chung. Nhiều trả lời kiến nghị còn mang tính giải thích và cung cấp thông tin.

Kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đã tiến hành bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021). Kết quả, ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ đã trúng cử chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) với tỷ lệ phiếu bầu 92,5%. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trúng cử chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) với tỷ lệ phiếu bầu 93,75%.

Liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu cho rằng việc trả lời kiến nghị của cử tri cần có sự thống nhất và quan tâm hơn nữa để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng với trò của người đại biểu dân cử. Đại biểu Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng: “Trả lời kiến nghị của cử tri thể hiện tính giám sát, thể hiện vai trò của đại biểu HĐND. Cần phải đi thẳng vào vấn đề cử tri yêu cầu. Nghiên cứu các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc của người dân”.

Hôm nay (12-7), kỳ họp sẽ bước vào ngày làm việc thứ 3 với các nội dung: Báo cáo kết quả thảo luận theo tổ; các đại biểu thảo luận chung tại hội trường và thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG