The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế Gia Lai
12/02/2015 - Lượt xem: 5163
Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700- 800 mét so với mực nước biển, với diện tích 15.536,92 km². Gia Lai có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng-an ninh. Sân bay Pleiku cùng quốc lộ 14, 25, 19 và đường Hồ Chí Minh nối kết Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông-lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.  Với tiềm năng thuận lợi này đã tạo điều kiện cho Gia Lai phát triển ngành nông nghiệp bền vững là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như:  cà phê, cao su, hồ tiêu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực, thực phẩm. Toàn tỉnh hiện có gần 120.000 ha cao su, 79.000 ha cà phê, 13.000 ha hồ tiêu, 38.000 ha mía…
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Năm 2014, diện tích gieo trồng ước đạt 507.714 ha, đạt 101% kế hoạch, tăng gần 14.000 ha so với năm 2013; trong đó cây công nghiệp dài ngày chiếm 42%, cây công nghiệp ngắn ngày 9,3%, cây lương thực chiếm 25,2%, cây thực phẩm và các loại cây trồng khác chiếm 23,5%. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp, Gia Lai đã tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lực gắn với công nghiệp chế biến phù hợp với tiềm năng lợi thế mỗi vùng. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, đưa cơ giới vào nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Gia Lai phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp tăng bình quân 6,2%/năm. Cùng với đó, tỉnh đang triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp; phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao. Tích cực xây dựng các mô hình sản xuất tập trung gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và các mô hình sản xuất phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số; bước đầu đúc kết rút kinh nghiệm mô hình chuyển đổi rừng nghèo, diện tích đất trống và đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cao su để đến năm 2015 tổng diện tích cây cao su của tỉnh đạt 122.500 ha. Thị trường cao su thiên nhiên năm 2015 dự báo bắt đầu có dấu hiệu ấm dần khi nhu cầu tại các nước tiêu thụ tăng và nguồn cung giảm. Điều này có nghĩa cầu sẽ vượt cung, chênh lệch cung cầu cao su tự nhiên đang có xu hướng đảo chiều, tức nhu cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế thế giới mặc dù chậm nhưng vẫn đang cho dấu hiệu hồi phục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc không quá u ám như dự báo và nhu cầu tiêu thụ ở Ấn Độ sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung cao su trên thế giới sẽ giảm do giá cao su đã giảm sâu vì chính sách khuyến khích chặt bớt cây cao su để giảm sản lượng và tận dụng gỗ cao su trong xây dựng dân dụng, đê ngăn lũ tại nhiều quốc gia. Từ tình hình thực tế này, các chuyên gia nhận định các doanh nghiệp khai thác, sản xuất và xuất khẩu cao su đã dần dần đi qua giai đoạn khó khăn nhất.

Chặng đường dài phát triển nông nghiệp với mô hình đa dạng hóa cây trồng đã tạo một bức tranh sinh động của nền nông nghiệp có quy mô, tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, Gia Lai còn đang thiếu một tiền đề quan trọng khác là nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là các khâu chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt chú trọng ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; phát triển quy mô đàn gia súc, đẩy mạnh chương trình lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo, phát triển các trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp và giết mổ gia súc tập trung; đồng thời nghiên cứu bảo tồn các nguồn gene động vật và thực vật hiện có trên địa bàn tỉnh. Giữ vững diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái. Phát triển toàn diện, bền vững cả 3 loại rừng, tăng diện tích rừng trồng và độ che phủ của rừng; dự kiến cuối năm 2015 trồng mới 20.700 ha rừng; tiếp tục thực hiện chương trình xã hội hóa nghề rừng, đẩy mạnh giao khoán rừng, quản lý bảo vệ rừng.

 

Với quy mô và cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng như hiện nay ước tính giá trị tăng bình quân 16,9%/năm; tập trung phát triển, hiện đại hóa những ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và tác động mạnh đến sự phát triển nhanh, bền vững như: công nghiệp chế biến nói chung và công nghiệp chế biến để tạo giá trị tăng thêm cho mặt hàng nông sản. Đây là một chiến lược hết sức quan trọng, là một “nắm đấm” để tạo động lực cho sự phát triển nhanh và vững chắc trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, phong điện, năng lượng mặt trời), khai khoáng sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí. Đồng thời với việc phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phục vụ sản xuất và chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp là lợi thế của tỉnh như: cao su, cà phê, hồ tiêu, mía đường; sản xuất phân bón, thức ăn gia súc; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách hiệu quả; tạo điều kiện cho các ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển. Tiếp tục đầu tư phát triển các khu-cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Đây là một vấn đề có tính mấu chốt trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh và áp dụng các chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư vào tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư cả trong nước và nước ngoài, nhất là thị trường các tỉnh Đông Bắc Campuchia và hạ Lào là một vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Từ việc tăng trưởng của công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng của dịch vụ ước đạt 14-16%/năm. Phấn đấu kiện toàn hệ thống thương mại-dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh; phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ và hợp tác xã cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, mở rộng mạng lưới thương mại ở vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian đến, Gia Lai tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng chủ lực của tỉnh trên thị trường khu vực và tiếp cận với thị trường EU, Mỹ; vận dụng các chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng truyền thống vào các thị trường mới. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, theo hướng hiện đại như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải; khuyến khích và hỗ trợ phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, thể thao; dịch vụ việc làm và an sinh xã hội; tích cực kêu gọi đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như không gian văn hóa cồng chiêng. Vì khách du lịch hầu hết là những người có điều kiện, họ không cần chiêm ngưỡng những khu công nghiệp đồ sộ, những ngôi nhà cao tầng mà nơi di tích lịch sử và có văn hóa lâu đời là điểm đến của họ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình du lịch hiện có và phát triển mạnh các loại hình mới; mở rộng hợp tác liên kết du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực.

Các số liệu ở trên đã minh chứng cho lợi thế của Gia Lai là duy nhất mà không có một tỉnh nào ở Tây Nguyên có thể có được. Gia Lai có một quy hoạch rất khoa học về các lĩnh vực then chốt như: công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó các loại cây trồng nguyên liệu cho công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu. Ngay từ những thập niên 80 thế kỷ trước, Gia Lai đã có quy hoạch tổng thể và chi tiết. Xuyên suốt thời gian phát triển, quy hoạch đó đến nay vẫn nguyên giá trị để đến ngày hôm nay Gia Lai có diện tích tiêu lớn nhất toàn quốc, cao su đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Về các nguồn lực khác chúng ta cũng có lợi thế lớn như: thủy điện, hệ thống đường giao thông… là địa phương tiếp giáp với các vùng kinh tế động lực và các khu vực Tam giác phát triển như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang; các cảng lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên; các cửa khẩu tiếp giáp các nước Campuchia, Lào. Các nguồn lực đó đã tạo cho Gia Lai có một thế mạnh để bay cao, bay xa trong tương lai. Tất nhiên cũng còn những điều kiện cốt lõi mà Gia Lai cần phải có đó là vốn và đội ngũ trí thức.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG