Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

Ngày 24/2/207, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế  đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết . Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017.

Tại buổi họp báo ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 20/2017/NĐ-CP ra đời đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết.

Nghị định đã được đơn vị soạn thảo xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ hiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó, phát huy những quy định về quản lý giá giao dịch liên kết đa mang lại kết quả  trong thời gian qua và cập nhập, bổ sung các giải pháp quản lý mới được BEPS (Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận).

Nói về những điểm mới cơ bản của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, bà Nguyễn Thị Lan Anh Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, Nghị định  đã đưa ra các nguyên tắc để xác định giá giao dịch liên kết như: Phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập; nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định đúng bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập; phân tích, so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết; áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát… đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập.

Các yếu tố so sánh cần phân tích gồm: đặc tính sản phẩm, chức năng hoạt động, điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch.

Các phương pháp cụ thể làm căn cứ xác định giao dịch liên kết gồm: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, phương pháp phân bổ lợi nhuận.

Tại buổi họp báo trả lời câu hỏi của báo chí về công tác thanh tra chống chuyển giá, bà Lan Lan Anh cho biết, ngành Thuế đã và đang tập trung từng bước đẩy mạnh thanh tra chuyển nhượng. Tính từ 2010-2015 ngành thuế đã  thanh tra, điều chỉnh xác định giá 130 doanh nghiệp. Điều chỉnh giảm lỗ khoảng 2.962 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.430 tỷ đồng, truy thu 724 tỷ đồng.

Trong quá trình xây dựng Nghị định từ đầu cơ quan thuế đã thu thập các kinh nghiệm quốc tế, so sánh với hiện trạng Việt Nam để xây dựng nền tảng pháp lý cho phù hợp.

Qua thực tế thanh tra, kiểm tra, cơ quan Thuế cũng nhận thấy, việc các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết dần dần được quy chuẩn, hành lang pháp lý cũng rõ ràng hơn nên các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có ý thức hơn trong việc kê khai theo đúng quy định. Từ đó các doanh nghiệp đã sớm phát hiện và điều chỉnh các thông số của doanh nghiệp mình trước khi cơ quan Thuế đến thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra hiện nay cũng được cơ quan Thuế thực hiện theo cơ chế quản lý rủi ro để tiết kiệm nguồn nhân lực cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh./.